Cậu học sinh trung học ở vùng nông thôn tỉnh Akita từng bị mê hoặc khi chứng kiến vận động viên marathon người Ethiopia thể hiện sự kiên trì trên đường chạy, hoặc võ sĩ judoka người Hà Lan tỏ ra khiêm tốn khi kết thúc trận đấu, hay tuyển thủ bóng chuyền nữ Nhật đã bay người cứu bóng để giành chiến thắng không thể ngờ tới...
Đó là những hình ảnh cách đây 57 năm, trong Thế vận hội Tokyo 1964, và cậu thiếu niên Yoshihide Suga ngày ấy sau này lớn lên đã trở thành Thủ tướng Nhật.
“Tôi cảm nhận được khả năng vô hạn của con người”, vị lãnh đạo 72 tuổi kể lại cách nay khoảng 1 tháng, trong bài phát biểu trước các nhà lập pháp Nhật. "Những thứ đó là những gì tôi muốn cho bọn trẻ xem."
Thanh niên Nhật Bản ngày nay có tiếng là sống không muốn bị ràng buộc, theo thuyết định mệnh và không quan tâm đến thế giới bên ngoài. Những người trưởng thành thuộc thế hệ Z này chỉ biết đến Nhật kể từ sau cái gọi là thập kỷ kinh tế đình trệ đã mất.
Trong cuộc đời của họ, sự trỗi dậy ngoạn mục của kinh tế đất nước sau Olympic đầu tiên đã là một ký ức xa vời, thay vào đó là nỗi lo Nhật bị lu mờ bởi các nước láng giềng châu Á, đứng đầu là Trung Quốc.
Nhiều người ở đây - những người nhớ về chiến thắng năm 1964 đã hy vọng Olympic trở lại, "#Tokyo2020" sẽ tạo lại cho giới trẻ Nhật ngày nay một khoảnh khắc hiếm hoi về niềm tự hào dân tộc, cơ hội giao lưu với toàn cầu và cơ hội được truyền cảm hứng khi nhìn cận cảnh thể thao đẳng cấp thế giới và những màn thể hiện tinh thần của con người thật đáng kinh ngạc.
Đó là trước lúc đại dịch COVID-19 gây ra cơn ác mộng cho sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.
Giờ đây, Takahashi đang thực tập cho Dịch vụ Phát thanh Olympic của IOC. Cô ấy muốn trở thành một phần của những gì cô ấy tin rằng sẽ là trải nghiệm “chỉ có một lần trong đời”. Nhưng khoảnh khắc đó có thể không gợi lên cảm giác hồi hộp và cảm xúc như ông Suga từng hy vọng đến với thế hệ ngày nay.
Ngược lại, Takahashi cho biết sự chú ý của thế giới hiện đang đổ dồn vào những thiếu sót của Nhật, bao gồm tình trạng khẩn cấp thứ 4 của thủ đô do COVID-19, việc triển khai tiêm chủng chậm (chỉ hơn 1/5 người Nhật đã được tiêm phòng đầy đủ) và đại dịch bùng phát.
Khán giả nước ngoài bị cấm vào Nhật. Đường phố thiếu những tiếng hoan hô như thường thấy ở các sự kiện thể thao lớn. Cảm giác như thể một bữa tiệc đang diễn ra siêu thực mà không có khách mời. “Olympic đã được lên kế hoạch để trở thành một cách thay đổi văn hóa hướng nội của Nhật, nhưng hiện tại, tôi không thấy điều đó,” cô nói.
“Giới trẻ cảm thấy hơi hụt hẫng,” Nathaniel Smith, Giáo sư tại Đại học Ritsumeikan ở Kyoto thừa nhận. “Chỉ cần biết rằng Olympic đang diễn ra trong một tình trạng mà không phải ai cũng cảm thấy thoải mái khi tổ chức giải, tôi không nghĩ rằng Olympic Tokyo 2021 sẽ để lại một di sản lớn như 1964”.
Yu Sugiyama, một trưởng nhóm học sinh, cũng chia sẻ: “Các học sinh không chỉ trải nghiệm mặt tốt của Olympic, mà chúng tôi cũng đã chứng kiến mặt xấu của Olympic".
Theo TS. Huỳnh Trí Thiện
Ngành Quản lý Thể thao – Đại học Chulalongkorn, Thái Lan