Than khổ vì Olympic Tokyo 2021, thực tế IOC có nghèo do COVID-19 không?

Du Yên
thứ bảy 24-7-2021 20:56:04 +07:00 0 bình luận
Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) vừa mếu máo cho biết việc tạm hoãn Olympic Tokyo 2021 đã ảnh hưởng đến nguồn tài chính, được nêu ra chi tiết trong báo cáo tài chính mới nhất.

Theo thông báo mới nhất từ Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), Tokyo 2021 hoãn 1 năm khiến doanh thu từ bản truyền hình đang bị trì trệ, nên tổ chức này chỉ đạt 620,7 triệu đô la Mỹ (526,2 triệu euro) vào cuối năm 2020, khóa sổ ngày 31/12.

Thông thường, IOC kỳ vọng thu được nhiều lợi nhuận hơn nhờ vào Olympic. Báo cáo tài chính trước đó xác nhận thực tế này khi cho thấy các kế hoạch kinh doanh của IOC đã đem lại doanh thu 5,7 tỷ đô la trong 4 năm 2013-2016.

Chương trình TOP (Top Olympic Partner) - danh sách các nhà tài trợ ở cấp cao nhất của Olympic - mang lại phần lớn thu nhập cho IOC với 532,4 triệu đô la cho năm tài khóa, bằng việc gia hạn hợp đồng với các nhà tài trợ như Atos cho đến năm 2024, Procter & Gamble cho đến năm 2028.

Tuy nhiên, việc lùi thời điểm tổ chức Olympic Tokyo đồng nghĩa với việc doanh thu truyền hình và các quyền truyền thông chỉ đạt được 1,08 triệu đô la vào năm 2020, vì các đài truyền hình trì hoãn việc thanh toán bản quyền cho đến năm nay.

Ở phần giới thiệu trong báo cáo tài chính, IOC cho biết: “Vì Olympic Tokyo 2021 bị tạm ngưng nên báo cáo tài chính cho Olympic 2017-2020 không thể hoàn thành. Bản báo cáo sẽ được công bố vào năm 2021, sau khi Olympic Tokyo 2021 kết thúc”.

Cho dù than thở vì thu tiền bán bản quyền truyền hình Olympic chậm hơn dự kiến, IOC hiện có những nguồn tin tích cực do nỗ lực phát triển một chương trình tập trung vào việc cấp phép bản quyền cho các nền tảng thương mại điện tử. Các giao dịch mua bán được thỏa thuận với các công ty bao gồm Mattel và Grey's International vào năm 2020.

Doanh thu từ các chương trình cấp bản quyền khác, bao gồm các thỏa thuận cấp phép và thị phần của IOC trong các chương trình marketing của Ban tổ chức Olympic địa phương ở mức 65,8 triệu đô la.

Các nguồn doanh thu khác, bao gồm doanh thu phát sóng Paralympic và thu nhập từ chính dịch vụ phát sóng Olympic là 21,5 triệu đô la. Nguồn thu này đồng thời cũng để cung cấp cơ sở vật chất, dịch vụ và thiết bị cho các đài truyền hình có bản quyền.

Ngược lại, các bản sao kê cho thấy IOC đã phân chia 300,4 triệu đô la cho các ủy ban tổ chức, hiệp hội Olympic quốc gia và liên đoàn quốc tế trong suốt cả năm diễn ra Olympic.

Trong đó, ban tổ chức Tokyo 2021 nhận được 114,7 triệu đô la, trong khi Bắc Kinh 2022 nhận được 2,5 triệu đô la.

Riêng Ủy ban Olympic Mỹ thu 88,7 triệu đô la từ IOC vào năm 2020, chiếm gần 50% lượng phân bổ cho các Ủy ban Olympic Quốc gia, khi các Ủy ban Olympic Quốc gia khác chỉ nhận được tổng cộng 89,8 triệu đô la.

Theo như thông lệ, Ủy ban Olympic Mỹ nhận được nhiều hơn từ IOC vì trên thực tế, Mỹ là thị trường sinh lợi nhất cho các hợp đồng truyền thông và tài trợ.

Báo cáo tài chính cũng tiết lộ IOC đã chi 118,2 triệu đô la cho việc quảng bá các sự kiện của Olympic, trong khi chi phí hoạt động trong năm là 173,9 triệu đô la.

Vì vậy mà sau khi cộng trừ tất cả, IOC thông cáo về việc thâm hụt 55 triệu đô la vào năm 2020.

Tuy nhiên, với tổng tài sản ở mức 5,7 tỷ đô la, tài sản hiện tại là 4 tỷ đô la và tài sản dài hạn là 1,8 tỷ đô la, Ủy ban Olympic Quốc tế thừa nhận vẫn có thể đứng vững trước hoàn cảnh khó khăn hiện tại.

Ngoài ra, họ còn cho biết thêm: Nguồn tiền và các tài sản tài chính khác trị giá 5 tỷ đô la, chiếm 87% tổng giá trị về tài chính của IOC, trong khi tổng nợ phải trả là 3,2 tỷ đô la chỉ chiếm 57% tổng giá trị về tài chính.

Trong một tuyên bố đi kèm với các bản sao kê tài chính, IOC cho biết: “Tổng nợ phải trả ít hơn rất nhiều so với quỹ tiền mặt của IOC, từ đó có thể thấy được bức tranh sức khỏe tài chính và tính bền vững lâu dài của IOC.”

Trước mắt, IOC cho biết họ đã nhận được 4,1 tỷ đô la từ các nhà tài trợ và đài truyền hình TOP cho giai đoạn 2029-32. Và gần đây, IOC đã chọn Brisbane tổ chức Olympic Mùa hè 2032. Việc Los Angeles tổ chức thế vận hội vào năm 2028 cũng được IOC kỳ vọng có tác dụng gia tăng tài chính.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Timo Lumme - giám đốc điều hành tiếp thị và truyền thông của IOC - còn cho biết về ý tưởng đưa các môn mới vào chương trình thi đấu cũng sẽ gia tăng doanh thu: “Các môn mới ở các vùng lãnh thổ mới sẽ mang lại các mối quan hệ hợp tác mới, ban đầu, các quan hệ đối tác có thể ở cấp quốc gia, sau đó có thể được phát triển ra toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm