Đội tuyển bóng đá quốc gia không hoàn toàn là tấm gương phản chiếu của cả xã hội. Nhưng ở khía cạnh nào đó, nền bóng đá của một quốc gia chịu ảnh hưởng rất lớn bởi bối cảnh xã hội của đất nước này. Ngược lại, thành công hay thất bại của đội tuyển cũng tác động nhất định với xã hội của một đất nước.
Chuyện cũ nói mãi không ... hết
Không phải cho đến tận bây giờ câu chuyện bản sắc ở đội tuyển Pháp mới được đem ra bàn luận. Từ World Cup 1998 cho đến EURO 2016, người dân Pháp vẫn không ngừng tranh cãi về cái gọi là bản sắc Pháp.
Hơn 2 tuần trước lễ khai mạc ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu, Eric Cantona gây sốc với cáo buộc HLV Didier Deschamps phân biệt chủng tộc với 2 cầu thủ gốc Phi là Karim Benzema và Hatem ben Arfa. Cả hai đều là những tiền đạo đạt phong độ cao ở màu áo CLB trong mùa giải vừa qua, nhưng vẫn bị loại bởi những lý do khác nhau.
Dĩ nhiên, ông Deschamps một mực phủ nhận cáo buộc của Cantona và thậm chí còn liên hệ với luật sư để kiện người đồng đội cũ ra tòa.
Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là lời nói của Cantona không hoàn toàn sai. Xã hội Pháp vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận một đội tuyển Pháp đa sắc tộc.
Nhiều người dân của đất nước này vẫn kêu gọi các nhà quản lý bóng đá xây dựng một đội tuyển Pháp chỉ gồm những cầu thủ da trắng, chứ không phải một đội tuyển Black-Blanc-Beur (người da đen, người da trắng và hậu duệ của những người Bắc Phi di cư sang Pháp) của Aime Jacquet đăng quang tại World Cup 1998.
Tiêu biểu trong số này là cựu lãnh đạo Đảng Mặt trận dân tộc cựu hữu Jean-Marie Le Pen. Ông chính là người tuyên bố “Hãy trả lại đội tuyển Pháp cho những người Pháp chính gốc” trước thềm World Cup 1998, khi xã hội Pháp phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nhức nhối liên quan đến người nhập cư.
“Ở thế hệ của chúng tôi, chuyện hòa nhập là một vấn đề lớn”, nhà văn người Pháp Julien Laurens, một người nhập cư, chia sẻ trên Đài BBC, “Cha mẹ của chúng tôi đã có công ăn việc làm ổn định, nhưng tương lai của chúng tôi ra sao thì lại là một chuyện khác”.
“Chúng tôi không biết mình sẽ làm gì trong tương lai. Đi học đã là một thất bại bởi trường học không được dựng lên để dành cho chúng tôi. Khi đi phỏng vấn xin việc, chúng tôi cũng sẽ bị từ chối vì xuất thân không “đẹp”. Tương lai của một người nhập cư luôn là nhu vậy, ảm đạm và đen tối”.
Nhưng rốt cuộc đội tuyển Pháp lại vô địch giải đấu năm đó nhờ một ngôi sao gốc Algeria, sau này trở thành huyền thoại bóng đá đất nước hình Lục lăng, đó là Zinedine Zidane.
Quan trọng hơn nữa là chiến thắng tại World Cup 1998 còn giúp người Pháp đập tan mâu thuẫn, sự phân hóa và nguy cơ chia rẽ sắc tộc trong lòng đất nước của họ.
“Chức vô địch World Cup 1998 đã tạo một bước ngoặt lịch sử. Đó không chỉ là chiến thắng của một đội bóng ma là chiến thắng của cả một dân tộc, chiến thắng của sự thống nhất và đa sắc tộc trong lòng xã hội Pháp” – cựu danh thủ Lilian Thuram tâm sự.
Bây giờ, khi nước Pháp lại phải đối mặt với những thách thức kinh tế-xã hội trầm trọng chẳng kém gì ngày trước và lãnh đạo Đảng Mặt trận dân tộc cựu hữu lại chính là con gái của ông Jean-Marie Le Pen, nhiều người dân Pháp lại đặt hy vọng vào chức vô địch EURO 2016 sẽ giúp họ giải quyết rắc rối tương tự từng xảy ra vào năm 1998.
Viễn cảnh này hoàn toàn có thể xảy ra khi đội tuyển Pháp của Didier Deschamp đang thi đấu rất thành công nhờ một nhóm cầu thủ đa sắc tộc.
Trong đó, thủ quân Hugo Lloris có gốc gác Tây Ban Nha, N’golo Kante có cha mẹ là người Mali, Paul Pogba có gốc Guinea, thân sinh Blaise Matuidi là người Angola, Dimitri Payet sinh ra ở Reunion, ...
Tính ra thì chỉ có Antoine Griezmann và Olivier Giroud là hai trụ cột hiếm hoi của “Les Bleus” mang dòng máu Pháp 100%.
Người Đức lên đỉnh nhờ chính sách nhập cư
Câu chuyện bản sắc ở đội tuyển Đức không “nặng nề” như đội tuyển Pháp. Nhưng nói như vậy không có nghĩa không có nhiều người than phiền về một đội tuyển Đức không thuần Đức, một đội tuyển Đức có nhiều cầu thủ không hát nổi quốc ca Đức.
Không nói đâu xa, Jerome Boateng mới bị lãnh đạo Đảng cực hữu tại Đức là ông Alexander Gauland phân biệt chủng tộc chỉ vì anh có cha là người Ghana: “Mọi người công nhận Boateng là một cầu thủ bóng giỏi, nhưng họ sẽ không muốn có một người hàng xóm như anh ta”.
Sau đó, ông Gauland đã phải lên mặt báo để đính chính rằng ông chưa hề có ý nghĩ xúc phạm Boateng. Nhưng điều này cũng chẳng thể ngăn cản việc nổ ra những cuộc tranh luận về vấn đề bản sắc ở đội tuyển Đức.
Minh chứng là cuộc khảo sát của tờ Focus chỉ ra rằng, chỉ có 82% người dân Đức muốn làm hàng xóm với Boateng. Vậy thì lời nói của Alexander Gauland không chỉ là quan điểm cá nhân.
Quay ngược thời gian về thời điểm năm 2006 khi đăng cai World Cup, nước Đức cũng từng phải đối mặt với một thử thách lớn khi Đảng Dân chủ tự do cực hữu kêu gọi các nhà lãnh đạo trả lại đội tuyển Đức cho những người Đức chính gốc: “Màu trắng không chỉ đơn giản là một màu áo. Đó là màu sắc một đội tuyển quốc gia thực sự”.
Rốt cuộc, người phải chịu thiệt thòi là Patrick Owomoyela, một cầu thủ Đức gốc Nigeria chưa từng được dự World Cup dù cũng từng được triệu tập lên vào “Die Mannschaft”.
Nhưng vượt qua tất cả, đội tuyển Đức vẫn giành được vô số thành công và vươn tới đỉnh cao của thế giới tại World Cup 2014 bằng một đội hình gồm nhiều cầu thủ nhập cư.
Đó là Mesut Oezil có gốc gác Thổ Nhĩ Kỹ, Jerome Boateng có cha là người Ghana, Shkodran Mustafi đến từ một gia đình Albania hay Sami Khedira có cha mang quốc tịch Tunisia.