Tự tạo nên một "nhân cách thứ hai" giúp gì cho tâm lý võ sĩ?

N.Đ
chủ nhật 25-8-2019 23:30:00 +07:00 0 bình luận
Với nhiều võ sĩ chuyên nghiệp, biệt danh của họ không chỉ đơn thuần là một cái tên giúp họ dễ quảng bá trên các phương tiện truyền thông hơn mà con là nhân cách thứ hai của họ. Nhưng vì sao họ lại tạo ra một nhân cách thứ hai?

Sugar Ray Leonard, Mike Tyson hay Deontay Wilder, đó là ví dụ về những tay đấm mà nếu khán giả lưu ý đủ kỹ, sẽ thấy họ cư xử rất khác biệt khi được gọi bằng tên thật và được gọi bằng biệt danh. Đây không phải trường hợp hiếm - với nhiều võ sĩ chuyên nghiệp, biệt danh của họ không chỉ đơn thuần là một cái tên giúp họ dễ quảng bá trên các phương tiện truyền thông hơn mà con là nhân cách thứ hai của họ.

Trong một buổi phỏng vấn với tạp chí GQ, huyền thoại Sugar Ray Leonard đã kể: “Tôi sẽ nhìn vào gương trước khi trận đấu bắt đầu. Nếu tôi thấy Sugar Ray trong gương, tôi có thể thắng cả Mike Tyson. Nhưng nếu tôi thấy Ray Leonard nhìn lại, tôi biết đêm đó sẽ là một đêm khó khăn”.

Sugar Ray Leonard không phải là tay đấm duy nhất nhìn nhận biệt danh trên sàn đấu là bản ngã thứ hai của ông. Marvin Hagler đã kể trong cuốn tự truyện của ông, The Marvin Hagler Story, rằng bên trong ông là một con quỷ dữ, ông kìm nén con quỷ đó mỗi ngày và con quỷ đó chỉ được thả ra trên sàn đấu.

Tự tạo nên một nhân cách thứ hai giúp gì cho tâm lý võ sĩ?

Sugar Ray Leonard (trái) không phải là tay đấm duy nhất nhìn nhận biệt danh trên sàn đấu là bản ngã thứ hai của ông

Huyền thoại hạng nặng Mike Tyson cũng có một bản ngã thứ hai, rất nổi tiếng với cái tên Iron Mike. Đối với Mike Tyson, ngày “Iron Mike” được sinh ra chính là ngày HLV Cus D’Amato nói rằng ông ước gì Tyson là một tay đấm có thể hình lớn hơn.

Mike Tyson đã kể lại rằng ông đã tổn thương vì lời nói này đến mức nước mắt ông đã rơi. Cụ thể hơn, Mike Tyson kể trong cuốn sách Undisputed Truth rằng:

“Đó là ngày tôi chính thức trở thành Iron Mike. Tôi không hề có ý định trở thành một kẻ tàn bạo trên sàn đấu nhưng khi nghe Cus nói tôi quá nhỏ người, tôi đã trở thành gã hung thần đó. Cus muốn một nhà vô địch không sống theo xã hội và tôi đã cho ông ấy điều đó”.

Còn với quyền Anh hiện đại, nhà vô địch WBC Deontay Wilder đã nhiều lần khẳng định rằng Bronze Bomber và anh là hai nhân cách khác nhau và mong muốn những điều khác nhau trong trận đấu.

Quyền Anh không phải là nơi duy nhất mà những bản ngã thứ hai được tạo ra. Vận động viên bóng bầu dục Bo Jackson khẳng định rằng anh chưa bao giờ chơi bóng bầu dục khi đang là “Bo Jackson”. Trong thâm tâm của Bo Jackson khi anh bước lên sân bóng anh là Jason Voorhees của dòng phim thứ 6 ngày 13. Với bóng rổ, Kobe Bryant đã sử dụng nhân cách “Black Mamba” để giúp anh đạt hiểu quả cao nhất thi đấu. Kobe Bryant là người lo về cuộc sống thường ngày, còn Black Mamba là người ghi điểm trên sân bóng.

Tự tạo nên một nhân cách thứ hai giúp gì cho tâm lý võ sĩ?

Deontay Wilder đã nhiều lần khẳng định rằng Bronze Bomber và anh là hai nhân cách khác nhau

Một trong những lí do bản ngã thứ hai tồn tại trong tâm trí của các vận động viên là vì bản ngã đó giúp họ loại đi nỗi sợ và sự tự ti.

Trong trận đấu tranh đai vô địch đầu tiên của Mike Tyson trước Trevor Berbick vào năm 1986, Mike Tyson cho biết ông đã rất sợ thất bại, nhưng việc tự kỷ ám thị để đổi vai từ Mike Tyson thành Iron Mike đã giúp ông vượt qua nỗi sợ đó. Trong bộ phim tài liệu phim ghi hình vào năm 2008, cựu vô địch hạng nặng nói:

“Khi tôi ở trong phòng thay đồ, tôi rất sợ, tôi sợ nhiều thứ lắm, tôi sợ thua cuộc, tôi sợ tôi sẽ thành trò cười cho khán giả. Nhưng cứ mỗi bước tôi đi đến đài, tôi tự tin hơn, mỗi bước đi khiến tôi tin vào bản thân hơn. Tôi đã từng nghĩ tới chuyện Berbick sẽ hạ tôi, tôi nằm mơ thấy Berbick KO tôi. Vì thế tôi rất sợ anh ta. Nhưng khi tôi đã bước lên đài, tôi trở thành kẻ bất bại”.

Tất nhiên sự tồn tại của một nhân cách khác không thể khiến cho võ sĩ bỗng dưng giỏi hơn. Nhưng việc tạo ra một bản ngã khác vẫn giúp các võ sĩ thi đấu tốt hơn vì ngoài triệt tiêu đi nổi sợ, sự tồn tại của bản ngã thứ hai giúp các võ sĩ không phải gánh trách nhiệm cho những gì họ phải làm trên sàn đấu để chiến thắng.

Con người là sinh vật rất phức tạp. Khi chúng ta đánh người khác, sẽ có hai cảm xúc trái ngược nhau được sinh ra là vui mừng và tội lỗi. Nhân cách thứ hai của võ sĩ sẽ nhận được tự kỷ ám thị để trở thành người cảm thấy vui mừng khi đánh đập, khi thực hiện những hành động bạo lực lên người khác. Điều đó giúp võ sĩ quên đi cái cảm giác tội lỗi kia để tiếp tục một trận đấu bán máu trên võ đài.

Tự tạo nên một nhân cách thứ hai giúp gì cho tâm lý võ sĩ?

Việc chuyển từ Mike Tyson thành Iron Mike đã giúp Mike Tyson vượt qua nỗi sợ trước khi thượng đài

Deontay Wilder đã từng gặp rắc rối với WBC khi anh tuyên bố rằng anh muốn giết võ sĩ trên đài. Tuy nhiên Wilder đã khẳng định rằng người nói câu nói đó không phải là anh, mà là Bronze Bomber:

“Tôi muốn thành tích của tôi bao gồm cái chết của một võ sĩ. Tôi thực sự muốn điều đó xảy ra. Đó là những gì “Bronze Bomber” nói. Anh ta muốn như thế. Tôi đã nói với mọi người rằng khi tôi lên sàn đấu, tôi sẽ trở thành “Bronze Bomber”. Tất cả mọi điều về tôi thay đổi. Tôi không lo lắng, tôi không sợ hãi, tôi sẽ không lo cho mạng sống đối thủ".

Sugar Ray Leonard cũng kể lại trong cuốn tự truyện của ông:

“Tôi không thể dừng tung đòn dù tôi thực sự muốn điều đó, cảm giác khi từng đòn tung ra chạm vào đối thủ là cảm giác tuyệt vời nhất. Tôi cảm thấy sung sướng khi nghe tiếng cổ vũ, và nhìn thấy cảnh đối thủ của tôi không thể đứng vững sau cơn mưa đòn và chỉ có thể chờ KO khiến tôi cảm thấy hả dạ. Có nhiều người không nghĩ rằng tôi đủ hung bạo để đánh người khác, họ đã quá sai.”

Thật khó mà tin rằng câu nói này được nói ra từ người đàn ông từng tâm sự rằng ông cầu nguyện trước trận đấu để không ai chấn thương nặng. Có thể thấy rõ rằng Sugar Ray và Ray Leonard là hai con người hoàn toàn trái ngược nhau.

Tương tự như thế, Mike Tyson cũng đã từng tâm sự rằng nhân cách Iron Mike của ông được dựng lên từ hình ảnh của Jack Dempsey. Mike Tyson cho biết:

"Thầy Cus bắt tôi phải xem những trận đấu của các tay đấm huyền thoại như Jake LaMotta, Henry Armstrong, Carmen Basilio, Sugar Ray Robinson. Nhưng tay đấm để lại với tôi nhiều ấn tượng nhất chính là Jack Dempsey. Những tay đấm kia chỉ muốn thắng, nhưng Jack thì khác, ông ta muốn đánh đập đối thủ, ông ta muốn đập bể xương má, xương cằm của người đối diện. Tôi nghĩ tôi đã học được nhiều thứ từ Jack Dempsey”.

Tự tạo nên một nhân cách thứ hai giúp gì cho tâm lý võ sĩ?

Mike Tyson ghét bản ngã Iron Mike vì Iron Mike đã mang đến cho ông quá nhiều đau khổ, sự thù ghét từ công chúng và những vụ kiện tụng

Nhưng việc lạm dụng bản ngã thứ hai sẽ dẫn đến kết cục rất xấu. Mike Tyson cũng đã cho biết trong cuốn sách Undisputed Truth của ông rằng ông đã trở nên ghét bản ngã Iron Mike vì Iron Mike đã mang đến cho ông quá nhiều đau khổ, sự thù ghét từ công chúng và những vụ kiện tụng. Mike Tyson thừa nhận rằng những việc này xảy ra vì ông đã để nhân cách Iron Mike chi phối cuộc sống của ông chứ không còn là một nhân cách trên sàn đấu nữa.

Thông qua trường hợp của Mike Tyson, có thể thấy rằng mỗi võ sĩ đều có một lí do khiến họ tạo ra một nhân cách riêng trên sàn đấu và nhân cách đó sẽ giúp họ thi đấu hiệu quả hơn. Tuy nhiên nhân cách bạo lực này cũng chính là một con dao hai lưỡi và việc quá lạm dụng nó chẳng mang lại điều gì quá tốt đẹp ngoài sàn đấu.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm