Ở thời kì đầu tiên của UFC, khi MMA vẫn còn là một hình thức giải trí đúng nghĩa: lên sàn - đánh nhau, ngoài những luật cấm được tận dụng từ các môn đối kháng trước đó - và cũng để mở rộng giới hạn "võ thuật" nhất có thể, MMA hoàn toàn không có hình thức tính điểm khi trận đấu chỉ kết thúc theo 3 cách: bị knockout, bị siết tới không thể thi đấu hoặc góc đài xin dừng trận đấu.
Chính điều này đã biến MMA trở thành một “hình thức giải trí bạo lực” chứ không phải là một môn thể thao trong mắt các nhà làm luật tại Mỹ. Và đứng trước thách thức giữa “võ thuật nguyên thủy” và “mở rộng sân chơi”, những người làm MMA, hay cụ thể là đội ngũ phát triển của UFC đã quyết định đi theo con đường thứ 2. Bởi chỉ khi có một bộ luật tính điểm - MMA mới có cơ hội được xem như một môn thể thao thực sự.
Cũng cần làm rõ thêm, việc tạo nên một hình thức thi đấu hoàn toàn mới có cả striking – takedown – grappling khiến hệ thống chấm điểm của MMA trở nên phức tạp hơn rất nhiều – đặc biệt là ở hệ kĩ năng grappling. Do đó, bộ luật tính điểm của MMA một lần nữa được “tận dụng” hệ thống điểm từ Boxing – nhưng lại sử dụng cách đánh giá chuyên môn kĩ thuật của riêng MMA.
Theo Bộ luật thống nhất của MMA được Ủy ban Hiệp hội Boxing và Thể thao Đối kháng Hoa Kỳ, hệ thống tính điểm của MMA được xây dựng như sau:
Hệ thống tính điểm 10 được quyết định bởi 3 giám khảo trong tất cả các trận đấu MMA, hệ thống điểm 10 này được đánh giá dựa trên việc đánh giá sự hiệu quả của các kĩ năng striking – grappling – kiểm soát sàn đấu – tích cực ra đòn và phòng thủ. Trong đó:
- Striking hiệu quả được tính dựa trên số lượng đòn trúng đích, số lượng đòn hiệu quả (gây sát thương với đối phương).
- Grappling hiệu quả được tính dựa trên việc thực hiện các kĩ thuật quật ngã (takedown) và cản phá/lật ngược tình thế.
- Cụ thể hơn, grappling được tính hiệu quả khi võ sĩ thực hiện quật ngã thành công, phá thế phòng thủ (guard) của đối phương để chiếm vị trí nằm trên. Hoặc với võ sĩ đang nằm dưới là sử dụng các tư thế phòng thủ (guard) có thể gây hại tới đối phương.
- Kiểm soát sàn đấu được tính cho võ sĩ chủ động kiến tạo nhịp độ, vị trí của trận đấu diễn ra trên sàn đấu. Ví dụ như việc cản phá thành công các cú quật bằng cách duy trì những tình huống đánh đứng, quật ngã đối thủ, nỗ lực thực hiện các đòn siết, phá các thế phòng thủ nằm (guard) và tạo cơ hội ra đòn.
- Tấn công hiệu quả được tính cho các võ sĩ có xu hướng ép sân và ra đòn thành công. Tương tự, phòng thủ hiệu quả được tính khi võ sĩ thoát khỏi các tình huống nguy hiểm trong khi sẵn sàng thực hiện các tư thế phản công (không phải bỏ chạy).
Dựa trên cách đánh giá này, có 4 cách chia điểm trong thang điểm 10 cho các võ sĩ thi đấu, cụ thể như sau:
- Tỉ số 10-10 được đưa ra khi cả 2 võ sĩ đều có các pha ra đòn hiệu quả, không ai vượt trội hơn đối phương.
- Tỉ số 10-9 được đưa ra khi một trong 2 võ sĩ nhỉnh hơn về một mảng kĩ năng cụ thể như striking - grappling.
- Tỉ số 10-8 được đưa ra khi một trong 2 võ sĩ thể hiện được sự áp đảo và kiểm soát thế trận bằng grappling hoặc striking.
- Tỉ số 10-7 được đưa ra khi một trong 2 võ sĩ hoàn toàn vượt trội đối thủ về striking - grappling.
Có thể thấy, cách tính điểm của MMA dựa rất nhiều vào việc các võ sĩ thể hiện tích cực trên sàn đấu dù là trong cách tình huống tấn công – phòng thủ hay chiếm/mất ưu thế. Sở dĩ có cách đánh giá như vậy, vì cách nhà làm luật muốn MMA được duy trì như một hình thức thi đấu đối kháng “bắt mắt, có hiệu quả” – vừa đáp ứng được yếu tố chuyên môn cũng như tính giải trí cao.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là cách đánh giá rất chung chung vì những định nghĩa này chưa thể lột tả được chính xác diễn biến của một trận đấu MMA - nơi có vô vàn tình huống cũng như cách ghi điểm. Chính thế, UFC - đầu tàu của giới MMA đã phải đặt ra những yêu cầu về thông số chi tiết hơn để có thể thực sự "thẩm định" trận đấu một cách chính xác nhất.