Nỗi sợ hãi và câu chuyện lý trí - con tim trong võ thuật đối kháng

N.Đ
thứ hai 6-4-2020 2:17:00 +07:00 0 bình luận
Vì sao lý trí và con tim lại có thể ảnh hưởng đến thi đấu võ thuật? Theo nghĩa đen?

Trong thi đấu đối kháng võ thuật hoặc thi đấu ở bất kỳ một môn thể thao nào, cảm xúc thái quá sẽ dẫn đến một thất bại. Nếu quá vui vẻ, tự tin, võ sĩ sẽ thất bại vì lơ là. Nếu như quá sợ hãi, lo lắng, võ sĩ sẽ không đạt được phong độ tối đa.

Vì sao mà những suy nghĩ trong đầu lại có thể ảnh hưởng đến thành quả chuẩn bị thể chất trong hàng tháng trời như vậy? Cảm xúc gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động của tim, bộ phận quyết định sự bền bỉ của một võ sĩ.

Ngay cả Mike Tyson cũng đã từng sợ đến phát khóc. Nỗi sợ là một điều bình thường đối với các võ sĩ. Điều quan trọng là xử lý nó

Trong thi đấu thể thao, nhịp tim của vận động viên được tính theo công thức đơn giản sau: Nhịp tim tối đa = (220 - tuổi) * 85%. Như vậy, công thức này giải thích được lý do vì sao tuổi tác lại có thể ảnh hưởng đến thể lực nhiều đến vậy. Và nhiệm vụ quan trọng nhất trong việc phân phối và tập luyện cardio chính là làm chậm quá trình đạt ngưỡng nhịp tim tối đa và hạ nhịp tim trong thời gian nhanh nhất có thể. Vì bởi chỉ cần vượt qua ngưỡng nhịp tim tối đa, cơ thể sẽ tự động "tắt" để bảo vệ quả tim. Đây chính là hiện tượng kiệt sức.

Khi sợ hãi, nhịp tim cơ thể tăng cao. Khi bắt đầu bước vào trận đấu với một nhịp tim cao ngất, nghĩa là người võ sĩ đó đã tiến gần hơn đến khoảng "mệt". Khi càng mệt, khả năng hồi sức - hạ nhịp tim sau mỗi phút giải lao sẽ càng bị ảnh hưởng nặng nề. Như vậy, chỉ vì một nỗi sợ hãi ban đầu mà người võ sĩ vừa đánh mất lợi thế dồi dào thể lực ở đầu trận đấu, vừa đánh mất khả năng hồi sức sau mỗi phút giải lao.

Nỗi sợ hãi và câu chuyện lý trí - con tim trong võ thuật đối kháng
Nỗi sợ có thể gây ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng thi đấu của võ sĩ (Ảnh: The Guardian)

Bên cạnh đó, các triệu chứng như hụt hơi, căng thẳng cũng sẽ vào cuộc khiến cho tình hình thể lực của võ sĩ ngày càng tệ hơn. Đương nhiên, khi thi đấu dưới tình trạng như thế, người võ sĩ cũng chẳng còn tỉnh táo để đưa ra các quyết định đúng đắn.

Không phải chỉ những tay đấm nghiệp dư mới gặp cảm giác "sợ" khi lên đài. Miễn khi đứng trước một trận đấu đủ lớn, người võ sĩ vẫn sẽ luôn tìm ra được một lý do để sợ hãi và lo lắng. Các nhà vô địch thế giới cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, những võ sĩ kinh nghiệm biết cách để giữ vững tinh thần chiến binh của họ.

Những cách để làm giảm nỗi sợ hãi

Nỗi sợ hãi và câu chuyện lý trí - con tim trong võ thuật đối kháng

Nếu như đối với những nhà vô địch, nỗi sợ của họ bao gồm cả niềm kiêu hãnh, vinh quang và hàng chục những thứ khác thì nỗi lo của những võ sĩ non nghề khá đơn giản: Sợ bị đau.

Có nhiều lý do để tạo ra nỗi sợ đau cho các võ sinh mới, bao gồm: sự thiếu tự tin về trình độ, thiếu trải nghiệm về việc ăn đấm hoặc đối thủ trông quá đáng sợ... Cách cơ bản nhất để vượt qua được nỗi sợ này chính là sparring cường độ cao.

Sparring nặng là cách tốt nhất để giảm thiểu nỗi sợ cơ bản cho các võ sinh mới

Bên cạnh việc sparring nhẹ để trau dồi kỹ thuật, các buổi sparring nặng sẽ giúp võ sinh mới làm quen với áp lực. Quan trọng nhất là họ sẽ nhận ra rằng cú đấm thật sự không quá đau đớn như họ nghĩ, hoặc chí ít là nó không đáng sợ như thế. Khi võ sinh mới đã làm quen được với cú đấm, họ sẽ giảm tải được phần nào áp lực.

Bên cạnh đó, việc HLV chuẩn bị mindset đúng đắn cho học trò cũng là một điều quan trọng. Điều tối ưu nhất một HLV nên làm là giúp học trò đạt được sự tự tin cao nhất với thái độ bình tĩnh nhất. Ngoài ra, các nhiệm vụ ngầm như: Phải thắng áp đảo, phải KO, phải thắng điểm... đều sẽ là những quả tạ tròng vào cổ võ sĩ.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm