Yi Jianlian: Áp lực người kế tục Yao Ming và chiếc ghế bí ẩn ám ảnh sự nghiệp

Minh Hiếu
thứ hai 17-8-2020 22:10:23 +07:00 0 bình luận
Yi Jianlian không thể tỏa sáng tại sân chơi NBA và câu chuyện về một chiếc ghế bí ẩn đã ám ảnh sự nghiệp không mấy nổi bật của anh trên đất Mỹ.

Gã khổng lồ ghét thể thao

Yi Jianlian sinh ra vào ngày 27/10/1987 tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Cả cha mẹ anh đều là những cựu vận động viên bóng ném. Ông Yi Jingliu cao 1m99, còn bà Mai Meiling cao 1m79. Gen cao di truyền giúp Jianlian cao tới 1m93 khi bước vào trung học. 

Ở miền nam Trung Quốc, người dân có phần thấp bé hơn so với những đồng bào phương bắc. Vì vậy, Yi Jianlian lập tức trở thành mối quan tâm đặc biệt và được gọi là gã khổng lồ. Những người có yếu tố thể chất tốt như vậy thường sớm được định hướng đi theo nghiệp thể thao, nhưng cha mẹ Jianlian có suy nghĩ khác:

"Chúng tôi chẳng giàu có gì sau khi giải nghệ", bà Mai Meiling chia sẻ. "Hồi còn nhỏ, chúng tôi không được đi học đàng hoàng, vậy nên chẳng tìm được công việc tốt đẹp khi giải nghệ. Chúng tôi muốn con trai phải học giỏi chứ không phải làm vận động viên chuyên nghiệp. Chúng tôi không muốn nó lâm vào tình cảnh này".

Yi Jianlian cùng bố (trái) và mẹ (giữa)

Bóng rổ Trung Quốc có lẽ sẽ mất đi một tài năng nếu thiếu sự xuất hiện một vị HLV họ Dai. Đến từ một trường chuyên thể thao, vị HLV này nhận thấy Yi Jianlian có đầy đủ yếu tố thể chất và dự đoán chàng trai sinh năm 1987 có thể cao tới 2m06. Ông Dai đã đến tận nhà, thuyết phục ông Jingliu và bà Meiling cho con trai đi thử sức.

Nhưng dường như Jianlian có chung tư tưởng với ông bà Yi và suýt chút nữa đã từ bỏ sự nghiệp bóng rổ ngay từ điểm xuất phát. Trong bài thi chạy 400m, gã khổng lồ Quảng Đông chỉ chạy được nửa đường, cảm thấy nôn nao và không thể hoàn thành bài thi:

"Lúc đó tôi không còn chịu đựng được nữa", cầu thủ của Guangdong Southern Tigers chia sẻ. "Trước khi vào trường, tôi chưa bao giờ rời xa nhà lâu đến như vậy. Tôi không hề mơ tới việc trở thành một vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp".

Yi Jianlian thừa hưởng chiều cao hơn người từ bố mẹ

Người kế tục Yao Ming

Sau một thời gian dài tập luyện, Yi Jianlian gắn bó hơn với trái bóng cam. Anh vượt qua những khó khăn ban đầu và trở thành một cầu thủ xuất sắc. Yi sau đó bị cuốn hút bởi những bộ phim hoạt hình hay trò chơi điện tử về NBA, đặt mục tiêu đến với nước Mỹ ở một ngày không xa.

Trước khi nghĩ về NBA, cầu thủ sinh năm 1987 khiến bóng rổ quốc nội điên đảo. Anh ký hợp đồng thi đấu và ra mắt Giải Nhà nghề Trung Quốc khi mới 15 tuổi. Ngay lập tức có được chỗ đứng ở đội bóng quê nhà Guangdong Southern Tigers, Jianlian khiến người hâm mộ nghĩ về một tượng đài bóng rổ mới.

Đạt chiều cao tới 2m11 ở độ tuổi teen (sau này là 2m13), Yi Jianlian sở hữu sức bật ấn tượng khi đạt tầm với 3m51. Anh trở thành ông hoàng ở khu vực dưới rổ và còn sở hữu khả năng dứt điểm đa dạng ở nhiều vị trí.

Yi Jianlian sớm được coi là Yao Ming mới của bóng rổ Trung Quốc

Sự thống trị của Yi đem về 3 chức Vô địch CBA liên tiếp cho Quảng Đông và khiến người hâm mộ mơ mộng tới hình ảnh của một Yao Ming thứ hai. Tháng Tám năm 2003, Yi Jianllian lên bìa tờ Time với dòng tít: "Yao Ming tiếp theo". 24 tháng sau đó, Nike ký hợp đồng kéo dài 6 năm với trung phong của Tigers và chờ đợi anh tới với đấu trường NBA.

Ở cấp độ Đội tuyển Quốc gia, Yi Jianlian ra mắt khán giả nước nhà tại Olympic 2004 khi chỉ mới 17 tuổi. Anh sớm trở thành chủ lực của đội tuyển Trung Quốc, giành liên tiếp hai tấm huy chương Vàng tại giải Vô địch châu Á 2005 và ASIAD 2006.

Yi ra mắt ĐTQG năm 17 tuổi

Chiếc ghế bí ẩn mở cửa NBA

Năm 2007, Yi Jianlian tuyên bố mình đã sẵn sàng đến với NBA và lập tức thông tin này khiến bóng rổ Mỹ quan tâm. Giới chuyên gia nhận định cầu thủ người Trung Quốc hoàn toàn có thể được lựa chọn ở lượt 3 cho tới 12.

Để các đội bóng có thể nhìn nhận kỹ càng về tài năng của trung phong gốc Quảng Đông, đội ngũ đại diện của Yi đã mời những tuyển trạch viên tới xem một buổi tập cá nhân. Thông thường, muốn thể hiện tốt trước những ông chủ tương lai, các tài năng trẻ sẽ mời đến buổi tập những đối thủ mạnh, hay ít nhất là con người bình thường.

Nhưng những gì các tuyển trạch viên được chứng kiến là Yi Jianlian tập 1 chọi... 0. Không còn bất cứ ai khác tham gia buổi tập ấy. GM Danny Ainge của Boston Celtics mô tả màn trình diễn kỳ lạ này: "Một buổi tập tốt. Yi đã đối đầu với một cái ghế... Cái ghế đã thủ tốt vài lần"

Đến nay, Yi Jianlian vẫn bị cười chê vì luyện tập cùng một chiếc ghế

Sau này, nhiều người chứng kiến cũng như những người làm việc cùng Yi Jianlian cố gắng phủ nhận câu chuyện. Thậm chí có người còn cho rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã nhúng tay vào để xóa đi video của buổi tập ấy. Tất cả chỉ êm xuôi khi ký giả Chris Mannix của Yahoo lên tiếng xác nhận:

"Cần phải làm rõ là Yi Jianlian không hề tập cả buổi với một chiếc ghế. Yi không hề đánh post-up hay dẫn bóng quanh nó, nhưng đúng là có một cái ghế ở đó. Anh ấy coi cái ghế là người yểm trợ, chạy vòng qua để thực hiện những tình huống catch-and-shoot".

Vỡ mộng ở miền đất hứa

Chiếc ghế "bí ẩn" ấy tạo nên một ấn tượng không tốt của giới truyền thông Mỹ đối với Yi Jianlian, và anh tiếp tục phải hứng chịu búa rìu chỉ trích khi có người cho rằng anh sinh năm 1984 chứ không phải 1987. Không ít đội bóng phải đắn đo trước thông tin này, vì trung phong này còn quá nhiều thiếu sót để chơi tốt tại NBA. Nếu "chọn nhầm" một cầu thủ 22 tuổi thay vì 19 tuổi, chắc chắn họ sẽ lãng phí một lượt chọn vòng đầu.

Chỉ có Milwaukee Bucks không chần chừ. Là một đội bóng có thị trường không lớn, sở hữu một cầu thủ giàu tiềm năng lại có lượng fan đông đảo như Yi Jianlian là điều mà Bucks không thể từ chối. Ở lượt chọn thứ 6, Bầy Hươu gọi tên trung phong người Trung Quốc. Tuy nhiên, rắc rối chưa buông tha anh.

Người đại diện của Yi lập tức đòi Milwaukee Bucks phải ... trao đổi. Khác với Houston hay Los Angeles, Milwaukee là thành phố không có nhiều người Hoa sinh sống và đại diện của Yi sợ rằng điều này sẽ khiến thân chủ mất nhiều hợp đồng quảng cáo. Phải tới khi ông chủ Bucks viết thư tay và đến tận Hong Kong thuyết phục, cầu thủ sinh năm 1987 mới chịu ký hợp đồng với đội bóng này.

Yi Jianlian được Milwaukee Bucks chọn tại NBA Draft 2007

Những ngày đầu tiên tại Mỹ dường như rất hứa hẹn với Yi Jianlian, khi anh hòa nhập nhanh và thậm chí còn giành danh hiệu Tân binh xuất sắc nhất tháng 12. Trận đấu giữa Milwaukee Bucks của Yi và Houston Rockets của Yao Ming đón nhận 200 triệu lượt xem tại Trung Quốc Đại Lục. Dường như Yi Jianlian đang trên đường trở thành ngôi sao NBA thứ hai của Trung Quốc.

Nhưng giấc mơ nhanh chóng vụt tắt, khi Yi Jianlian không có sự ổn định trong phong độ thi đấu. Anh thiếu kinh nghiệm đối đấu với những ngoại binh cao lớn hơn mình trước khi tới NBA, nên hoàn toàn không thể hiện được khả năng thi đấu dưới rổ tại Milwaukee.

Yi vẫn còn đó những cú ném tầm trung, nhưng khả năng tấn công thiếu đa dạng, phòng ngự không hiệu quả, cộng thêm chuyện lười tập luyện, bảo thủ trong việc cải thiện lối chơi khiến anh nhanh chóng mất hút tại giải bóng rổ khắc nghiệt nhất thế giới. Những chấn thương liên miên khiến trung phong sinh năm 1987 bị đào thải khỏi NBA sau 5 mùa giải.

Những pha bóng hay nhất của Yi Jianlian tại NBA

"Yi Jianlian chắc chắn không phải là một món hàng hớ", Pete Philo, tuyển trạch viên của Sacramento Kings nhận định. "Một món hàng hớ không thể nào thi đấu tại Olympic và ghi 30 điểm. Bạn không thể gọi Yi như vậy được. Anh ấy có thể đánh dự bị cho 4 hay 5 đội tại NBA. Chỉ là Yi luôn luôn chọn sai đội bóng và sai thời điểm thôi".

Hành trình NBA của Yi khép lại tại Dallas Mavericks, nơi mà anh được thi đấu tại vòng Playoffs. Hành trình khắc nghiệt trên đất Mỹ không giúp Yi Jianlian trở thành một ngôi sao thực thụ. Giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ quả thực là nơi chọn lọc ngôi sao chứ không phải là bước đệm cho các cầu thủ.

"Tại NBA, người ta không huấn luyện cho bạn", David Thorpe, HLV cá nhân của Yi Jianlian kết luận. "Không có ai ngồi xuống và nói chuyện với cậu ấy. Yi có đủ tài năng và kỹ năng để trở thành một cầu thủ All-star, nhưng NBA không phải là nơi nâng tầm trình độ của bạn. NBA đã khiến Yi thất vọng nhiều hơn là Yi làm NBA phải thất vọng".

Cái bóng của Yao Ming là quá lớn đối với Yi Jianlian

An nhiên nơi quê nhà

Trên đất Mỹ, có thể Yi Jianlian chỉ là một kẻ vô danh, nhưng ở Trung Quốc, anh vẫn là một siêu sao. Trở về đội bóng quê nhà Guangdong Southern Tigers, Yi lập tức lấy lại vị thế vốn có, giành danh hiệu Nội binh xuất sắc nhất ở 4 mùa giải liên tiếp và giúp đội nhà đăng quang thêm 3 lần nữa, biến Tigers trở thành đội bóng giàu thành tích nhất lịch sử CBA.

Những chấn thương không buông tha cho Yi, nhưng anh vẫn luôn là sự lựa chọn số một của các huấn luyện viên đội tuyển quốc gia mỗi khi khỏe mạnh. Anh đem về 2 chức Vô địch châu lục vào các năm 2011 và 2015, đạt danh hiệu MVP ở cả hai giải đấu đó.

Tại FIBA World Cup 2019, lão tướng 32 tuổi vẫn được triệu tập và vẫn là tay ghi điểm số một của đội tuyển Trung Quốc. Anh là điểm sáng hiếm hoi trong một giải đấu thất bại của đội chủ nhà và là cái tên duy nhất miễn nhiễm với những lời chỉ trích.

Yi Jianlian cầm cờ đoàn Trung Quốc tại Olympic 2012

Sự nghiệp bóng rổ của Yi Jianlian có lẽ sẽ kết thúc sau chấn thương đứt gân gót Achilles ở Chung kết CBA 2020. Cú ngã đau đớn của anh tại Thanh Đảo dường như là dấu chấm hết của một tượng đài. Câu hỏi của bóng rổ Trung Quốc là sẽ tìm ra ai làm được những gì mà Yi Jianlian từng làm được?

Zhou Qi, Abudushalamu Abuduxureti, Ding Yanyuhang, Wang Zhelin, ... đều được nếm trải hương vị NBA (hay ít nhất là NBA Summer League), nhưng không ai trụ lại được trên đất Mỹ được lâu và đều phải nhanh chóng trở về CBA. Sau Yao Ming, không ai tạo ra tầm ảnh hưởng lớn tại NBA như Yi Jianlian.

Sự nghiệp của Yi Jianlian có lẽ đã chấm dứt sau chấn thương này

Có thể bóng rổ Trung Quốc không bao giờ tìm được Yao Ming thứ hai. Tuy nhiên, nếu không thể đào tạo ra những Yi Jianlian tiếp theo, chắc chắn bóng rổ đất nước tỉ dân sẽ không thể đạt được tham vọng vươn lên đẳng cấp thế giới.

Còn với riêng Yi Jianlian, chấn thương gót Achilles có lẽ là lúc để anh nghỉ ngơi và tìm tới những thú vui không liên quan tới thể thao, thứ từng khiến anh cùng cả gia đình ghét cay ghét đắng. Bóng rổ quả là đã đem lại cho anh những áp lực vô cùng nặng nề và giờ là lúc Yi Jianlian có thể trút bỏ bỏ cái mác "Yao Ming đệ nhị".

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm