ĐT Xứ Wales đi lên từ quá khứ hào hùng và đau thương

thứ sáu 1-7-2016 21:36:40 +07:00 0 bình luận
Trước mỗi trận của xứ Wales tại EURO 2016, HLV Chris Coleman lại kể cho các học trò nghe về chiến tích tại World Cup 1958 và bi kịch của cố HLV Gary Speed.

Trước mỗi trận đấu của đội tuyển xứ Wales tại EURO 2016, HLV Chris Coleman lại kể cho các học trò nghe về chiến tích vào đến tứ kết World Cup 1958 và bi kịch của cố HLV Gary Speed.

Hào quang quá khứ

Xứ Wales không phải là một nền bóng đá mạnh trên bản đồ bóng đá thế giới. Trước giải đấu năm nay trên đất Pháp, họ chưa từng vượt qua vòng loại EURO và cũng chỉ có một lần được tham dự World Cup nhờ một chút may mắn.

Cụ thể, dù chỉ xếp thứ 2 tại bảng đấu của mình ở vòng loại World Cup khu vực châu Âu sau Tiệp Khắc, nhưng xứ Wales vẫn giành được quyền đá trận play-off với Israel. Sở dĩ có chuyện như vậy bởi Israel đã vượt qua vòng loại World Cup khu vực châu Á mà không phải đá một trận nào với các đối thủ cùng bảng là Thổ Nhĩ Kỳ, Sudan và Ai Cập.

Cả 3 đội bóng trên đều từ chối thi đấu với Israel vì lý do chính trị. Nhưng FIFA lại không đồng ý để một đội bóng không phải đấu trận nào ở vòng loại mà vẫn được dự vòng chung kết World Cup.

ĐT Xứ Wales đi lên từ quá khứ hào hùng và đau thương

Đội hình xứ Wales lọt vào tứ kết World Cup 1958

Chính vì thế, đội bóng xếp thứ 2 có thành tích tốt nhất ở vòng loại khu vực châu Âu khi đó là Bỉ được FIFA chỉ định để thi đấu với Israel. Nhưng rốt cuộc thì các cầu thủ Bỉ lại nhường "vinh dự" này lại cho xứ Wales.

Và HLV Jimmy Murphy cùng các học trò đã không bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này để đánh bại Israel với tỷ số 2-0 trong cả 2 lượt trận để giành tấm vé vớt tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh ở Thụy Điển.

May mắn tiếp tục mỉm cười với đội tuyển xứ Wales tại vòng chung kết World Cup 1958 khi họ rơi vào một bảng đấu không quá mạnh. Ngoại trừ đội chủ nhà Thụy Điển được đánh giá cao hơn hẳn, cả Hungary lẫn Mexico đều là những đối thủ vừa tầm với xứ Wales.

Trong đó, Hungary tham dự giải đấu năm đó với tư cách đương kim Á quân, nhưng thực tế thì đội bóng này đã không còn mạnh như khi họ băng băng tiến vào trận chung kết 4 năm trước đó.

Cuộc cách mạng ở Hungary vào năm 1956 đã khiến đội tuyển nước này mất đi những cầu thủ quan trọng nhất của họ là Sandor Kocsis và Ferenc Puskas.

Hungary chỉ có điểm số ngang bằng với xứ Wales sau khi kết thúc 3 trận đấu tại vòng bảng. Hai đội bất phân thắng bại trong lượt trận đầu tiên, trước khi Hungary thua Thụy Điển, thắng Mexico, còn xứ Wales hòa cả 2 trận còn lại.

Kết quả này buộc hai đội phải bước vào đấu play-off do khi đó FIFA chưa xét đến hiệu số bàn thắng. Nếu tính đến chỉ số này, Hungary nghiễm nhiên là đội đi tiếp với hiệu số +3 so với hiệu số 0 của xứ Wales.

Nhưng dù có may mắn đến thế nào thì xứ Wales vẫn cần phải dựa vào thực lực của mình để giành quyền đi tiếp và họ đã làm được. Trong trận tái đấu với Hungary, các học trò của HLV Jimmy Murphy một lần nữa  thực hiện một màn lội ngược dòng ngoạn mục để hiên ngang tiến vào tứ kết.

Cụ thể, hai bàn thắng của Ivor Allchurch và Terry Medwin trong hiệp hai đã giúp xứ Wales thắng ngược sau khi bị dẫn bởi pha lập công của Tichy trong hiệp một.

Ở trận đấu trước đó, Hungary cũng sớm vươn lên dẫn trước ngay từ phút thứ 5 nhờ bàn thắng của Bozsik. Nhưng ngôi sao lớn nhất của đội tuyển xứ Wales vào thời điểm ấy cựu danh thủ Juventus John Charles đã kịp thời tỏa sáng để giật lại 1 điểm cho đội nhà.

ĐT Xứ Wales đi lên từ quá khứ hào hùng và đau thương

John Charles (bên phải) đã ghi bàn giúp xứ Wales cầm chân Hungary ở vòng bảng World Cup 1958

Sau đó, xứ Wales cũng chỉ chịu dừng bước trước đội bóng sau đó đã lên ngôi vô địch là Brazil. Và cầu thủ ghi bàn không ai khác chính là Pele. Ông vua mới của làng bóng đá đã có một pha tâng bóng cực kỳ tinh tế để loại bỏ một hậu vệ xứ Wales trước khi tung ra cú dứt điểm gọn ghẽ vào góc xa để ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu.

Thất bại này khiến John Charles và đồng đội đành ngậm ngùi dừng chân tại tứ kết World Cup 1958. Nhưng chiến công này vẫn là niềm tự hào của người dân xứ Wales trong suốt 58 năm qua.


Mã nhúng

Link ảnh đại diện

Đó là khoảng thời gian mà bóng đá xứ Wales không thể giành quyền tham dự một giải đấu lớn nào nữa, dù vẫn sản sinh ra nhiều cầu thủ xuất sắc như John Toshack, Joey Jones, Mark Hughes, Neville Southall, Kevin Ratcliffe, Ian Rush, Ryan Giggs hay thậm chí là cố HLV Gary Speed.

Bây giờ, khi đứng trước một ngưỡng cửa lịch sử là vòng bán kết EURO 2016, HLV Chris Coleman hy vọng chiến tích hào hùng của các đàn anh trong quá khứ có thể tiếp thêm sức mạnh Gareth Bale và đồng đội.

Chẳng thế mà ông lại kể đi kể lại câu chuyện của đội tuyển xứ Wales tại World Cup 1958 từ những trận đấu ở vòng loại cho đến các trận đấu tại vòng chung kết. Thậm chí, một thành viên của thế hệ vàng năm xưa là Cliff Jones cũng được mời đến kể chuyện cho các hậu bối để truyền cho họ niềm tự hào và những kinh nghiệm quý báu.

"Chưa ai trong số chúng tôi được nếm trải cảm giác thi đấu tại World Cup, nhưng tôi chắc chắn rằng những chia sẻ của Jones có nghĩa rất lớn với toàn đội", HLV Coleman chia sẻ, "Chúng tôi đang gặp áp lực lớn, nhưng đây là một áp lực tuyệt vời".

Di sản của Gary Speed

HLV Chris Coleman là người hùng trong chiến tích lọt vào tứ kết EURO 2016 của đội tuyển xứ Wales ngay trong lần đầu tham dự giải. Nhưng sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến vai trò của cố HLV Gary Speed.

Trước khi ra đi vĩnh viễn vào tháng 11/2011, Gary Speed đã tạo ra một sự chuyển biến đáng kể ở đội tuyển xứ Wales. Trong thời gian Speed dẫn dắt đội bóng, xứ Wales nhảy vọt từ vị trí thứ 117 lên vị trí thứ 45 trên bảng xếp hạng FIFA, sự tăng tiến mà không một đội bóng nào khác trên thế giới đạt được trong năm 2011.

Không những thế, Gary Speed còn có công giới thiệu một lứa cầu thủ tài năng cho đội tuyển quốc gia như Aaron Ramsey, Gareth Bale, Joe Allen,... những cầu thủ đang là bộ khung cho thành công của đội tuyển xứ Wales tại EURO 2016.

ĐT Xứ Wales đi lên từ quá khứ hào hùng và đau thương

Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi chính ông Coleman cùng các cầu thủ Ramsey, Bale và Taylor cũng đã lên tiếng thừa nhận ảnh hưởng của Gary Speed đối với thành công hiện tại của đội tuyển xứ Wales.

"Gary là người quyết định áp dụng khoa học thể thao từ câu lạc bộ lên đội tuyển xứ Wales để các cầu thủ được cảm thấy thoải mái với những tiêu chuẩn quen thuộc tại câu lạc bộ", HLV Chris Coleman hé lộ trên tờ Daily Post.

Mặt khác, ông Coleman cũng không quên lấy câu chuyện của người bạn thân Speed để làm động lực cho chính mình và các cầu thủ. Nói như Coleman thì ông và các học trò quyết tâm giành được vinh quang tại EURO 2016 để hoàn thành ước nguyện còn dang dở của Gary Speed. Đây cũng là cách tốt nhất để tri ân những đóng góp của Speed cho nền bóng đá nước nhà.

Cựu danh thủ xứ Wales Ian Rush cho rằng, đội tuyển của ông thành công nhờ xây dựng được sợi dây liên kết giữa các cầu thủ ngay từ khi còn trẻ. Ví như Aaron Ramsey, Wayne Hennessey, Joe Ledley và Chris Gunter đã thi đấu cùng nhau từ đội trẻ xứ Wales đến ĐTQG. Điều này rất có lợi trong việc xây dựng lối chơi của đội bóng.

"Hơn 4 năm qua, chúng tôi đã tạo ra được một hế thống mà mọi cầu thủ đều có thể được "lắp" vào và biết được mình cần phải làm những gì. Không ai bị ép buộc phải thực hiện những công việc xa lạ với họ. Bởi vậy, khi được tung vào sân, các cầu thủ đều biết chính xác nhiệm vụ của mình. Sự liên kết giữa các cầu thủ trên sân và người mới vào vẫn như cũ, không có gì thay đổi. Điều này giúp chúng tôi phát huy thế mạnh của mỗi cầu thủ".

"Mặt khác, các cầu thủ cũng không trách móc nhau khi thất bại. Thay vào đó là sự quyết tâm để chơi tốt hơn ở những trận kế tiếp. Bằng chứng là ngay sau trận thua đội tuyển Anh, chúng tôi đã trở lại với một chiến thắng ấn tượng trước Nga".

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm