Sau trận thắng lịch sử của Iceland trước ĐT Anh, HLV Lars Lagerback đã nói lời cảm ơn người đồng nghiệp Roy Hodgson bên phía đối diện và thừa nhận thành công của ông với Iceland có "công" không nhỏ của nhà cầm quân người Anh.
"Tôi có được ngày hôm nay một phần cũng là nhờ Roy Hodgson. Ông ấy đã thay đổi phong cách huấn luyện tại Thụy Điển và tôi phải cảm ơn ông ấy vì điều này. Tôi dành rất nhiều sự tôn trọng cho ông ấy" - HLV Lars Lagerback đã nói như vậy sau khoảnh khắc ông giúp đội tuyển Iceland tạo nên lịch sử khi vượt qua đội tuyển Anh tại vòng 1/8 EURO 2016.
Cuộc cách mạng của Roy Hodgson tại Thụy Điển
Lars Lagerback biết Roy Hodgson từ thập niên 1970, thời điểm cựu HLV trưởng đội tuyển Anh cùng người bạn thân Bob Houghton sang Thụy Điển tạo dựng sự nghiệp cầm quân và mang một làn gió mới đến cho nền bóng đá nước này.
Thật vậy, một trong những đóng góp tiêu biểu của hai chiến lược gia người Anh là việc giới thiệu sơ đồ chiến thuật 4-4-2 vốn rất phổ biến tại xứ sở sương mù, nhưng hãy còn mới mẻ với nền bóng đá Thụy Điển khi đó vẫn còn chịu ảnh hưởng rất lớn của bóng đá Đức.
Cụ thể, các đội bóng Thụy Điển thời điểm ấy vẫn thích sử dụng một hậu vệ quét trong sơ đồ 3 hoặc 5 hậu vệ, một cầu thủ đánh chặn cùng một tiền đạo cắm không bao giờ tham gia phòng ngự.
Mọi chuyện đã thay đổi khi Roy Hodgson và Bob Houghton mang đặc sản của bóng đá Anh đến Thụy Điển. Thay vì phòng ngự theo kiểu một kèm một, 4 hậu vệ được yêu cầu chuyển sang phòng ngự khu vực, sử dụng lối chơi áp sát nhanh và duy trì một hàng hậu vệ dâng cao để bẫy việt vị, hoặc nhanh chóng đoạt lại bóng từ chân tiền đạo đối phương.
Không những thế, các đội bóng Thụy Điển dưới sự dẫn dắt của Roy Hodgson còn ưu tiên phong cách tấn công đậm chất Anh, sử dụng những đường bóng dài qua hàng hậu vệ đối phương để các tiền đạo băng xuống phá bẫy việt vị và ghi bàn.
Những thay đổi của Hodgson và Houghton lập tức phát huy hiệu quả. Ngay trong năm đầu tiên dẫn dắt Malmo FF (1974), Houghton đã giúp đội bóng cũ của Zlatan Ibrahimovic vô địch giải quốc nội. 5 năm sau, Malmo FF trở thành đội bóng Thụy Điển đầu tiên và duy nhất tính cho đến thời điểm hiện tại lọt vào một trận chung kết Cúp C1 châu Âu (thua Nottingham Forest).
Roy Hodgson thậm chí còn gây ấn tượng mạnh hơn nữa khi tạo ra một câu chuyện cổ tích chẳng khác gì Leicester ở Premier League mùa giải năm nay. Không ai ngờ được rằng một đội bóng mới năm ngoái còn phải chật vật trụ hạng nhờ hơn về hiệu số bàn thắng bại như Halmstads BK lại có thể đoạt chức vô địch Thụy Điển lần đầu tiên trong lịch sử ngay ở mùa giải sau (1976).
Dĩ nhiên, chiến công này có đóng góp rất lớn của HLV Roy Hodgson, người chỉ mới ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng của đội bóng được vài tháng.
Nhận xét về tầm ảnh hưởng của Roy Hodgson với bóng đá Thụy Điển, Bengt Sjoholm, tiền vệ của Halmstads BK vô địch quốc gia năm 1979 cho biết: "Roy đã tạo ra một cuộc cách mạng bóng đá tại Thụy Điển. Tôi không tin rằng chúng tôi có thể lọt đến bán kết World Cup 1994 mà không có những triết lý bóng đá của ông ấy. Roy đã dạy dỗ rất nhiều cầu thủ trong đội như Martin Dahlin, Jonas Thern, ... Thậm chí, cả Freddie Ljungberg chưa bao giờ được làm việc với Roy, nhưng vẫn học được rất nhiều từ phong cách huấn luyện của ông".
Trước khi cùng nhau sang Thụy Điển lập nghiệp, Bob Houghton và Roy Hodgson từng có khoảng thời gian dài làm việc cùng nhau ở Maidstone, Stranraer và Bristol City ở quê nhà.
Thành công của hai chiến lược gia người Anh đã gây ra những cuộc tranh cãi lớn trong làng bóng đá Thụy Điển vào thời điểm ấy. Nhiều ý kiến cho rằng, bóng đá của Hodgson và Houghton quá đặt nặng vấn đề phòng thủ, kỷ luật và phụ thuộc rất nhiều vào những đường bóng dài. Đó là những người ủng hộ Lars "Laban" Arneson với triết lý bóng đá tấn công trong sơ đồ chiến thuật 4-3-3.
Khôi hài ở chỗ, không ai ngờ rằng 30 năm sau thì Liên đoàn bóng đá Anh lại quyết định bổ nhiệm một HLV người Thụy Điển bị ảnh hưởng nặng nề bởi triết lý bóng đá của Houghton và Hodgson ngồi vào chiếc ghế nóng của đội tuyển Anh. Người này không ai chính là Sven-Goran Eriksson, chiến lược gia đã góp phần khẳng định tính đúng đắn trong triết lý bóng đá của Roy Hodgson và Bob Houghton bằng cách đưa đội bóng vô danh IFK Gothenburg vô địch UEFA Cup ở mùa giải 1981/82.
Đây cũng chính là bệ phóng giúp ông Eriksson gia nhập Benfica ngay cuối mùa giải năm đó, trước khi chinh phục vô số danh hiệu với các đội bóng hàng đầu Italia là Roma, Fiorentina, Sampdoria, Lazio để có được một bản CV đẹp đủ sức thuyết phục những người đứng đầu Liên đoàn bóng đá Anh.
Như vậy, có thể nói rằng triết lý bóng đá của Roy Hodgson đã sớm được vận dụng tại đội tuyển Anh từ hơn 10 năm trước khi ông nhậm chức HLV trưởng của "Tam Sư" vào năm 2012.
Lagerback học người Anh để đánh bại người Anh
HLV Lars Lagerback thì không có vinh dự được dẫn dắt nhiều đội bóng lớn như người đồng hương Sven-Goran Eriksson. Nhưng Lagerback cũng giống Eriksson ở chỗ bị ảnh hưởng nặng nề bởi triết lý bóng đá của Bob Houghton và Roy Hodgson.
Minh chứng là các đội bóng mà ông dẫn dắt đều có lối chơi đậm chất Anh, từ những câu lạc bộ nhỏ như Arbra BK, Kilafors IF, Hudiksvalls ABK cho đến các đội tuyển quốc gia Thụy Điển, Nigeria và bây giờ là Iceland. Thậm chí, ngay cả khi HLV Roy Hodgson đã chuyển sang sử dụng các sơ đồ 4-2-3-1, 4-3-3 hay 4-3-2-1, thì Lars Lagerback vẫn luôn trung thành với 4-4-2.
"Tôi đã rất may mắn khi tham gia lấy bằng huấn luyện viên gần như cùng lúc Bob và Roy đến Thụy Điển. Không những thế, tôi còn được học cùng lớp với một cầu thủ đẳng cấp của Malmo là Roland Andersson. Nhờ vậy mà tôi có thể dễ dàng lấy được chứng chỉ của Liên đoàn bóng đá Thụy Điển", Lars Lagerback chia sẻ với tờ Telegraph.
"Họ đã giới thiệu một cách chơi bóng hoàn toàn mới. Trước đó, các đội bóng Thụy Điển bị ảnh hưởng rất nhiều của các đội bóng Đức với lối chơi 1 kèm 1. Nhưng họ (Roy Hodgson và Houghton) đã đến với lối chơi phòng ngự khu vực và một phương pháp tấn công mới. Đó là một điều gì đó hết sức độc đáo. Họ đã đến để dạy chúng tôi phải làm như thế nào để chơi bóng đá một cách hiệu quả".
Đáng nói ở chỗ, đội tuyển Anh vừa phải đón nhận thất bại muối mặt trước Iceland tại vòng 1/8 EURO 2016 khi Roy Hodgson sử dụng sơ đồ 4-3-3 từng bị chính ông "tẩy chay" trong những năm đầu của sự nghiệp huấn luyện. Ngược lại, Lars Lagerback vẫn quyết định trung thành với triết lý bóng đá của Roy Hodgson khi giữ nguyên đội hình 4-4-2 cho các cầu thủ Iceland.
Kết quả là dù sớm có bàn thắng vươn lên dẫn trước, nhưng Anh lại bị thua ngược và không thể xuyên thủng hàng phòng ngự có tổ chức của đối phương.
Nói về triết lý bóng đá của Lars Lagerback, học trò cũ của ông tại đội tuyển Thụy Điển là Niclas Alexandersson cho biết: "Về cơ bản, đội tuyển Thụy Điển ngày trước và đội tuyển Iceland hiện tại có rất nhiều điểm tương đồng, đặc biệt là ở hệ thống phòng ngự".
"Ở đội tuyển Thụy Điển, phòng ngự không chỉ là nhiệm vụ của toàn đội chứ không riêng gì bộ tứ hậu vệ. Chúng tôi biết chính xác những gì mình sẽ phải là. Lagerback rất quan tâm đến sự cân bằng trong đội hình. Ví dụ, nếu như ông ấy đã xếp Fredrik Ljungberg đá bên cánh trái thì kiểu gì tôi cũng được bố trí chơi bên cánh phải để mang lại sự cân bằng cho hàng tiền vệ".
"Toàn đội sẽ phải học cách phòng ngự để bảo vệ thành quả chung thay vì đổ hết trách nhiệm cho 4 hậu vệ. Những tiền vệ như tôi và thậm chí là cả các tiền đạo cũng phải tham gia phòng ngự. Đó là triết lý huấn luyện của Lars Lagerback".