Ở SEA Games 30, siêu kình ngư Huy Hoàng đã xuất sắc giành 2 HCV, 2 HCB và phá 2 kỷ lục Đại hội. Với thành tích này, số tiền thưởng mà kình ngư quê Tiến Hóa (Quảng Bình) có được từ ngân sách Nhà nước là 220 triệu đồng. Đây là số tiền lớn với một cậu bé mới bước sang tuổi 19.
Tất cả các tiền thưởng, lương trước đó, Huy Hoàng đều chắt chiu để phụ giúp gia đình cất lại ngôi nhà khang trang trên nền cũ của căn nhà cấp 4 xập xệ. Thế là, giấc mơ đổi đời của bao thế hệ gia đình ông Nguyễn Văn Vinh, bà Nguyễn Thị Học, bố mẹ Hoàng đã thành hiện thực.
Gia đình Hoàng có thể sắm sửa những vật dụng giá trị cho bản thân để cải thiện cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng với ông Vinh, câu chuyện về chiếc điện thoại “cục gạch” giá trị vài trăm ngàn đồng còn hơn cả những vật phẩm đắt tiền khác.
Lúc Hoàng lên lớp 5, cậu thi trúng tuyển vào Trung tâm huấn luyện TDTT tỉnh Quảng Bình. Thế là, chàng trai sinh năm 2000 phải xa gia đình. Quãng đường từ nhà Hoàng về thành phố Đồng Hới chỉ 90km nhưng với gia đình ông Vinh, bà Học, đó là quãng đường quá xa.
“Lúc bấy giờ, gia đình không đủ điều kiện về kinh tế. Thế là, chắt chiu cả mấy tháng trời mới dư dả một ít. Hai vợ chồng tranh thủ bắt xe xuống Đồng Hới, mua ít quà tẩm bổ cho con.
Cả năm, nếu có tiền thì đi 2 lần còn không thì chỉ đi có một lần. Thấy thương con lắm. Các bạn đều được bố mẹ quan tâm sát sao nhưng gia đình lại không có điều kiện để chăm sóc tốt cho con”, ông Vinh giãi bày.
Những ngày tháng đầu khi Hoàng xuống Đồng Hới tập luyện, bà Học nhớ con vô cùng. “Nhiều đêm trằn trọc thức giấc không sao ngủ được vì không biết con ở dưới có ăn uống được không, tập luyện có được không…”, bà Học nhớ lại.
Cách liên lạc với Hoàng duy nhất là nhờ “ké” gọi điện thoại từ nhà hàng xóm. Nhưng cũng chỉ đôi ba lần trong tháng, ông Vinh, bà Học mới có cơ hội tâm sự cùng con trai.
Cứ thế, suốt 3 năm đầu tiên Hoàng xuống Đồng Hới tập luyện, khoảng cách chỉ 90km nhưng lại xa vô cùng với bố mẹ Hoàng. Khi Hoàng bắt đầu có sự ổn định cũng là lúc, kinh tế gia đình dần thoát nghèo, ông Vinh mới có điều kiện để mua sắm chiếc điện thoại “cục gạch” để thường xuyên liên lạc với con.
“Có cái điện thoại này tiện lắm, mẹ nó cũng đỡ tủi thân, đỡ nhớ con hơn”, ông Vinh tâm sự. Cứ khi nào rảnh, bà Học lại gọi cho con để tâm sự, căn dặn cậu con trai út. Chiếc điện thoại giúp tình cảm giữa bố mẹ và Hoàng gắn kết lại. Từ đây, chàng trai sinh năm 2000 cũng dần nguôi nỗi nhớ nhà để chuyên tâm vào tập luyện.
Ổn định về tinh thần, Hoàng có những bước tiến vượt bậc trong sự nghiệp. Anh liên tục gặt hái những thành công ở mọi giải đấu tham dự. Giờ đây, khi những thành tích của Hoàng giúp đời sống kinh tế gia đình khấm khá hơn nhưng ông Vinh vẫn xem chiếc điện thoại “cục gạch” ngày nào như người bạn tri kỷ.
“Bốn năm rồi, nó vẫn chạy tốt. Tôi muốn giữ chiếc điện thoại này như là nhắc nhở Hoàng về những ngày tháng vất vả, để con cố gắng phấn đấu, không bằng lòng với hiện tại, mang nhiều vinh quang về cho thể thao nước nhà”, ông Vinh chia sẻ.