"Em tập cùng đội nam chứ không tập cùng đội nữ"
Đặng Minh Hà từng được giới bóng rổ Hà Nội đặc biệt chú ý, một phần nhờ vẻ xinh xắn dễ thương, một phần nhờ tài năng bóng rổ không thể phủ nhận.
Tiếp xúc với bóng rổ từ năm lớp 4, Minh Hà theo học các lớp bóng rổ tại CLB Phòng Không - Không Quân. Tại đây, em được học hỏi từ những huấn luyện viên hàng đầu của PKKQ, nay đều đang làm việc ở các đội bóng VBA. Tài năng của Minh Hà nhanh chóng bộc lộ từ đây.
"Tại Phòng Không - Không Quân, em tập cùng đội nam chứ không tập cùng đội nữ", cô gái sinh năm 2005 chia sẻ. Sở trường đột phá với tốc độ đầy ấn tượng của cô gái gốc Hà Nội giúp em sớm tỏ ra vượt trội về trình độ so với bạn bè đồng trang lứa.
Thế mạnh về tốc độ giúp Đặng Minh Hà giành rất nhiều huy chương ở môn ... điền kinh. Từ năm lớp 6 đến lớp 9, em liên tục vô địch cấp Quận ở các nội dung thi 100 mét.
Kỹ năng kiểm soát bóng cùng tốc độ hơn người của cựu học sinh THCS Thái Thịnh giúp em tỏa sáng tại hội trại Jr.NBA 2019. Trong một kỳ hội trại có sự cạnh tranh rất lớn, nơi có gương mặt top 10 châu Á Phùng Trang Linh, Minh Hà đã xuất sắc có tên trong top 10 nữ Việt Nam.
Tài không đợi tuổi, một loạt màn trình diễn của em giúp Minh Hà sớm lọt vào mắt xanh của HLV U18 Hà Đông và em thi đấu cùng các đàn chị lứa THPT khi chỉ mới 14 tuổi. Kể từ đây, tên tuổi của Hà cũng được chú ý nhiều hơn.
Dù không giành kết quả tốt cùng nữ THCS Thái Thịnh, nhưng Minh Hà vẫn được gọi lên đội hình tuyển U15 nữ Hà Nội chuẩn bị cho Hội Khỏe Phù Đổng (Giải đấu phải lùi 1 năm vì COVID-19). Sau đó, em thi đấu nhiều giải đấu cấp độ học sinh cũng như góp mặt trong đội hình Dwarf nhí dự Hanoi Sisters Cup.
Chấn thương đột ngột
Khi sự nghiệp đang lên như diều gặp gió thì Đặng Minh Hà gặp một trong những chấn thương gây ám ảnh nhất đối với dân thể thao. Em bị đứt dây chằng đầu gối trong một giải đấu giao hữu và buộc phải nghỉ thi đấu dài hạn. cô gái sinh năm 2005 kể lại.
“Em bị đứt hoàn toàn dây chằng gối phải, em sụp đổ và trở nên sợ bóng rổ”, cô gái sinh năm 2005 chia sẻ với Orphic ở thời điểm mới chấn thương.
Ở tuổi 15, em không thể phẫu thuật và phải đợi ít nhất hai năm để mổ gối - tương đương 24 tháng không bóng rổ. Tuy vậy, Hà vẫn đối diện với chấn thương bằng thái độ tích cực và điều đó đem lại vận may cho em.
"Em đi tập phục hồi và được mẹ mua lá thuốc về bó chân. May mắn là sau một thời gian thì khi đi khám lại, chấn thương của em chỉ còn là rách bán phần. Thêm một khoảng thời gian nữa, dây chằng của em cũng liền lại nhiều, giờ bác sĩ chỉ khuyên hạn chế vận động mạnh thôi", cô gái sinh năm 2005 nhớ về quá trình hồi phục chấn thương.
"Giờ đây, em chưa thể chạy đột phá nhanh như ngày xưa nữa. Nhưng em cũng coi đây là cơ hội để mình hoàn thiện những cú ném và thi đấu toàn diện hơn", Minh Hà hào hứng nói về chấn thương của mình. “Nếu trước khi chấn thương, em yêu bóng rổ là 100%, thì bây giờ em yêu bóng rổ 150%”
Lá cờ đầu của bóng rổ cấp III Nhân Văn
Sau khi kết thúc thời gian học cấp II, Đặng Minh Hà quyết định thi vào trường Trung học Phổ thông chuyên Khoa Học Xã hội & Nhân Văn (HSSH). Nếu bạn chưa từng nghe thấy tên ngôi trường này thì đó không phải là lỗi của bạn, vì ngôi trường mới được thành lập trước năm học 2020/21.
Điều đó cũng có nghĩa là phong trào thể thao nói chung và bóng rổ nói riêng tại đây chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Nhưng thay vì than vãn, Minh Hà thể hiện tố chất thủ lĩnh khi kêu gọi các bạn cùng trường lập nên tuyển bóng rổ nữ để đi thi đấu giải học sinh.
Dù mới học lớp 10, nhưng Đặng Minh Hà phải căng mình ra nắm giữ nhiều vai trò để giữ cho đội bóng này hoạt động. Em vừa là cầu thủ, vừa là huấn luyện viên hướng dẫn các bạn, vừa đóng vai quản lý. Chạy đôn chạy đáo nộp nhiều loại giấy tờ để đội bóng có thể tham dự giải thành phố.
"Khó khăn lớn nhất của bọn em bây giờ là vấn đề sân bãi và không có HLV hướng dẫn. Ở sân Kí túc xá Mễ Trì, bọn em không thể tập luyện sau 6 giờ tối, nhiều ngày phải dẫn nhau đi thuê sân để tự tập luyện", Minh Hà nói về quá trình chuẩn bị cho giải học sinh.
Tại giải thành phố, đội bóng HSSH sớm bị loại chỉ sau 1 trận khi gặp nữ Phạm Hồng Thái. Giải đấu ấy đánh dấu sự trở lại của Minh Hà sau gần một năm chấn thương. Dù chưa đạt phong độ cao và thể lực còn yếu, em vẫn ghi toàn bộ 16 điểm của cả đội - một nỗ lực đáng kinh ngạc.
Trận đấu ấy chứng kiến nhiều lần Minh Hà bật khóc ngay trên ghế dự bị. Đó là nước mắt của sự đau đớn, sự mệt mỏi, hoặc cũng có thể là nước mắt bất lực khi chứng kiến đội nhà thua cuộc. Nhưng em không mất nhiều thời gian để tìm lại nụ cười.
Minh Hà là vậy. Em có thể vấp ngã trước nhiều khó khăn của cuộc đời, nhưng em luôn đối diện với chúng bằng tinh thần tích cực nhất, và vượt qua sóng gió bằng nụ cười của mình.
Ảnh: Minh Hiếu, Vũ Tùng