Có lẽ, dù MMA có đa dạng như thế nào với việc hòa nhập các đòn vật – khóa, khống chế theo tư duy của những môn võ grappling … nhưng sự thu hút nhất của MMA vẫn là những màn đôi công striking nảy lửa. Việc chứng kiến những đòn đánh bùng nổ, tốc độ, uy lực và tất nhiên là một chút (hoặc rất nhiều) máu me chính là thứ khiến hình ảnh của MMA trở nên “thực dụng” và hấp dẫn khán giả từ những sự kiện đầu tiên.
Điều này có thể nhìn thấy rõ ràng với các võ sĩ của UFC – mặc dù, một vài cái tên không hề hoặc thậm chí chưa từng giữ đai vô địch, nhưng nhờ lối đánh cống hiến, họ vẫn là cái tên đảm bảo để dẫn đầu các đêm đấu. Và đôi khi, độ “hot” của họ còn vượt xa những nhà vô địch thực thụ.
Thậm chí, với sự đa dạng và không có quy chuẩn kĩ thuật chung, các fan MMA còn tự xác định những tình huống đôi của riêng họ, mà sau này đã trở thành những thuật ngữ bất thành văn trong làng võ tổng hợp. Và để đi sâu hơn 1 chút vào những lối đánh cống hiến này – hôm nay chúng ta sẽ cùng “nhận dạng” chúng.
Toe-to-Toe, Pound-for-Pound – Tình huống đôi công cơ bản
Đúng như tên gọi, toe-to-toe và pound-for-pound (P4P) chỉ chính xác tư thế và cách thức hai võ sĩ đối đầu nhau trong một trận đấu. Với thế đứng mà các ngón chân hướng trực diện về phía đối phương (toe-to-toe) và liên tục, lần lượt ra đòn (pound-for-pound), toe-to-toe mô tả một tình huống mà 2 võ sĩ không sử dụng lối di chuyển ra vào (in-and-out) hay còn gọi là outfighting đã được đề cập trong một bài viết trước đây. Họ hoàn toàn đứng đối diện nhau ở một cự li mà chỉ cần nhích một, hoặc thậm chí là nửa bước chân là có thể ra đòn trúng người đối thủ.
Để mô tả cụ thể nhất tình huống toe-to-toe, chúng ta có thể tham khảo những trận đấu kinh điển sau: Jose Aldo vs. Chad Mendes 2, Rory MacDonald vs. Robbie Lawler 2, Israel Adesanya vs. Kelvin Gastelum
Tương tự với Jose Aldo vs. Chad Mendes 2, Rory MacDonald vs Robbie Lawler 2 cũng là một trận đấu mà lần đầu tiên khán giả thấy được phiên bản máu me nhất sự nghiệp của MacDonald, khi anh buộc phải ghi điểm trước ĐKVĐ lúc đó là Robbie Lawler. Không còn cách nào khác, Rory đành phải chấp nhận thể hiện sự vượt trội trong 4 hiệp đấu với các tình huống Toe-to-Toe/Pound-for-Pound khắc nghiệt nhất sự nghiệp của mình.
Tưởng chừng đã có lúc vượt trội hơn nhờ kĩ thuật và sự chính xác, nhưng đối đầu một Robbie Lawler được xem như nhà vô địch có lối đánh mãn nhãn nhất UFC vào lúc đó - Rory MacDonald đã được nếm trải vị mặn thật sự của Toe-to-Toe/Pound-for-Pound với áp lực từ Robbie Lawler.
Dog-fight – Những màn đua máu bất chấp ngày mai
Tương tự với toe-to-toe/p4p khi đều mô tả các tình huống mà 2 võ sĩ đứng đối diện nhau mà không quá cầu kì trong việc di chuyển kiểm soát khoảng cách. Thế nhưng, dogfight lại đúng như tên gọi của nó – “cuộc đối đầu của những con chó chiến”, hoàn toàn là bạo lực, không hề có suy nghĩ phòng thủ, hướng đòn tấn công có thể về đối phương và thậm chí … quên đi kĩ thuật.
Chính xác, điểm khác biệt giữa dogfight và toe-to-toe/p4p chính là kĩ thuật, nếu với toe-to-toe/p4p các võ sĩ còn tính toán tới những combo, chiến thuật, lừa đòn, nhử đòn … thì dogfight giống như câu chuyện “làm thế nào để chạm được vào mặt đối thủ”.
Mặc dù máu lửa và thu hút chẳng kém gì toe-to-toe/p4p bởi sự máu me của nó, nhưng dogfight lại bị đánh giá là lối đánh thiếu suy nghĩ mà các võ sĩ không bao giờ nên sử dụng nếu muốn bảo vệ “bộ não của mình.
Những trận đấu điển hình: Wanderlei Silva vs. Brian Stann, Diego Sanchez vs. Gilbert Melendez.
Mặc dù được đánh giá là một trận "dogfight", thế nhưng khái niệm này có lẽ chỉ dành cho Diego Sanchez, người đã đẩy cao nhịp độ trận đấu khiến Gilbert Melendez buộc phải cuốn theo áp lực của mình. Tuy nhiên, trận đấu này cũng thể hiện sự khác biệt của một võ sĩ theo lối dogfight và Toe-to-Toe/Pound-for-Pound - khi Melendez đã bình tĩnh sử dụng kĩ thuật để ăn điểm và giành chiến thắng.