Muay Boran: Nét đẹp của Quyền Thái cổ đại

Nhân Kiệt
thứ sáu 29-3-2019 1:00:03 +07:00 0 bình luận
Khác hẳn với Muay Thái hiện đại ngày nay, Muay Boran mang nét đẹp độc đáo của Quyền Thái cổ đại.

Vào thế kỷ 16, đất nước Thái Lan cổ đại (Xiêm) chìm ngập trong chiến tranh, các trận đấu diễn ra triền miên khắp đất nước. Muay Boran được khai sinh như môn võ phục vụ cho các binh lính chiến đấu những khi bị tước mất vũ khí. Sau đó, nó phát triển mạnh mẽ và được tôn thờ nhờ vào những trận chiến đã đi vào truyền thuyết của Nai Khanom Tom - “ông tổ” của Muay Thái ngày nay.

Ngược dòng lịch sử về năm 1767, người Miến Điện, dưới thời vua Mangra, chiếm được thủ đô Ayutthaya của Xiêm và bắt rất nhiều tù nhân về làm nô lệ. Trong số những tù binh đó, có Nai Khanom Tom - người được vua Miến Điện cho thi đấu với các chiến binh giỏi nhất của Miến Điện.

Trước khi giao chiến, Nai Khanom Tom thực hiện “vũ điệu kỳ lạ” (Wai Kru) khiến cho chiến binh Miến Điện cảm thấy lo sợ, mất tinh thần. Họ thi đấu thua cuộc và cảm thấy mình như bị “nguyền rủa” bởi điệu múa lạ lùng ấy.

Muay Boran: Nét đẹp của Quyền Thái cổ đại

Muay Boran được khai sinh như môn võ phục vụ cho các binh lính chiến đấu những khi bị tước mất vũ khí

Sau chiến thắng trước 10 chiến binh Miến Điện, Nai Khanom Tom được thả về và được người dân Xiêm tôn vinh như ông vua của Quyền Thái cổ đại. Hàng năm, vào ngày 17/03, những người yêu võ Muay Thái luôn làm lễ tưởng niệm ông để bày tỏ lòng tôn kính. 

Xuất phát từ mục đích hỗ trợ chiến đấu trong chiến tranh, nên Muay Boran sử dụng hầu hết tất cả các vũ khí trên cơ thể. Ngoài tám chi: tay, chân, gối, chỏ như Muay Thái hiện đại, Muay Boran cổ đại còn dùng cả đầu để tấn công đối thủ.

Với mục đích tìm kiếm hiệu quả tối đa trong chiến đấu, Quyền Thái cổ đại trở nên tàn bạo khi ra đòn tấn công vào những vị trí nguy hiểm như: cổ họng, hàm, cằm, đỉnh đầu, háng, đốt sống cổ... 

Muay Boran: Nét đẹp của Quyền Thái cổ đại

Quyền Thái cổ đại khá tàn bạo khi ra đòn tấn công vào những vị trí nguy hiểm như: cổ họng, hàm, cằm, đỉnh đầu, háng, đốt sống cổ...

Kết thúc chiến tranh, Muay Boran không còn mang tính giết chóc như trước nữa. Với sự ra đời của sàn đài, kể từ năm 1921, các võ sĩ Muay Boran thường quấn dây gai để thi đấu thay thế cho chiến đấu tay không của thời chiến tranh. Một điều đặc biệt là môn võ này thi đấu không có hạng cân, và không có thời gian thi đấu cụ thể (thời gian của trận đấu được diễn ra dựa vào một quả dừa được đâm thủng một lỗ nhỏ, để nó vào bồn nước, khi quả dừa ngấm đầy nước và chìm xuống đáy là thời gian thi đấu kết thúc). 

Tiếp đó, chứng kiến cảnh tử vong của một võ sĩ vào năm 1928, chính phủ Thái Lan ban hành luật thi đấu bắt buộc dùng găng tay như Quyền anh phương Tây. Và sau đó, các luật lệ thi đấu khác được ban hành dẫn đến sự phát triển của Muay Thái hiện đại ngày nay. Điều đó đồng nghĩa với việc Muay Boran chìm vào lịch sử và không được dùng cho thi đấu nữa.

Muay Boran: Nét đẹp của Quyền Thái cổ đại

Muay Boran trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu của người dân Thái Lan

Sau một thời gian vắng bóng, những người con Muay Thái hiện đại và những người yêu nét đẹp của Quyền Thái cổ đại muốn Muay Boran “sống lại”. Họ đã đưa Muay Boran trở lại, nhưng chỉ trong khuôn khổ mang tính chất biểu diễn mà thôi. Các đòn đặc trưng mang tính nghệ thuật như: gối bay, chỏ bay là những đòn đẹp mắt và ghi được nhiều điểm của Muay Boran.

Ngày nay, ở các lễ hội lớn hoặc ở các đền, chùa tại Thái Lan, những tiết mục Muay Boran vẫn luôn được tổ chức để biểu diễn và lưu truyền món quà tinh thần quý giá này cho giới trẻ. Muay Boran trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu của người dân Thái Lan.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm