Đình Trọng trở lại đội hình xuất phát giúp Văn Hậu được giải phóng khỏi vị trí trung vệ lệch trái để trở về thi đấu trong vai trò một cầu thủ chạy cánh (wing-back) quen thuộc, trong sơ đồ chiến thuật của thầy Park. Nhờ đó cánh trái của U23 trở nên vô cùng lợi hại với sự góp mặt của hai cầu thủ trẻ tài năng bậc nhất của bóng đá khu vực là Quang Hải và Văn Hậu.
Chính hai tuyển thủ Quốc gia này giúp cho cánh trái của U23 Việt Nam trở thành hướng tấn công chủ đạo. Cả 4 bàn thắng mà chúng ta “nã” vào lưới người Thái đều xuất phát ở hành lang này. Bàn đầu xuất phát từ pha chọc khe đẳng cấp không khác gì một tiền vệ kiến tạo hàng đầu của Văn Hậu cho Đức Chinh lập công. Sau đó là pha độc diễn ở chính hành lang cánh này của Quang Hải, trước khi có đường chuyền vào trong ở tư thế không cần nhìn để Hoàng Đức “volley” nhân đôi cách biệt.
Thành Chung nâng tỉ số lên 3-0 cũng xuất phát từ một tình huống đá phạt ở cánh trái của Thái Quý. Và bàn thắng ấn định tỷ số đồng thời sát lập kỷ lục trước đối thủ là một pha bóng mà có lẽ sẽ hằn in trong tâm trí của nhiều người Thái.
Bởi trong pha bóng đó, Quang Hải đã dùng chính kỹ thuật đã đưa Thái Lan trở thành một thế lực hùng mạnh ở môn cầu mây và không ít lần xưng Vương trên thế giới nhờ những cú đá mang thương hiệu “Sepak Takraw”.
Nhận đường chuyền của Văn Hậu, đương kim QBV Việt Nam có nhịp đầu tiên chạm bóng tinh tế để bóng bay lên và sau đó là cú móc bóng trên không trung, như kỹ thuật ghi điểm đẹp mắt mà các VĐV cầu mây hàng đầu, đặc biệt là đến từ Thái Lan vẫn hay sử dụng một cách thuần thuật.
Một pha bóng có thừa sự ngẫu hững và tự tin về kỹ thuật cá nhân, cùng khả năng cảm quan về vị trí của các đồng đội trên sân tuyệt vời của tiền vệ số 19. Thanh Thịnh băng xuống đón đường chuyền đẳng cấp ấy và được đặt vào một vị trí hết sức thuận lợi trước khi có pha dốc bóng và trả về tuyến hai chính xác, để một cầu thủ cũng được vào sân từ băng ghế dự bị là Thanh Sơn tung đặt lòng hiểm hóc ở gốc cao không cho thủ thành của U23 Thái Lan một cơ hội nào để cản phá.
Có thể nói, không gì chua chát hơn cho những người hâm mộ bóng đá “Xứ chùa Vàng” khi phải nhận thất bại đậm nhất trong lịch sử trước BĐVN, ở một trận cầu mà tưởng chừng như họ mới là người chiếm nhiều lợi thế. Một trận thua mà thầy trò ông Alexandre liên tục dính đòn “gậy ông đập lưng” khi miếng đánh biên sở trường của họ lại chính là thứ vũ khí hữu hiệu mà ông Park Hang-seo trang bị cho các cầu thủ Việt Nam.
Và còn thêm phần chua chát thay khi kỹ thuật trong môn thể thao có lịch sử hơn 500 năm mà Thái Lan chính là quốc gia sản sinh cũng như thống trị bây lâu nay, lại bị chính một cầu thủ Việt Nam sử dụng một cách điêu luyện và đầy nghệ thuật.
Có thể nói, sau khi liên tiếp thất bại trong các cuộc so kè về thành tích với BĐVN trong hơn một năm trở lại. Trận thua bẽ bàng trong cuộc đối đầu trực tiếp của người Thái hôm qua thêm một lần nữa khẳng định cho vị thế của nền túc cầu, giữa hai quốc gia ở thời điểm hiện tại.
Chứng kiến màn trình diễn thượng hạng của Quang Hải và các đồng đội, không có lý do gì để không dẹp bỏ hai tiếng “sợ hãi” khi đối thủ là Thái Lan như trước đây. Đã đến lúc BĐVN tự tin để đặt “tấm bia” xa hơn cái đích đến mang tên Thái Lan, suốt mấy thập kỷ qua. Bởi muốn trở thành xạ thủ giỏi, chinh phục được những mục tiêu lớn lao, thì tấm bia phải đủ xa mà tiếp tục nỗ lực luyện tập và phấn đấu, như Hàn Quốc hay Nhật Bản chẳng hạn,…