“Đây là lần thứ 4 Minh dự Olympic, cũng rất là vinh dự. Trong thời gian qua, tình hình khó khăn nhưng Minh cũng cố gắng duy trì thể lực mỗi ngày. Minh hy vọng kỳ Olympic này là kỳ Minh thi đấu tốt nhất trong các đợt trước, tại vì Minh cảm thấy sức khỏe đợt này rất ổn. Minh nghĩ Minh sẽ thi đấu để lại ấn tượng tốt cho mọi người," Nguyễn Tiến Minh đã hứa hẹn đơn giản như vậy tại buổi giao lưu tại TPHCM trước lúc lên đường sang Nhật.
Nhưng có thể cho rằng ngay khi bước vào trận đấu đầu tiên của cầu lông Olympic Tokyo 2021 dự kiến gặp quái kiệt Đan Mạch Anders Antonsen đang xếp hạng 3 thế giới ở bảng L, Nguyễn Tiến Minh sẵn sàng khép lại sự nghiệp viên mãn như một thiên sử thi đầy những tình tiết truyền kỳ.
Thậm chí, tay vợt cầu lông nam số 1 VN khép lại sự nghiệp có phần đầy đặn hơn cả hai "đại thần" thống trị thế giới trong gần suốt sự nghiệp của anh: Lin Dan và Lee Chong Wei. Cả hai huyền thoại này đều khao khát kết thúc sự nghiệp tại Olympic Tokyo, nhưng vì những lý do khác nhau mà đều không được toại nguyện.
Với kỷ lục 4 lần tham dự Olympic, Nguyễn Tiến Minh kiêu hãnh sóng vai cùng Lin Dan - người vừa bỏ lỡ cơ hội lập kỷ lục trở thành tay vợt cầu lông Trung Quốc đầu tiên dự Olympic 5 lần. Và với hành trình đạt đến kỳ tích này tại Olympic Tokyo 2021, Nguyễn Tiến Minh xứng đáng là tấm gương cho các VĐV VN, không chỉ gói gọn trong làng cầu lông.
Vì ở đoạn đầu trong thiên sử thi Nguyễn Tiến Minh, người ta thường kể anh phất lên do may mắn. Lúc chàng trai TPHCM sinh năm 1983 ở vào thời điểm rèn kỹ chiến thuật tốt nhất thì cầu lông VN nhận được sự hỗ trợ của người Thái. Một số hạt mầm đầy triển vọng được sàng lọc và giới thiệu. Nhưng sau cùng, vì những lý do khác nhau, chỉ còn Nguyễn Tiến Minh trụ lại.
Nguyễn Tiến Minh có cơ hội tiếp xúc với HLV huyền thoại Misbun Sidek. Lúc đó đang chịu trách nhiệm phát triển Lee Chong Wei, ông thầy nổi tiếng bậc nhất thế giới này không có nhiều thời gian làm việc với tay vợt non choẹt của VN. Do đó, Sidek dành cho Nguyễn Tiến Minh lựa chọn duy nhất rất khắc nghiệt: Phải dậy từ sớm tinh mơ để được truyền nghề, vì cả ngày ông phải tập trung cho Lee Chong Wei.
Điều kiện nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế thì đủ sức xóa bỏ giấc mơ chuyên nghiệp của vô số người, nhất là khi họ thuộc nhóm cậu ấm trong gia đình có "của ăn, của để" như Nguyễn Tiến Minh. Tuy nhiên, Nguyễn Tiến Minh đã chấp nhận chịu khổ để tiếp thu những điều mà lúc đó anh không thể học được ở VN. Và sau khi Sidek rời đi, Nguyễn Tiến Minh tiếp tục ở lại sân tập để rèn giũa.
Có công mài sắt, có ngày giương danh thiên hạ. Nguyễn Tiến Minh tiến bộ thần tốc và xuất sắc tới mức từng khiến đấu trường Singapore Open 2009 oanh động do đánh bại chính Lee Chong Wei lúc đó đang là số 1 thế giới để vào tứ kết. Cụ thể hơn thì trong 4 "đại thần" của cầu lông thế giới ở kỷ nguyên của Nguyễn Tiến Minh, anh đều từng thắng Lin Dan (Trung Quốc), Lee Chong Wei (Malaysia) và Taufik Hidayat (Indonesia), chỉ chừa lại Peter Gade (Đan Mạch) mà thôi.
Cũng ở thời điểm sung sức nhất từ 27-29 tuổi, Nguyễn Tiến Minh đã vươn tới hạng 5 thế giới, thứ hạng cá nhân cao nhất đối với một VĐV VN ở một môn Olympic tính tới ngày 2/12/2010 và trụ mãi cho đến khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh lập kỳ tích HCV Olympic Rio 2016 để chiếm số 1 môn bắn súng thế giới.
Qua tất cả những gì được thể hiện trong sử thi Nguyễn Tiến Minh mà nội dung bài này chẳng thể lột tả hết, đứa con cưng của cầu lông TPHCM rõ ràng chẳng cần phải chứng tỏ thêm ở Olympic Tokyo 2021 sau khi giành được suất chính thức bất chấp đại dịch COVID-19. "Minh nghĩ Minh sẽ thi đấu để lại ấn tượng tốt cho mọi người": Phần kết cho một sự nghiệp tuyệt vời chỉ cần như thế là quá đủ!