6 yếu tố giúp ĐT Anh thoát khỏi ác mộng đá luân lưu 11m

thứ tư 8-6-2016 22:41:29 +07:00 0 bình luận
Đối với “Tam sư”, loạt đá luân lưu 11m thật sự là ác mộng. Bởi 11 lần bị loại ở các giải lớn, có đến 6 lần do “đấu súng”, mà họ phải phân định thắng thua ở loạt đá luân lưu tổng cộng có 7 lần!

Đối với “Tam sư”, loạt đá luân lưu 11m thật sự là ác mộng. Bởi 11 lần bị loại ở các giải lớn, có đến 6 lần do “đấu súng”, mà họ phải phân định thắng thua ở loạt đá luân lưu tổng cộng có 7 lần!

Matt Le Tissier "tư vấn" cho Roy Hodgson

Người Anh “đấu súng” tệ như vậy nên không khó hiểu tại sao Andrea Pirlo tự tin tới mức dám giở ngón “Panenka” ra hạ Joe Hart trong loạt đá luân lưu 11m khi Italia đánh bại Anh 4-2 tại tứ kết EURO 2012. Ám ảnh bởi nỗi lo Anh đá 11m như vậy, cựu danh thủ Anh, Matt Le Tissier vừa phải kiến nghị HLV Roy Hodgson chọn thủ môn Joe Hart vào danh sách đá luân lưu 5 lượt đầu.

Bởi theo cựu cầu thủ từng sút thành công tới 48 trong 49 lần trên chấm phạt đền, sự tự tin là yếu tố then chốt khi “đấu súng”, chưa kể Joe Hart từng đá 11m thành công 3 lần cho Anh ở U.21 châu Âu 2009, cho Man City ở các trận gặp Roma và LA Galaxy.

Andrea Pirlo tự tin tới mức dám giở ngón “Panenka” ra hạ Joe Hart.

Andrea Pirlo tự tin tới mức dám giở ngón “Panenka” ra hạ Joe Hart.

Theo tiêu chí này, ông còn đề nghị chọn Harry Kane, Wayne Rooney, James Milner và Dele Alli cho 4 suất đá luân lưu còn lại. Bởi theo ông, Harry Kane “hẳn đầy tự tin sau mùa qua”, Wayne Rooney “đầy kinh nghiệm và chưa từng sút hỏng phạt đền của Tuyển Anh”, Dele Alli “có kỹ thuật điêu luyện và tôi tin rẳng cậu ấy sẽ làm chủ được tình hình”, còn James Milner “là người đáng tin cậy và từng ghi bàn từ chấm phạt đền vài lần ở mùa này”.

Cần biết cách giảm áp lực tâm lý

Nhưng đối với Tuyển Anh, lời khuyên của Matt Le Tissier xem ra chưa đủ. Bởi theo một giáo sư kinh tế ở London, Tuyển Anh còn cần giành lợi thế trước lúc bước vào loạt đá luân lưu bằng cách giành quyền đá đầu tiên. Nguyên nhân là qua 1.343 lượt đá của 129 màn “đấu súng” , các chuyên gia thống kê nhận thấy đội đá chính có tỷ lệ chiến thắng lên đến 60,5%. Kết quả này chứng tỏ đội đá sau chịu áp lực tâm lý lớn hơn nên dễ đá hỏng hơn.

Brazil thắng Chile nhờ đá luân lưu trước ở World Cup 2014.

Brazil thắng Chile nhờ đá luân lưu trước ở World Cup 2014.

Áp lực tâm lý sắm vai trò quan trọng trong các loạt “đấu súng” còn thể hiện rõ qua khác biệt về tỷ lệ thành công trên chấm 11m ở giờ đấu chính thức (85%) so với khi đá luân lưu (76%).

Một khảo sát khác cũng khẳng định điều này, khi cho biết cầu thủ thực hiện lượt sút thứ 5 hoặc quyết định mà biết rằng đá hỏng là đội nhà thua thì tỷ lệ thành công chỉ ở mức 60%, còn nếu biết rằng đá chính xác là đội nhà thắng thì tỷ lệ thành công tăng lên đến 92%. Do đó, lời khuyên nữa dành cho các học trò của Roy Hodgson nếu bước vào loạt “đấu súng” là đừng đặt nặng chuyện thắng thua thì khả năng thắng cao hơn!

Đừng nhìn thủ môn và hãy bước giật lùi

Các cầu thủ sút hỏng 11m phần nào còn do những thói quen không tốt. Một trong những thói xấu dễ thấy nhất là trước lúc sút, cầu thủ cứ hay nhìn thủ môn, và thói xấu ấy càng lộ rõ đối với cầu thủ phải thực hiện lượt đá quyết định. Một thói xấu khác là cầu thủ đặt bóng xuống chấm 11m xong sẽ xoay người đi ngược lại trong tư thế quay lưng về phía khung thành và thủ môn đối phương.

Gareth Southgate sút hỏng quả 11m của Anh ở VCK EURO 1996 do không nhắm vào góc cao.

Gareth Southgate sút hỏng quả 11m của Anh ở VCK EURO 1996 do không nhắm vào góc cao.

Qua 167 cú đá 11m được quan sát, các nhà nghiên cứu nhận thấy những cầu thủ mắc phải các thói xấu này sút hỏng rất nhiều. Vì với thói xấu thứ hai, hành động xoay người vô tình gián đoạn quá trình chuẩn bị sút bóng. Lại thêm thói xấu thứ nhất cần tránh, vì mục tiêu sút bóng là khung thành chứ đâu phải thủ môn. Đơn cử như khi Anh gặp Đức tại VCK EURO 1996, cầu thủ hai đội đã nhắm vào các góc cao khung thành để sút mà tỷ lệ thành công vẫn đạt đến 9/11.

Chớ vội đá ngay và đừng chỉnh lại bóng

Ngoài ra, thống kê còn khuyên các cầu thủ Anh đừng vội sút ngay lúc trọng tài vừa nổi còi. Thay vì vậy, hãy dành chút thời gian để chuẩn bị. Nghiên cứu cho biết những cầu thủ sút 11m ngay khi trọng tài cho phép chỉ đạt hiệu suất ghi bàn vỏn vẹn 57%. Ngược lại, những cầu thủ chỉ cần sút chậm hơn tiếng còi chừng 1 giây là đủ để nâng tỷ lệ thành công lên hơn 80%.

Lời khuyên này càng có giá trị nếu thầy trò Roy Hodgson biết rằng tỷ lệ thắng “đấu súng” của Anh chỉ đạt 17% là do họ có thói quen sút 11m nhanh hơn mọi đối thủ, gần như nghe còi là chạy sút ngay. Thói xấu này từng được Steven Gerrard nhắc đến trong tự truyện khi tâm sự: “Tại sao tôi phải chờ thêm sau tiếng còi trọng tài? Chỉ phải ráng nhịn thêm vài giây mà cứ ngỡ như là vô tận”.

Cú sút vội hỏng ăn nổi tiếng của David Beckham.

Cú sút vội hỏng ăn nổi tiếng của David Beckham.

Nhân dịp này, vị giáo sư kinh tế ở London còn khuyên các tuyển thủ Anh đặt bóng vào chấm 11m rồi đừng tìm cách chỉnh lại nữa. Bởi lẽ, thói quen ấy sẽ khiến họ thay đổi cách nghĩ, dẫn tới tâm lý không chắc chắn, căng cứng và động tác kỹ thuật không chuẩn. Ngoài ra, một số cầu thủ thường chọn cách đợi thủ môn đổ người rồi mới sút.

Tuy nhiên, chiến thuật này có độ rủi ro khá cao, nên thường thấy ở nhiều pha đá hỏng. Vì vậy, lời khuyên dành cho các học trò của Roy Hodgson là hãy mạnh dạn chọn góc cao rồi sút thẳng vào đó, vì thủ môn rất khó cản được những cú sút như vậy. Trở lại với loạt “đấu súng” giữa Anh với Đức tại VCK EURO 1996 là rõ: Gareth Southgate có ý tưởng khác khi sút chìm vào góc trái nên thủ môn Đức chặn được.

Sút vào rồi đừng quên ăn mừng

Nhưng ngay cả khi sút 11m thành công trong loạt “đấu súng”, tuyển thủ Anh vừa thực hiện cú đá rất tốt ấy cần nhớ rằng nhiệm vụ vẫn chưa hoàn tất! Kế đến, anh ta cần phải có động tác ăn mừng. Thống kê 151 pha đá 11m ở các kỳ EURO và World Cup gần đây cho thấy nếu một cầu thủ sút 11m chính xác rồi có động tác ăn mừng thì nhiều khả năng đối thủ thực hiện lượt đá kế tiếp sẽ sút hỏng.

Trong loạt đá 11m thắng Pháp ở chung kết World Cup 2006, tuyển thủ Italia nào sút thắng xong đều có hành động ăn mừng.

Trong loạt đá 11m thắng Pháp ở chung kết World Cup 2006, tuyển thủ Italia nào sút thành công đều có hành động ăn mừng.

Nếu cầu thủ vui mừng khi tỷ số “đấu súng” đang cân bằng, hiệu quả lại càng cao. Bằng chứng là có tới 82% cầu thủ ăn mừng hoàn thành nhiệm vụ thuộc về đội thắng trong loạt đá luân lưu 11m. Về mặt này, người Anh cần học người Italia. Trong loạt đá 11m thắng Pháp ở chung kết World Cup 2006, tuyển thủ Italia nào sút thắng xong đều có hành động ăn mừng.

Lời khuyên dành riêng Joe Hart

Trong lúc tìm cách sút thắng đối phương như kiến nghị của Matt Le Tissier, người Anh rõ ràng không nhận ra vai trò quan trọng của thủ môn. Lời khuyên dành cho Joe Hart là thủ môn này hãy chọn áo đỏ dự VCK EURO 2016, dù màu vàng mà anh đang mặc ở ManCity cũng khá tốt. Đấy là do số thủ môn bị đánh bại trên chấm 11m mặc áo đỏ chỉ chiếm 54%, so với màu vàng 69%. Còn hai màu tệ nhất? Đó là xanh dương 72% và xanh lá cây 75%.

Số thủ môn bị đánh bại trên chấm 11m mặc áo đỏ chỉ chiếm 54%, so với màu vàng 69%.

Số thủ môn bị đánh bại trên chấm 11m mặc áo đỏ chỉ chiếm 54%, so với màu vàng 69%.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng: Đâu là chiến thuật tốt nhất cho thủ môn bắt 11m? Nghiên cứu khuyên Joe Hart tốt nhất là… đứng yên. Vì trong 999 quả phạt đền ở Bundesliga, có đến 15% được cầu thủ sút thẳng vào giữa khung thành. Nhưng khi quan sát 286 quả 11m thuộc những giải VĐQG nổi tiếng thế giới, các chuyên gia thống kê cho biết chỉ có 2% tình huống thủ môn đứng yên ở giữa khung thành. Khác biệt ấy cho thấy chỉ cần đứng yên, khả năng Joe Hart cản được phạt đền hứa hẹn tăng ít nhất gấp đôi.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm