"Tôi chẳng thấy mình có gì mạnh hết. Hồi trong Top 10, tôi chỉ thấy mình lì thôi. Tôi đánh phá sức người ta rồi thắng thôi. Phản xạ hồi trong Top 10 của tôi cũng tốt. Phản xạ là những cú người ta đập bất ngờ nhưng tôi có thể thủ được. Chứ thật sự tôi đánh so với các bạn hay hay thì tôi thấy không ăn thua," Nguyễn Tiến Minh từng khiêm tốn đánh giá về chính anh trong một cuộc giao lưu trực tuyến gần đây với người hâm mộ. "Tôi chẳng có chiến thuật gì hết. Tôi chỉ đánh cho người ta hết pin, mệt thôi. Còn người ta không mệt thì tới tôi hết pin."
Tuy nhiên, biểu tượng cầu lông Việt Nam sinh năm 1983 khẳng định: "Mấy cái khác mình có dở thì nghề chính của mình cũng phải coi sao cho được. Tôi chỉ cố gắng, cố gắng hết sức mình thôi. Không biết nói sao nhưng chủ yếu mình muốn mình không đến nỗi vô dụng ấy, nên mình cứ phấn đấu mỗi ngày thì mình cảm thấy mình vui. Tôi nghĩ nhiều người cũng giống vậy thôi, nhưng người ta ở lĩnh vực khác."
Mấy ai ngờ tay vợt tự phác họa bản thân trông thật đơn sơ như vậy lại là một biểu tượng không thể bác bỏ của cầu lông Việt Nam, thậm chí có thể dễ dàng đứng vào hàng ngũ huyền thoại của lịch sử thể thao nước nhà.
Bởi lẽ, những điều mà người con TPHCM sinh năm 1983 đạt được trên đấu trường quốc tế thật sự khó tin (đấu trường trong nước thì khỏi bàn, ví anh như "Độc Cô Cầu Bại" hẳn không quá lời).
Trước hết, nếu Tokyo 2020 không hoãn lại 1 năm do COVID-19, Tiến Minh ắt hẳn đã có lần thứ 4 dự Olympic. Trong lịch sử thể thao Việt Nam, chắc chắn chưa từng có tuyển thủ nào sánh ngang với Tiến Minh về khoản này. Thậm chí trên đấu trường quốc tế, huyền thoại Lin Dan và cả làng cầu lông của Trung Quốc cũng chưa thể qua được lão tướng 37 tuổi này.
Kỳ tích khác của Tiến Minh là vị trí thứ 5 thế giới vào ngày 2/12/2010, một món quà mừng sinh nhật thứ 27 quá hoàn hảo. Cho đến thời điểm đó, chưa có VĐV nào của Việt Nam vươn đến thứ hạng quốc tế cao như vậy. Đấy cũng là giai đoạn thống trị cầu lông thế giới của 4 "đại thần": Lin Dan (Trung Quốc), Lee Chong Wei (Malaysia), Taufik Hidayat (Indonesia) và Peter Gade (Đan Mạch).
Giờ đây nhớ lại thời sung sức đó, Tiến Minh cho biết trận đấu anh không thể quên và ấn tượng nhất là chiến thắng Lee Chong Wei tại Singapore Open 2009. "Lúc đó Lee Chong Wei hạng nhì thế giới. Tôi thắng mà không biết tại sao mình thắng được luôn. Tỷ số sát sao nên tôi thấy khó khăn. Với lại phong độ của tôi lúc đó cũng tốt," Tiến Minh nhắc lại kỳ tích để đời đó vẫn bằng một phong cách rất bình dị, gần gũi.
Còn khi nhắc đến nỗi buồn, anh thú nhận: "Thua buồn nhất là trận SEA Games 2013, trận bán kết dẫn Dionysius Hayom Rumbaka 20-16 ở set 3 mà thua lại 20-22. Buồn thật là buồn, không thôi là lần đầu tiên vô chung kết SEA Games rồi."
Đó là 1 trong 3 HCĐ đơn nam SEA Games của tiến Minh. Anh còn có HCĐ giải VĐTG và HCĐ giải VĐ châu Á. Đối với Tiến Minh, 5 chiếc huy chương này tuy có màu đồng - sắc thái kém cỏi nhất trong hàng tá huy chương mà anh thu hoạch trong sự nghiệp, song lại ghi dấu những thời điểm huy hoàng nhất sự nghiệp.
HCĐ mà Tiến Minh quý nhất đương nhiên là ở giải VĐTG 2013, nơi chỉ có đại diện chủ nhà Trung Quốc Lin Dan cản đường anh bằng chiến thắng sít sao 17-21, 15-21. HCĐ gần nhất là tại giải VĐ châu Á 2019, khi chỉ có số 1 thế giới Kento Momota đang đánh đâu, thắng đó chặn đường Tiến Minh.
Ngoài Dionysius Hayom Rumbaka từng trong Top 20 thế giới, ngáng đường Tiến Minh ở bán kết SEA Games cũng chỉ có thể là những tay vợt siêu hạng: Huyền thoại Taufik Hidayat năm 2007 và năm 2017 là Jonatan Christie (Indonesia), tay vợt sau đó đăng quang trước lúc vô địch châu Á.
Những cơ hội lên đỉnh bị chặn lại thật đáng tiếc, song cũng đủ là thành tích phần nào phản ánh đam mê và nỗ lực của Tiến Minh. Bắt đầu chơi cầu lông từ năm lên 10 chủ yếu để khỏe, Tiến Minh dần dần yêu thích bộ môn này vì tính linh hoạt, nhanh nhẹn cùng chiến thuật đặc sắc. Vậy là khi phải chọn giữa giảng đường đại học và thể thao, Tiến Minh quyết định đi theo cầu lông.
Đại diện cho quận thi đấu từ năm 1997, Tiến Minh nhanh chóng tiến vào đội tuyển quốc gia năm 2000 rồi thống trị giải VĐQG chỉ sau đó vài năm. Mục tiêu của anh nhanh chóng chuyển hướng ra đấu trường quốc tế với năm 2010 đại thắng bằng các ngôi vô địch Thailand Grand Prix Gold, Australia Grand Prix và Taiwan Grand Prix Gold.
Hành trình đi đến vinh quang của Tiến Minh càng đáng nể do anh thành công dù thiệt thòi đủ thứ: Thiếu bạn tập có thể nâng cao trình độ, thiếu cơ sở vật chất và trang bị phù hợp so với các đối thủ hàng đầu thế giới, thiếu sự hướng dẫn kịp thời của những chuyên gia đẳng cấp thế giới ở thời điểm cần phát triển kỹ chiến thuật nhất...
Sở dĩ ví von Nguyễn Tiến Minh như Hercules của cầu lông Việt Nam chính là do anh đạt được thành công hiện nay bất chấp xuất phát điểm quá thiệt thòi.
Vị trí cao nhất trên BXH thế giới: 5.
4 lần dự Olympic.
HCV quốc tế: Malaysia Satellite 2004. Vietnam Satellite 2006. Vietnam Open 2008, 2009, 2011, 2012. Vietnam International 2008, 2009, 2014, 2016, 2017. Thailand Open 2009. Chinese Taipei Open 2009, 2012. Australian Open 2010. US Open 2013, 2014. Vietnam International Series 2016. Lagos International 2019. Waikato International 2016, 2019. North Harbor International 2019.
HCB quốc tế: Vietnam Satellite 2004. US Open 2011. Australian Open 2012. Chinese Taipei Open 2013. White Nights 2015. Sydney International 2015. Finnish Open 2016. Iran Fajr International 2018.
HCĐ quốc tế: VĐTG 2013. VĐ châu Á 2019. SEA Games 2005, 2007, 2013, 2017.