Trong một mớ bòng bong thông tin chuyển nhượng, Hoàng Vũ Samson là cái tên duy nhất được xác nhận sẽ chuyển từ Hà Nội FC tới Buriram United.
Chuyện người Thái mở rộng thêm một suất ngoại binh Đông Nam Á cho các CLB ở hai hạng đấu cao nhất nổi lên từ tháng 9/2016. Chính sách này giúp các CLB của Thái Lan có thêm 1 suất ngoại binh, nâng tổng số ngoại binh của CLB có thể sở hữu lên con số 7. Chính sách 3 + 1 + 1 tức mỗi CLB được phép sử dụng 3 ngoại binh ngoài châu Á, 1 ngoại binh châu Á và 1 ngoại binh Đông Nam Á trong một trận đấu trở thành tâm điểm.
Đến cuối năm 2017, làn sóng các cầu thủ Đông Nam Á đổ bộ lên đất Thái diễn ra. Tiền đạo tài năng của Myanmar, Aung Thu, chuyển tới Police Tero ngày 22/11 chính thức mở đầu cho sự kiện. Ngày 18/12, tiền vệ Zulfahmi Ariffin (Singapore) tới Chonburi FC, còn tiền đạo Kyaw Ko Ko (Myanmar) cập bến Chiangrai United.
Ngày 20/12, cầu thủ chạy cánh người Indonesia, Terens Puhuri, chuyển tới Port FC từ Borneo FC, rồi Hikaru Minesighi (Philippines) đến Pattaya United. Trước đó, thủ thành Izwan Mahbud (Singapore) chấp nhận giảm lương để được chuyển từ Tampines Rovers đến Nongbua Pitchaya ở Thai League 2.
Tất cả cho thấy chính sách tăng thêm một suất ngoại binh Đông Nam Á của Thái Lan đã được sử dụng và có thật. Những thương vụ ấy cũng nói lên câu chuyện này liên quan tới nhiều nền bóng đá tại Đông Nam Á. Ở Việt Nam, mọi thứ còn sôi động hơn và được nói đến nhiều hơn cả những thương vụ chuyển nhượng trong nước. Tất cả bắt nguồn từ thông tin “một cầu thủ họ Nguyễn”.
Ngay sau ngày Aung Thu tới Police Tero, trang Thsport.com loan tin ĐKVĐ Toyota Thai Leaugue 1, Buriram United, đã được thỏa thuận với một cầu thủ Việt Nam, anh ta có họ Nguyễn. Một họ phổ biến nhất ở Việt Nam nhưng soi chiếu trong thước đo về độ nổi tiếng, Nguyễn Văn Quyết và Nguyễn Công Phượng đồng loạt được nhắc tên.
Fox Sports Asia tiếp nối câu chuyện đó bằng việc khẳng định cầu thủ ấy là tiền đạo Nguyễn Văn Quyết của Hà Nội FC, bởi lẽ chỉ có Quyết đáp ứng tiêu chí liên quan đến số lần khoác áo đội tuyển quốc gia Việt Nam (tối thiểu 20 trận – PV). Với bóng đá Đông Nam Á, việc cầu thủ thi đấu cho đội tuyển quốc gia là cách dễ nhất để biết trình độ của cầu thủ ấy và đi kèm với nó đa phần là sự nổi tiếng.
Tiếp đó, U23 Việt Nam sang Thái Lan thi đấu Giải giao hữu M150. Một giải đấu nhằm chuẩn bị cho VCK U23 châu Á 2018 nhưng thông tin liên quan đến tương lai Công Phượng, Xuân Trường và cả Quang Hải nữa cũng trở thành đề tài nóng hổi.
Xuân Trường nói chưa có CLB nào tại Thai League từng liên hệ với anh, Công Phượng thì không ngại ngần bày tỏ mong muốn tới Thái Lan chơi bóng. Gần đây nhất, một tờ báo đưa tin Công Phượng được CLB Thái Lan định giá 70 tỷ đồng, cao gấp 100 lần so với giá trị mà trang thống kê có tiếng Transfer Market cập nhật trên website.
Khi những tiêu chí dành cho một ngoại binh Đông Nam Á đủ điều kiện thi đấu tại League vẫn chưa được thống nhất về thông tin, khi một cầu thủ Việt được thổi phồng giá trị quá mức tạo nên một bong bóng thông tin mong manh nhưng đầy sức lôi cuốn và kích thích sự tò mò. Bên cạnh những câu chuyện về sự chuẩn bị của đội tuyển U23 Việt Nam, những tổng kết trong một năm qua, tháng 12 năm 2017 với bóng đá Việt Nam còn gắn chặt với câu chuyện chuyển nhượng của Thai League.
Cuối cùng, Hoàng Vũ Samson mới là cái tên đầu tiên từ một CLB Việt Nam chuẩn cập bến một đội bóng tại Thái Lan nhưng cụm từ “chuyển nhượng Thai League” cũng dần trở nên quen thuộc trên đất Việt.
Một tài khoản trên diễn đàn Otofun chia sẻ thông tin cho thuê nhà, lý do đưa ra là vừa hết hợp đồng với Hoàng Vũ Samson. Hội CĐV Contras Hà Nội FC cũng chia sẻ hình ảnh chụp lại tin nhắn giữa một thành viên với Hoàng Vũ Samson với mong muốn anh ở lại đội bóng Thủ đô nhưng tiền đạo 29 tuổi đã nói lời xin lỗi.
Hai ví dụ trên ít ỏi về số lượng nhưng cũng là đủ để khẳng định những người điều hành Thai League đã phần nào đạt được mục tiêu “chèn ý tưởng hoặc sản phẩm của mình vào các câu chuyện của mọi người bằng cách làm nó trở nên đáng chú ý” như Jonah Berger đề cập đến trong cuốn “Hiệu ứng lan truyền”.
Bóng đá Việt Nam “mắc bẫy” người Thái? Không đúng. Chúng ta đang tự “gài bẫy” chính mình? Càng không chính xác.
Chính sách chuyển nhượng cầu thủ Đông Nam Á gắn liền với cái tên Benjamin Tan, một người Singapore sang Thái Lan làm Phó Tổng giám đốc điều hành công ty Thai League từ giữa năm 2016, trùng với thời điểm chính sách trên được thông qua.
Trong bài phỏng vấn của Zing.vn, Benjamin Tan trả lời một đoạn rất đáng chú ý: “Cá nhân tôi vẫn mong muốn những cầu thủ như Lê Công Vinh, Nguyễn Công Phượng chơi bóng tại Thái Lan, làm giải đấu thêm phần thú vị và hấp dẫn. Họ là những cầu thủ hàng đầu ASEAN và cần có cơ hội thi đấu tại giải hay nhất khu vực”.
Thứ nhất, câu trả lời này khẳng định Giải VĐQG Thái Lan là giải đấu hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Thứ hai, hai cái tên mà Benjamin Tan nhắc đến là hai trong ba cầu thủ được nhắc đến nhiều nhất của bóng đá Việt Nam những năm qua (người còn lại là Xuân Trường – PV). Sức mạnh thương hiệu từ những cái tên này là quá đủ để đưa Thai League đến gần hơn với Việt Nam.
Không ai “mắc bẫy” ai trong chuyện này. Chính sách chuyển nhượng tại Thai League chỉ thêm phần khẳng định cho cách xây dựng thương hiệu của người Thái. Một nước đi không cần quảng bá mà tự báo chí và truyền thông mạng xã hội gây dựng nên. Thế nhưng, hai đối tượng trên cũng không có lỗi bởi lẽ hấp lực từ việc cầu thủ Việt Nam chuyển sang Thái Lan thật sự mạnh mẽ và đáng quan tâm. Bỏ qua sự đối địch, đây đơn giản là chuyện cầu thủ Việt Nam chuyển tới một giải đấu có chất lượng hơn với sự đãi ngộ tốt hơn.
Bóng đá Việt Nam cũng từng có hấp lực mạnh mẽ như thế khi hàng loạt cầu thủ Thái Lan tới thi đấu tại V.League. Câu hỏi đặt ra ở đây là “tại sao một số ít sản phẩm hoặc ý tưởng trở thành trào lưu xã hội còn những ý tưởng và sản phẩm khác lại không?” và tại sao Thai League đang trở thành trào lưu ở Đông Nam Á mà không phải V.League?
Dù có say sưa đến đâu trong hơi men chuyển nhượng cũng cần nhận ra rằng bóng đá Việt Nam vừa để tuột mất cây săn bàn vĩ đại nhất lịch sử V.League, Hoàng Vũ Samson. Đó mới là cái tên đầu tiên.