5 vấn đề khiến tính chuyên nghiệp của V.League 2017 giảm sút

thứ hai 27-11-2017 21:08:08 +07:00 0 bình luận
11 tháng tranh tài đánh dấu một trong những mùa giải V.League kéo dài nhất lịch sử. 26 vòng đấu với những gam màu tươi sáng nhưng vẫn còn đó những khoảng đen.

11 tháng tranh tài đánh dấu một trong những mùa giải V.League kéo dài nhất lịch sử. 26 vòng đấu với những gam màu tươi sáng nhưng vẫn còn đó những khoảng đen không ai mong muốn.

1. “Bi kịch” tại sân Thống Nhất

Vòng 6, CLB TPHCM đánh bại Long An 5-2  tại SVĐ Thống Nhất nhưng không ai nhớ mấy đến tỷ số. Tất cả sự chú ý đổ dồn về những hành xử thiếu chuyên nghiệp của CLB từng hai lần vô địch V.League: Long An.

Phản đối quyết định thổi phạt đền thứ hai của trọng tài Nguyễn Trọng Thư, thủ môn Minh Nhựt quay lưng không bắt. Sau đó, cả đội Long An đứng im để đối phương ghi thêm hai bàn.

Toàn cảnh bê bối ở trận CLB TPHCM 5-2 Long An (Vòng 6).

Báo chí nước ngoài dĩ nhiên không thể bỏ qua hình ảnh này. Bóng đá Việt Nam xuất hiện trên các trang báo nước ngoài với một gam màu xấu xí, một sự xấu hổ. Còn BTC giải và Ban kỷ luật VFF đưa ra án phạt cấm tham gia các hoạt động bóng đá dành cho 4 cá nhân gồm Huỳnh Quang Thanh, thủ môn Nguyễn Minh Nhựt (2 năm), HLV Ngô Quang Sang và Chủ tịch Võ Thành Nhiệm (3 năm).

Những nỗ lực thay đổi hình ảnh bóng đá nội, kéo khán giả đến sân của VPF nhận ngay một gáo nước lạnh. Còn Long An, CLB từng là nhà vô địch rơi vào khủng hoảng và chính thức xuống hạng ở vòng 24, đánh dấu cột mốc chạm đáy hình sin trong lịch sử CLB.

2. Xung đột giữa trọng tài nội và các CLB  

Vòng 2, trọng tài Nguyễn Hiền Triết giơ bảng bù giờ hai lần trong trận Long An hòa B.Bình Dương 1-1. Vòng 3, tình huống Samson phạm lỗi nguy hiểm với Châu Ngọc Quang bị bỏ qua.

Đến vòng 11, trọng tài biên Phan Việt Thái công nhận bàn thắng trong tư thế việt vị của Ngọc Quang trong trận HAGL thắng Quảng Nam 1-0. Vòng sau, trọng tài chính Trần Xuân Nguyện cùng tổ trọng tài suýt chút nữa để trận HAGL 2-3 FLC Thanh Hóa tái hiện hình ảnh của Long An.

Trọng tài nội vẫn vấp phải sự phản ứng rất gay gắt từ các CLB sau mỗi quyết định gây tranh cãi. Ảnh: Văn Nhân.
Trọng tài nội vẫn vấp phải sự phản ứng rất gay gắt từ các CLB sau mỗi quyết định gây tranh cãi. Ảnh: Văn Nhân.

Giai đoạn cuối, HLV Lê Huỳnh Đức bức xúc với việc SHB Đà Nẵng phải nhận 2 thẻ đỏ còn Quảng Nam FC thì bình yên. Ông thốt ra lời nói: “Trọng tài Việt có mối quan hệ thành nhóm”.

Đó chỉ là vài sự cố nổi bật. Vấn đề đặt ra ở đây là các cầu thủ, HLV hay lãnh đạo đội bóng phản ứng rất mạnh với các quyết định của trọng tài nội. Mặc dù, nhiều tình huống sau đó được xác định là trọng tài quyết định chính xác. Trong khi đó, trọng tài ngoại được thuê bắt có những quyết định sai như cho FLC Thanh Hóa hưởng phạt đền trận đấu với Sanna Khánh Hòa BVN nhưng không phải nhận áp lực như các đồng nghiệp Việt Nam.

Xung đột giữa trọng tài nội và các CLB vẫn cần thêm những giải pháp trước khi trở thành vấn đề kéo tính chuyên nghiệp của V.League 2018 suy giảm.

3. Pháo sáng và CĐV Hải Phòng

Vòng 6, CĐV Hải Phòng để lại hình ảnh xấu xí khi liên tục lăng mạ, chửi bới tổ trọng tài và các thành viên Hà Nội FC. Họ cho rằng trọng tài Nguyễn Hiền Triết đã sai khi cho rằng Lê Văn Phú phạm lỗi với Quang Hải trong vòng cấm.

Đến thời gian họp báo, một nhóm CĐV đã tự ý mở cửa sổ và chửi vọng vào trong dù lúc đó HLV Trương Việt Hoàng đang trả lời các câu hỏi. Hải Phòng nhận án phạt đầu tiên là thi đấu trên sân không khán giả ở vòng 8.

Vòng 14, CĐV Hải Phòng liên tục ném pháo sáng xuống sân Mỹ Đình trong trận Hà Nội tiếp đón CLB Hải Phòng khiến trận đấu 1 lần phải tạm dừng. Án phạt sau đó là cấm các CĐV đất cảng được cổ vũ ở các trận đấu của CLB Hải Phòng trên sân khách.

Nhiều CĐV Hải Phòng gọi đó là phong cách, gọi đó là sự cuồng nhiệt nhưng sự thật có rất nhiều cách để cổ vũ sôi động mà không cần chửi bởi hay sử dụng đến pháo sáng.

CĐV Hải Phòng tự ý mở cửa phòng họp báo SVĐ Lạch Tray và chửi bới, lăng mạ. Ảnh: Hải Đăng.
CĐV Hải Phòng tự ý mở cửa phòng họp báo SVĐ Lạch Tray và chửi bới, lăng mạ. Ảnh: Hải Đăng.

4. Sự cố trợ lý HLV Hải Phòng hành hung Văn Lâm

V.League 2017, Hải Phòng là đương kim á quân nhưng trong một mùa giải đầu tư ít đi họ đã không còn có thể tiếp tục cuộc đua tranh chấp chức vô địch. Không những thế, những bê bối ở hậu trường khiến CLB Hải Phòng thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp.

Đầu tiên là việc tiền đạo Stevens làm loạn trước phòng chủ tịch Trần Mạnh Hùng để đòi bản hợp đồng đã ký kết với CLB. Kế đến là việc trợ lý HLV Lê Sỹ Mạnh hành hung thủ môn Đặng Văn Lâm vào đầu tháng 9.

Những sự việc hậu trường thiếu chuyên nghiệp khiến Hải Phòng mất điểm trong mắt nhiều người yêu thích bóng đá. Kết thúc mùa giải, Hải Phòng còn đối mặt với hàng loạt cuộc chia tay cầu thủ và có thể là HLV trưởng Trương Việt Hoàng báo hiệu trước một mùa giải tiếp tục đầy sóng gió vào năm sau.

Thủ môn Văn Lâm bị trợ lý Lê Sỹ Mạnh hành hung là sự cố đáng quên tại mùa giải 2017. Ảnh: Hải Đăng.
Thủ môn Văn Lâm bị trợ lý Lê Sỹ Mạnh hành hung là sự cố đáng quên tại mùa giải 2017. Ảnh: Hải Đăng.

5. Tính bạo lực vẫn tồn tại

Ngoài án phạt cho các cá nhân trong sự cố Long An, V.League 2017 chỉ chứng kiến hai án phạt nặng dành cho Omar (vòng 2) và Sầm Ngọc Đức (vòng 16). Cả hai đều bị cấm thi đấu 8 trận (Omar sau đó được giảm án phạt còn 6 trận - PV).

Omar nhận thẻ đỏ sau đó khiêu khích khán giả Sanna Khánh Hòa BVN, còn Ngọc Đức phạm lỗi nguy hiểm với hậu vệ Anh Hùng (Hải Phòng). Ngoài ra, pha phạm lỗi của Samson với Ngọc Quang cũng vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ dư luận.

Ngọc Đức phạm lỗi với Anh Hùng là pha bóng nguy hiểm nhất tại V.League 2017.

Tuy nhiên, kể từ sau pha vào bóng của Quế Ngọc Hải khiến Anh Khoa không thể tiếp tục nghiệp quần đùi áo số ở mùa 2015, V.League sự thật đã giảm thiểu được các pha phạm lỗi nguy hiểm. Số thẻ đỏ và thẻ vàng cũng đã có sự giảm thiểu so với các năm trước là dấu hiệu tích cực đối với tình trạng bạo lực ở V.League. 

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm