Hành trình cùng UFC trở thành vị vua trong làng võ tổng hợp.
Nhắc đến UFC, người ta có thể nhắc tới những siêu sao như Conor McGregor, Khabib Nurmagomedov, Anderson Silva, Jon Jones, Brock Lesnar hay GSP … những võ sĩ đã làm nên tên tuổi của giải đấu trong thời kì hoàng kim của họ. Tuy nhiên, công bằng mà nói, tất cả có lẽ sẽ không thành công đến vậy nếu không có sự gắn bó của chủ tịch Dana White với giải đấu lớn nhất hành tinh.
Sơ qua về giá trị của UFC, khi được anh em nhà Fertitta – những người bạn thân của Dana White mua lại năm 2001, công ty này chỉ được định giá vỏn vẹn 2 triệu đô. Khi được đưa lên làm chủ tịch điều hành giải đấu bởi sự tin tưởng của 2 người bạn, Dana White đã vạch ra một kế hoạch phát triển dài hơi cho thương hiệu này cũng như hình ảnh của môn võ tổng hợp MMA.
Từ việc kí kết hợp đồng phát sóng với nền tảng truyền hình Spike TV, năm 2005, show thực tế cho các tài năng của UFC – “The Ultimate Fighter” được thành lập và tạo nên làn sóng thu hút sự chú ý của khán giả Mỹ. “The Ultimate Fighter” không chỉ là nơi tìm kiếm những tài năng, mà sau này là những nhà vô địch của UFC, show truyền hình này còn đưa khán giả có một cái nhìn toàn diện và biến họ thành những khán giả trung thành của UFC.
Hai năm sau, 2007, UFC sát nhập thành công thương hiệu PRIDE FC đình đám tại Nhật Bản, chỉ một năm sau đó, giải MMA của các võ sĩ hạng nhẹ WEC cũng bị UFC thâu tóm. Cho thấy khả năng hoạt động hiệu quả của mình, năm 2011, UFC dưới quyền Dana White tiếp tục nuốt gọn giải đấu Strikeforce – hoàn thành quá trình đưa những võ sĩ MMA hàng đầu thế giới về chung một mối, đưa UFC chính thức trở thành giải MMA lớn nhất hành tinh mà tới nay vẫn chưa có đối thủ.
Tới khi anh em nhà Fertita, hay chính xác hơn là tập đoàn chủ quản Zuffa quyết định rao bán UFC cho WME-IMG, thương hiệu này đã đạt giá trị hơn 4 tỷ đô, và việc nắm giữ 9% giá trị công ty cùng mức lương 20 triệu đô/năm trong thời điểm đó đã đưa Dana White trở thành doanh nhân số 1 trong làng võ tổng hợp.
Những con số biết nói
Dù không phô trương trước ống kính truyền thông như Conor McGregor hay Floyd Mayweather Jr, nhưng Dana White cũng có những ‘thú vui’ tao nhã và thể hiện một phần sự giàu có của bản thân.
Năm 2006, Dana White đã mua lại một mảnh đất từ người bạn Frank Fertita – khi đó vẫn là chủ quản của UFC với giá 1,95 triệu đô la. Năm 2017, CEO của UFC đã tậu tổng cộng 3 căn biệt thự liền kề ở Las Vegas với tổng giá trị 6,2 triệu đô la.
Không chỉ sở hữu lượng bất động sản đáng kể, Dana còn một thú chơi khác là những chiếc xe thể thao. Trong gara của nhà White thường có sự hiện hữu của những dòng siêu xe đình đám như Ferrari Italia 458 Spider, Ferrari F430 Spider, một chiếc Chevrolet Camaro 1969, xe cơ bắp Plymouth Barracuda 440 1971, Range Rover Sport, Bentley Continental GT, BMW 7 Series ... cùng với đó là hàng loạt mẫu mô-tô như MV Augusta F4-1000S, Ducati 999R 2005 UFC Edition, Ducati Monster, Honda CBR1000 cùng dàn xe Harley-Davidson.
Đam mê xe cộ, Dana White còn truyền cảm hứng đó cho con trai mình khi xây hẳn một trường đua mini ngay tại nhà để vui chơi cùng con và bạn bè mỗi khi rảnh rỗi. Hiện tại, White đang có 3 người con là Dana Jr, Aidan White và Savannah White – tất cả đều hiếm khi xuất hiện trên truyền thông. Tuy nhiên, năm 2018, vị CEO lừng danh đã chi tới hơn 1 triệu đô cho tiệc sinh nhật 16 tuổi của cậu con trai út Aidan White – bữa tiệc đã thu hút sự chú ý khi White đăng tải một đoạn clip ngắn trên trang cá nhân của mình.
Dù thường xuyên ‘nhường sân khấu’ cho những ngôi sao của mình, nhưng Dana White rõ ràng là một ngôi sao ẩn mình sau những thành công của UFC cùng các nhà vô địch. Gắn bó với giải đấu gần như cả sự nghiệp, hành trình của Dana White với UFC chắc chắn sẽ còn đem lại những con số đáng kinh ngạc trong tương lai của vị CEO sinh năm 1969 này.