Khoảng trống mênh mông phía sau Tiến Minh qua 4 kỳ Olympic?

Minh Châu
thứ tư 28-7-2021 13:26:38 +07:00 0 bình luận
Tại Olympic Tokyo 2021, Tiến Minh và Nguyễn Thùy Linh đã thể hiện rất tốt. Vấn đề đặt ra là thời gian tới, cầu lông VN còn có thể duy trì, thậm chí mạnh mẽ hơn không?

Sau khi kết thúc hành trình tại Olympic 2021, tay vợt nam cầu lông số 1 VN Nguyễn Tiến Minh đã có vài dòng tri ân người hâm mộ trên Facebook: "Cám ơn các bạn từ qua đến giờ quan tâm hỏi thăm động viên M rất nhiều, mặc dù kết quả chưa thực sự tốt nhưng M cũng đã cố gắng hết sức, mong rằng thế hệ đàn em như Đức Phát, Hải Đăng, Đình Hoàng… sẽ thay M chinh chiến tiếp trong thời gian tới.

Còn đối với M cầu lông là 1 phần cuộc sống, còn cầm được cây vợt ra sân ngày nào thì thật hạnh phúc ngày đó, 1 lần nữa cảm ơn các bạn đã luôn theo dõi đồng hành cùng M hơn chục năm qua, xin cảm ơn và chúc các bạn có thật nhiều sức khoẻ trong mùa dịch này, love you all."

Dù không thắng như Nguyễn Thùy Linh ở đơn nữ Olympic, nhưng rõ ràng Nguyễn Tiến Minh đã có những màn trình diễn đầy ấn tượng và quyết tâm trước các đối thủ "dữ dằn" như số 3 thế giới Anders Antonsen (Đan Mạch) hoặc ngôi sao Azerbaijan gốc Indonesia từng thắng á quân châu Âu. 

Thể hiện của các tay vợt VN càng trên cả tuyệt vời nếu biết rằng trong lúc họ gần như "tập chay" suốt gần 2 năm thì các đối thủ vẫn được thi đấu quốc tế như năm nay là các giải Thái Lan Mở rộng, World Tour Finals 2020 (cũng lùi lại năm 2021 như Olympic), giải Toàn Anh...

Số 1 thế giới Kento Momota bị loại sớm ở giải Toàn Anh sau thời gian dài không đấu quốc tế.

Khác biệt giữa "tập chay" với đấu quốc tế có lẽ không cần phải bàn cãi. Bằng chứng là sau thời gian dài không đấu do ảnh hưởng từ vụ đụng xe chết người ở Malaysia đầu năm 2020 và chỉ kịp làm nóng ở giải VĐQG, số 1 thế giới Kento Momota đã bất ngờ thua Lee Zii Jia ở Toàn Anh và sa sút phong độ rất rõ ở các trận trước đó. 

Một trường hợp khác có thể làm ví dụ rất rõ về tác hại của việc không thi đấu thời gian dài ở đỉnh cao là niềm kiêu hãnh của Nhật - Naomi Osaka: Số 2 thế giới tennis nữ chỉ mới bỏ Roland Garros và Wimbledon trong 2 tháng qua là đủ để bị loại sớm tại Olympic.

Trong khi đó, Ade Resky - đối thủ của Nguyễn Tiến Minh - vừa tham dự Orleans Masters tại Pháp rồi tới giải VĐ châu Âu 2021. Ngược lại, lần gần nhất các tay vợt cầu lông VN thi đấu quốc tế đã từ tháng 1/2020.

Ade Resky - đối thủ của Nguyễn Tiến Minh - dự giải Orleans Masters tháng 3/2021.

Đại dịch COVID-19 khiến Nguyễn Tiến Minh và cả các tay vợt VN khác không thể thi đấu quốc tế còn tạo cảm giác sau kỷ nguyên của biểu tượng này là khoảng trống mênh mông cho cầu lông VN. Thực tế thì sao?

Theo ông Lê Thanh Hà - Phó Vụ Trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao (Vụ TTTTC) kiêm Tổng thư ký Liên đoàn cầu lông Việt Nam, và cũng có phần giống với nhận định của Nguyễn Tiến Minh, hiện có 2 VĐV đã tiệm cận được trình độ của lão tướng người TPHCM: Lê Đức Phát và Nguyễn Đình Hoàng.

Lê Đức Phát từng gặp Nguyễn Tiến Minh ở chung kết giải VĐQG 2019 và đã thắng đàn anh này ở giải không chính thức. Nguyễn Đình Hoàng đang là số 2 đơn nam và từng vào chung kết năm 2020 gặp Nguyễn Tiến Minh.

Ông Lê Thanh Hà (trái) tại giải Vô địch cầu lông cá nhân toàn quốc ở Đồng Nai.

Lợi thế của hai tay vợt này là sức trẻ, nhanh và mạnh. Hạn chế của họ là còn thiếu kinh nghiệm. Nếu được đầu tư hợp lý thì dù không vươn được tới đẳng cấp như Nguyễn Tiến Minh, họ có hy vọng tiếp nối đàn anh giành quyền dự Olympic kế tiếp.

Đến đây, vấn đề lại được đặt ra là làm thế nào để cầu lông VN duy trì sức mạnh hiện nay, thậm chí càng phát triển hơn? Ông Lê Thanh Hà cho rằng bộ môn cầu lông của Tổng cục và Liên đoàn Cầu lông Việt Nam cần phải hướng tới 6 mục tiêu sau:

1. Phát triển các tuyến năng khiếu và đội tuyển tại các địa phương. 

2. Tiếp tục tập huấn đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia tại các trung tâm Quốc gia.    

3. Thuê các chuyên gia hàng đầu thế giới huấn luyện tại các đội tuyển quốc gia.

4. Đưa các VĐV triển vọng và hàng đầu tập huấn tại các nước có nền cầu lông phát triển.  

5. Kết hợp với Bộ Giáo dục-Đào tạo đưa môn cầu lông thành môn học chính thức trong học đường.

6. Áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất vào trong công tác huấn luyện, hồi phục, dinh dưỡng.

Quan trọng không kém, ông Lê Thanh Hà cho rằng làng cầu lông VN "đặc biệt cần phải kêu gọi được nhiều nhà tài trợ để đồng hành cùng các VĐV. Kinh phí mà Tổng cục dành cho cầu lông quá ít. Các em không thể thi đấu quốc tế và tích điểm khi 1 năm chỉ có 2-3 giải quốc tế, căn cứ vào số tiền của Tổng cục."

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm