Tuổi tác có thực sự là vấn đề đối với VĐV Esports?

Thành Hưng
thứ năm 7-7-2022 0:00:00 +07:00 0 bình luận
Đằng sau vinh quang và thành công đến sớm, những game thủ chuyên nghiệp vẫn luôn phải đối mặt với nguy cơ giải nghệ ngay khi vươn lên đỉnh cao.

Trong ngành công nghiệp Esports, tuổi đời các VĐV thường kéo dài rất ngắn so với những bộ môn thể thao khác. Thông thường, một VĐV Esports sẽ giải nghệ khi sắp sửa bước vào tuổi 30. Trong khi đó, rất nhiều game thủ trẻ đã sớm có được những thành công vang dội bất chấp sự non nớt về mặt kinh nghiệm, tiêu biểu như Brit Jaden Ashman (Vô địch giải vô địch Fornite thế giới ở tuổi 15) hay Syed "Sumail" Hassan (vô địch The International Dota 2 ở tuổi 16). 

Đã có một thời gian dài, cả thế giới đều quan niệm rằng game chỉ dành cho những người trẻ và những thanh thiếu niên. Nhưng với sự bùng nổ của Esports trong 2 năm trở lại đây, games dần dần trở thành loại hình giải trí dành cho mọi lứa tuổi. Dẫu vậy, trong thế giới Esports, thế hệ trẻ đang ngày càng vươn lên mạnh mẽ và dần thống trị ở các bộ môn như Liên Quân Mobile, LMHT, Dota 2, Valorant, CS:GO... Trong khi đó, các tuyển thủ kỳ cựu lần lượt giải nghệ, hoặc không thể đứng trên đỉnh cao và đánh mất chính mình. Hầu hết chúng ta đều đi đến kết luận: Tuổi tác là lý do họ không thể duy trì phong độ, nhưng điều này có thực sự chính xác?

Games đã trở thành hình thức giải trí ưa thích của mọi lứa tuổi

Những tuyển thủ Esports "Trẻ mãi không già"

Mushi là một ngôi sao thực sự trong làng DotA và Dota 2 châu Á cũng như thế giới, kể từ khi bắt đầu sự nghiệp cho đến nay, anh đã nhận được rất nhiều danh hiệu. Vào thời điểm hiện tại, anh đang là HLV của BOOM Esports, một đội tuyển Dota 2 trong khu vực Đông Nam Á. Theo chia sẻ của Mushi, tuổi tác không phải là vấn đề nghiêm trọng đối với một VĐV Esports:

"Tuổi tác không thực sự ảnh hưởng đến khả năng chơi games của một cá nhân. Khi chúng ta chơi games, cả trái tim và khối óc của chúng ta đều trẻ trung.

Các tuyển thủ kỳ cựu có ưu thế về kinh nghiệm trong game cũng như trải nghiệm sống, còn đối với những tuyển thủ trẻ, vũ khí lợi hại nhất của họ chính là sự sáng tạo và động lực."

Cũng trong giới Dota 2, Clement “Puppey” Ivanov được biết đến là một trong những tuyển thủ ổn định nhất và đã từng là nhà vô địch thế giới vào năm 2011. Giở đây, ở độ tuổi 31, anh vẫn đang thi đấu cho Team Secret, đội tuyển vừa xếp thứ 3 tại The International 10. Naoto "Sako" Sako cũng là một trường hợp hiếm có của Esports thế giới khi vẫn đang thi đấu Street Fighter V ở tuổi 42.

Puppey: Đội trưởng Team Secret Dota 2

Không hiếm những tuyển thủ hiện đã bước qua độ tuổi "chín" của một VĐV Esports, nhưng vẫn đang thi đấu đỉnh cao, tiêu biểu là Faker. Không còn những pha solo kill hay những màn thể hiện kỹ năng "thần sầu", Quỷ Vương giờ dây ghi dấu bằng khả năng call team, macro cũng như tạo cơ hội cho đàn em tỏa sáng. Không ít những trận đấu của T1, Faker tuy không có quá nhiều mạng hạ gục nhưng vẫn để lại những ấn tượng sâu sắc.

Khi được hỏi về việc những tuyển thủ lớn tuổi lại đang có phong độ rất tốt dù họ đã bước qua đỉnh cao sự nghiệp, Quỷ Vương thẳng thắn chia sẻ : "Trong quá khứ, game có những thay đổi chóng mặt thì đến thời điểm hiện tại, dường như mọi thứ đã chậm lại. Tựa game không còn thay đổi quá nhiều nữa, nên tuổi tác bây giờ cũng không còn là vấn đề và tôi nghĩ các tuyển thủ có thể duy trì phong độ, kỹ năng của họ suốt một thời gian dài."

Quỷ Vương Bất Tử Faker vẫn đang là trụ cột không thể thiếu của T1

Không chỉ Faker, nhiều tuyển thủ cũng vào dạng lớn tuổi nhưng vẫn thi đấu ở đấu trường LMHT chuyên nghiệp đỉnh cao và đang có phong độ cực tốt, như Rascal và Deft (LCK), Jankos (LEC) hay Bjergsen (LCS)...

Những VĐV kỳ cựu có ưu thế gì so với những người trẻ?

Theo những thống kê từ Afkgaming, các tài năng trẻ hay những tuyển thủ kỳ cựu đều có những ưu thế riêng khi thi đấu Esports. Sự khác biệt giữa 2 thế hệ có thể được chỉ rõ như sau:

Những tài năng trẻ hay những cựu binh đều có những điểm mạnh riêng trong lĩnh vực Esports

Các tuyển thủ trẻ sẽ tràn trề năng lượng hơn và có phản xạ nhạy bén hơn. Bên cạnh đó, những con người trẻ cũng là người tận tụy hơn và sẵn sàng cống hiến hơn trong tựa game của mình.

Trong khi đó, kinh nghiệm lại đem đến những điểm mạnh rõ rệt cho các cựu binh: Đầu tiên là khả năng xử lý tình huống trong games, tiếp đến là khả năng tiếp thu, giao tiếp với đồng đội và trên hết là sự vững vàng về tâm lý trong những thời điểm khó khăn hay phải thi đấu trên sân khấu lớn.

Có thể lấy ví dụ với các tựa game đối kháng như Tekken hay Street Fighter là một trong dòng game đòi hỏi phản xạ cao nhất. Rất nhiều game thủ trung niên đã bước qua tuổi 35 vẫn tranh tài cùng những tài năng trẻ ở những tựa game này. 

Điều gì thực sự khiến những VĐV Esports phải giải nghệ sớm?

Nguyên nhân chính khiến các VĐV Esports lựa chọn giải nghệ đến từ việc họ nhận ra mình không còn đủ kỹ năng và đam mê để tiếp tục thi đấu chuyên nghiệp. Nói chính xác hơn, nhiều VĐV Esports đã cảm thấy kiệt sức sau khi dành hàng nằm trời để rèn luyện kỹ năng và tâm lý mỗi ngày. Để duy trì trên đỉnh cao, các game thủ chuyên nghiệp phải trải qua quá trình rèn luyện vô cùng gian khổ, và đến một ngày nào đó, họ sẽ cảm thấy kiệt sức hay đơn giản là đánh mất niềm đam mê và tình yêu đối với tựa game mà họ đang gắn bó.

Các VĐV Epsorts phải luyện tập với cường độ rất cao

Seagull, một game thủ Overwatch đã giải nghệ để theo đuổi công việc streamer chia sẻ:

"Đến một thời điểm nào đó, bạn nhận ra mình đã bị vắt kiệt sức lực và từ bỏ là lựa chọn duy nhất của bạn. 99% những trường hợp giải nghệ đều bắt nguồn từ sự kiệt sức. Suốt một ngày dài, bạn phải ngồi trên ghế và chả làm gì khác ngoài tựa game mà bạn đang chơi."

So với những game thủ trẻ, những game thủ kỳ cựu có nhiều mối bận tâm khác trong cuộc sống:

"Càng già đi, họ sẽ càng nhận ra cuộc sống của họ càng có nhiều thứ phải quan tâm," Mushi giải thích: "Điều này khiến họ không thể giữ được sự tập trung và đam mê như hồi còn trẻ, đơn cử như một số người muốn ổn định cuộc sống và tập trung cho gia đình của mình."

Mushi: Nhiều game thủ giải nghệ vì không thể cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống riêng

Để duy trì trên đỉnh cao, một game thủ chuyên nghiệp sẽ phải hi sinh rất nhiều và không có thời gian để cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống riêng. Ví dụ như khi các đội tuyển tham gia tập huấn, các tuyển thủ sẽ phải tập trung ở một địa điểm nhất định, luyện tập và cố gắng xây dựng sự gắn kết giữa các thành viên. 

Điều gì quan trọng hơn tuổi tác?

Sau khi giành tấm HCV SEA Games 31 cùng GAM Esports, đội trưởng Levi, một con người đã trải qua rất nhiều thành công cũng như thất bại đối với tựa game LMHT đã thẳng thắn chia sẻ về yếu tố giúp cho anh giữ vững phong độ trên đỉnh cao:

"Em muốn thi đấu càng lâu càng tốt. Mọi người thường nói tuổi tác sẽ ảnh hưởng, nhưng mình duy trì việc luyện tập ở cường độ cao thì mình sẽ luôn giữ trình độ. Kế hoạch của em sau SEA Games vẫn sẽ là luyện tập và luyện tập."

Levi vẫn tiếp tục đặt mục tiêu thi đấu đỉnh cao sau khi đã chinh phục rất nhiều thành tích

Rõ ràng, tuổi tác không phải là yếu tố đơn thuần tác động đến sự nghiệp hay thành công của các VĐV Esports. Tuy nhiên, để có trụ vững trong thế giới Esports, các tuyển thủ vẫn sẽ phải toàn tâm toàn ý cho tựa game mà mình đang theo đuổi. Một khi đam mê đã vụt tắt hay họ không thể duy trì cường độ luyện tập ở mức cao, họ sẽ bị đào thải chỉ sau một thời gian ngắn, dù là những tài năng trẻ hay những cựu binh.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm