Trung Quốc tiến vào chuyên nghiệp nhưng còn bất ổn
Trước thập niên 1990, các Hiệp hội / Liên đoàn thể thao Trung Quốc hoàn toàn được Nhà nước bao cấp và xây dựng theo mô hình bê nguyên xi từ Liên Xô. Hệ quả là sau khi giã từ thi đấu đỉnh cao, nhiều vận động viên hàng đầu nước này thường phải đối diện với tương lai bất ổn do thiếu kiến thức hoặc tay nghề chuyên môn để tìm việc làm, thậm chí có người còn chịu thêm ảnh hưởng từ chấn thương hay đặc thù của môn thể thao gây ảnh hưởng. Tiêu biểu là trường hợp của cựu VĐV Thể dục dụng cụ Trương Thượng Võ phải đi ăn xin kiếm sống.
Theo Jie Zhang – giảng viên Đại học Jinan (Quảng Đông, Trung Quốc), các năm 1994-95 được xem như bước ngoặt quan trọng của thể thao Trung Quốc, khi chính quyền không chỉ coi trọng thể thao thành tích cao, mà còn bắt đầu quan tâm đến thể thao cộng đồng nhằm phát triển dân trí, tạo điều kiện cho các nguồn lực bên ngoài tham gia vào thị trường thể thao.
Trong năm 1995, Hiệp hội / Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc được chuyên nghiệp hóa, tiếp theo là Bóng rổ, Bóng chuyền, Bóng bàn và Cờ vây. Chuyên nghiệp hóa dẫn đến thương mại hóa: Các Hiệp hội / Liên đoàn thể thao trở thành các tổ chức thu lợi nhuận và hình thành những hệ thống câu lạc bộ cùng các giải thể thao nhà nghề. Các hoạt động của CLB thể thao hiện bao gồm bán vé, quảng cáo, chuyển nhượng, các trận đấu thương mại và phát sóng truyền hình. Các VĐV Trung Quốc bắt đầu được phép ra nước ngoài thi đấu như Yao Ming sang Mỹ chơi ở NBA.
Trong những năm gần đây, nguồn hỗ trợ tài chính cho thể thao ở Trung Quốc đã trở nên đa dạng hơn: Thông qua việc tài trợ cho đội hoặc cá nhân, chủ yếu là các VĐV ngôi sao là một biểu hiện rõ ràng cho thấy sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của kinh tế nói chung và thương mại hóa cùng chuyên nghiệp hóa nói riêng ở Trung Quốc. Cao trào là thập niên 2010, khi các tập đoàn hàng đầu Trung Quốc như China Media Capital, CITIC Group, Fosun International và Wanda Group... đầu tư mạnh vào thể thao, thậm chí nắm quyền điều hành các CLB.
Khá giống Việt Nam là ở Trung Quốc, cải cách bóng đá đã khiến bóng đá trở thành một trong những môn thể thao tiên phong nhằm chứng minh hiệu quả của nỗ lực “phi chính phủ hóa” của thể thao nước này. CFA đã và đang trải qua một cuộc cải cách lớn để đạt được một lộ trình phát triển phần lớn độc lập với chính phủ và hiện tại, bóng đá là môn thể thao Olympic duy nhất ở Trung Quốc do Hiệp hội / Liên đoàn thể thao quản lý, không chịu chỉ đạo trực tiếp từ Tổng cục. Trong khi đó, các Hiệp hội / Liên đoàn thể thao khác thật chất chỉ là một thương hiệu khác của các đơn vị quản lý thuộc Tổng cục.
Mặc dù gặp khó khăn trong việc tránh sự can thiệp của Tổng cục, cải cách độc lập của CFA vẫn là một bước tiến lớn trong thể thao ở Trung Quốc, có khả năng lan sang các môn thể thao khác, đặc biệt là những môn thể thao đã được chuyên nghiệp hóa ở Trung Quốc. Gần đây hơn, cựu ngôi sao NBA, Yao Ming, đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hiệp hội Bóng rổ Trung Quốc thông qua bầu cử. Điều này khác với việc bổ nhiệm trực tiếp một số quan chức như trước.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là các khu vực tư nhân, mặc dù có đóng góp tài chính đáng kể, vẫn chưa được quyền góp ý vào các quyết sách của Hiệp hội / Liên đoàn thể thao Quốc gia, do đó có tác động rất hạn chế đến định hướng chính sách phát triển thể thao ở Trung Quốc. Nhưng do ảnh hưởng bởi tốc độ toàn cầu hóa ngày càng tăng của Trung Quốc và sự ra đời của thương mại hóa cùng chuyên nghiệp hóa trong thể thao, các yếu tố thương mại ngày càng trở nên quan trọng trong sự phát triển thể thao thông qua tài trợ, phát sóng và các giải đấu chuyên nghiệp được tổ chức, đặc biệt nhất là trong bóng đá, bóng rổ và bóng bàn.
Ở Trung Quốc, thể thao là một lĩnh vực có ý nghĩa cả về văn hóa và kinh tế, do đó đã phải đối mặt với áp lực phải mở cửa quản lý của mình trước các lực lượng thị trường. Vì vậy mà ở tennis, các tay vợt nữ hàng đầu đã được phép đạt được mức độ độc lập cao khỏi sự kiểm soát của Trung tâm Quản lý Quần vợt Quốc gia và Hiệp hội Quần vợt Trung Quốc. Các sao tennis nữ được quyền tổ chức các đội của riêng họ, bao gồm huấn luyện viên và nhân viên hỗ trợ tham gia các chuyến du đấu chuyên nghiệp.
Thế nhưng, hầu hết các môn thể thao không phổ biến và không chuyên nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào mô hình truyền thống do chính phủ lãnh đạo và nhận tài trợ của chính phủ. Hơn nữa, vẫn có sự xung đột giữa những yếu tố thương mại mới nổi và các yếu tố quan liêu truyền thống ngay cả trong các môn thể thao tương đối chuyên nghiệp hơn như bóng đá và bóng rổ. Lệnh của chính phủ và sự can thiệp hành chính vẫn còn phổ biến trong các môn thể thao, được minh họa bằng trường hợp gần đây nhất về quy định mới của CFA rằng trong một trận đấu, số lượng cầu thủ nước ngoài mà mỗi CLB cử đến sân chỉ được bằng với số cầu thủ dưới 23 tuổi.
Nhật: Mô hình quản lý độc đáo kiểu công ty / tập đoàn
Tại Nhật, các Hiệp hội / Liên đoàn Thể thao Quốc gia của những môn thi đấu Olympic hiện đều nhận tiền hỗ trợ từ Ủy ban Olympic nước này. Thông thường, mỗi Hiệp hội / Liên đoàn Thể thao Quốc gia có môn thi đấu Olympic được nhận ít nhất 10 triệu yen hàng năm (hơn 2 tỷ đồng). Nếu Hiệp hội / Liên đoàn Thể thao Quốc gia đó nhiều khả năng giành huy chương Olympic, tiền hỗ trợ có thể lên đến gần 100 triệu yen. Riêng năm 2020, vì chịu tác động từ COVID-19, ngân sách này chỉ còn khoảng 12,8 tỷ yen, giảm khoảng 2,8 tỷ yen so với năm trước.
Các Hiệp hội / Liên đoàn Thể thao Quốc gia ở Nhật quản lý các CLB không quá phức tạp. Vì tại xứ sở mặt trời mọc, các CLB thể thao không chuyên nghiệp, CLB thể thao chuyên nghiệp và các cơ quan quản lý thể thao thường được tổ chức dưới các hình thức hợp pháp phù hợp với mục tiêu và chức năng của họ, nên hay được biết đến như một hiệp hội, tập đoàn, công ty, cơ sở... Công ty là hình thức thông thường được áp dụng bởi các CLB chuyên nghiệp đang hoạt động với mục tiêu kiếm lợi nhuận từ các hoạt động liên quan đến thể thao của họ.
Ví dụ như các quy định của Liên đoàn bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản (J. League) yêu cầu các CLB thành viên của các giải J1 hoặc J2 phải được thành lập như một tập đoàn, hoặc như một hiệp hội theo luật pháp nước này. Tính đến mùa giải 2020, tất cả 40 CLB trong các giải đấu J1 và J2 được tổ chức dưới dạng tập đoàn.
Mặt khác, các Hiệp hội / Liên đoàn Thể thao Quốc gia ở Nhật thường được tổ chức dưới hình thức các tập đoàn phi lợi nhuận vì đặc điểm công khai của chúng và chịu sự kiểm tra cũng như tuân thủ quy định của cơ quan tổ chức, bao gồm Hiệp hội Thể thao Nhật, Ủy ban Olympic Nhật và Hiệp hội Thể thao người khuyết tật Nhật. Để đồng bộ, Cơ quan thể thao Nhật đã phát hành Bộ luật quản trị cho các thành viên Hiệp hội / Liên đoàn Thể thao Quốc gia vào tháng 6/2019 và Bộ luật quản trị cho các Hiệp hội / Liên đoàn Thể thao Quốc gia nói chung vào tháng 8/2019.
Nhìn chung, các Hiệp hội / Liên đoàn Thể thao Quốc gia ở Nhật được quản lý như một doanh nghiệp có quyền đưa ra các quy tắc hoặc quy định nội bộ để đảm bảo hoạt động bình thường. Ví dụ: Hiệp hội bóng đá Nhật Bản (JFA) quản lý tổ chức của họ theo các quy tắc đã được công bố và J. League đã công bố các quy định liên quan đến việc quản lý các CLB thành viên và của chính họ. Trong số đó, J. League đã đưa ra một quy định liên quan đến việc cấp giấy phép cho CLB dự J. League, giấy phép này được yêu cầu nếu muốn tham gia các giải bóng đá chuyên nghiệp do J. League điều hành.
Như đã mô tả ở trên, hầu hết các tổ chức thể thao tại Nhật được thành lập dưới dạng tổng công ty hoặc tập đoàn phi lợi nhuận nên những giám đốc của các hình thức này thường phải chịu các nhiệm vụ giống nhau và trách nhiệm pháp lý với tư cách là giám đốc của các tập đoàn điển hình hoặc các tập đoàn phi lợi nhuận, chẳng hạn như nghĩa vụ chăm sóc, nghĩa vụ trung thành và các khoản nợ tiềm tàng đối với công ty hoặc bên thứ ba nếu xảy ra thiệt hại.
Khi có tranh chấp liên quan đến thể thao phát sinh giữa cơ quan quản lý và người tham gia (ví dụ CLB hoặc VĐV), hoặc giữa hai hoặc nhiều người tham gia môn thể thao đó, thường được xét xử dựa trên những quy định cụ thể từ các quy tắc do cơ quan quản lý môn thể thao liên quan đặt ra. Theo một số quy tắc quản lý một số môn thể thao nhất định ở Nhật, các CLB hoặc VĐV không được phép khiếu nại quyết định của cơ quan quản lý trước một cơ quan tư pháp bên ngoài cơ quan quản lý. Ví dụ, các quy định của J. League quy định rằng quyết định của chủ tịch là quyết định cuối cùng và ràng buộc đối với tất cả các CLB thành viên và cá nhân thuộc CLB, và các CLB và cá nhân đó không thể khiếu nại lên tòa án hoặc bất kỳ bên thứ ba nào khác.
Do đó, các CLB hoặc VĐV thường sẽ có quyền tiếp cận với ba loại cơ quan giải quyết tranh chấp ở Nhật để giải quyết các xung đột liên quan đến thể thao (không bao gồm các tranh chấp phát sinh bên ngoài các quy tắc của thể thao, chẳng hạn như tranh chấp thương mại giữa CLB và nhà tài trợ của nó), đó là: Tòa án quốc gia; Cơ quan Trọng tài Thể thao Nhật Bản (JSAA) và các cơ quan giải quyết tranh chấp do các tổ chức chủ quản của môn thể thao có liên quan thành lập.
Đối với mỗi phương thức giải quyết tranh chấp, có một số yêu cầu hoặc điều kiện nhất định phải được đáp ứng để sử dụng chúng. Ví dụ, một thỏa thuận trọng tài giữa các bên sẽ ngăn cản bất kỳ bên nào đưa vụ việc ra trước tòa án quốc gia. Hơn nữa, để sử dụng thủ tục tại các tòa án quốc gia, một tranh chấp phải được công nhận là “tranh chấp pháp lý” mà các tòa án phải phân xử.
Ngoài phạm vi quản lý của các Hiệp hội / Liên đoàn Thể thao Quốc gia, mọi đơn vị / cá nhân đều có quyền tham gia vào những hoạt động như tổ chức sự kiện... Điển hình là giải bóng chày sinh viên rầm rộ bậc nhất ở Nhật do tạp chí Asahi Shimbun sáng lập, hoặc gần đây có giải bóng đá của Hiệp hội người Việt tại Chiba...
Các công ty, dịch vụ ở Nhật rất được khuyến khích tham gia vào thị trường thể thao. Tại các Sports Business Expo, dễ thấy tới hơn 500 công ty giới thiệu sản phẩm và dịch vụ thể thao nhắm vào mọi đối tượng từ đội bóng, khán giả, VĐV đến cơ sở vật chất. Ngay cả những công ty sản xuất nhựa và đèn LED cũng được mời tham gia.
Chuyện của các cường quốc Mỹ, Anh, Hàn Quốc...
Vì được cho là sống trong xã hội tự do, thích thì làm nên hoạt động của những Hiệp hội / Liên đoàn thể thao Quốc gia tại các cường quốc thể thao như Mỹ, Anh, Hàn Quốc... thường có ban bệ khá ổn do sức cạnh tranh rất lớn. Vì ngoài những quyền cơ bản như quản lý các đội tuyển quốc gia, các giải đấu quốc gia hoặc quản lý cơ sở vật chất và VĐV thông qua thu phí, các Hiệp hội / Liên đoàn thể thao Quốc gia chỉ được hỗ trợ tài chính phần nào từ cơ quan quản lý thể thao của chính quyền để huấn luyện đào tạo VĐV dự Olympic...
Được biết tại Vương quốc Anh, các Hiệp hội / Liên đoàn thể thao Quốc gia của những môn tham dự Olympic và Paralympic được hỗ trợ khoảng 374 triệu bảng cho hơn 4 năm. Tuy nhiên, các Hiệp hội / Liên đoàn thể thao Quốc gia khác hoặc liên quan đến những môn thu nhập từ nhiều nguồn phải tự tìm quảng cáo, tài trợ để duy trì kinh phí hoạt động, cũng như thêm nguồn thu nhờ cho VĐV thuê cơ sở vật chất tập luyện. Thông thường, việc kiếm tiền vốn không dễ và càng khó khi có đại dịch COVID-19, khiến không ít Hiệp hội / Liên đoàn thể thao Quốc gia ở Vương quốc Anh và Mỹ từng đối mặt với nguy cơ phá sản, như điền kinh, xe đạp hoặc cầu lông do thất thu từ truyền hình, tổ chức sự kiện, phí thành viên hoặc tài trợ.
Ở những nước đề cao quyền tự do cá nhân như vậy, các Hiệp hội / Liên đoàn thể thao Quốc gia hầu như không can thiệp mạnh vào việc tư nhân hóa kinh doanh thể thao. Như có lần một cựu danh thủ tennis tâm sự, lò đào tạo quần vợt ở nước này nhiều nhan nhản, vì chỉ cần tìm được địa điểm và có ngân sách thì xin mở Trung tâm hoặc Học viện rất đơn giản. Vấn đề chỉ là thành lập xong thì có nguồn thu hay không. Thông thường thì hàng năm, số cơ sở mới được thành lập nhiều chẳng kém số đơn vị xin giải thể. Trụ lâu và nổi tiếng như Học viện quần vợt Nick Bollettieri ở bang Florida (Mỹ) – nơi từng giới thiệu các huyền thoại tennis cỡ Andre Agassi, Jim Courier, Boris Becker, Venus Williams, Martina Hingis, Maria Sharapova... - xem ra chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thế nhưng, điển hình cho quyền tự do ắt hẳn phải lấy ví dụ từ làng billiards Hàn Quốc, khi giải carom nhà nghề của PBA ra mắt vào mùa 2019-2020. PBA xuất hiện đã gây sốc cho Liên đoàn Billiards Carom Quốc tế (UMB), vì những khoản tiền thưởng cao hơn hàng chục, hàng trăm lần đã thu hút nhiều cơ thủ hàng đầu kéo sang Hàn Quốc, thậm chí sẵn sàng lưu trú cả năm để thi đấu do ảnh hưởng từ COVID-19, điển hình là Mã Minh Cẩm của VN. Xu thế này khiến UMB nổi giận, nên nhờ “đàn em” là Liên đoàn Billiards Hàn Quốc (KBF) ra tay can thiệp. Mặc dù vậy, KBF đành bất lực.
>>> Sự thật ”giật mình” phía sau 40 Liên đoàn - Hiệp hội thể thao quốc gia
>>> Bi hài chuyện thực hiện quyền và nghĩa vụ của các Liên đoàn- Hiệp hội thể thao quốc gia
>>> Bóng rổ phát triển như vũ bão nhưng Liên đoàn bóng rổ vẫn... giậm chân tại chỗ
Đón đọc kỳ 6: Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh về xu thế nhà nước hoá, hành chính hoá các Liên đoàn- Hiệp hội Thể thao Quốc gia