Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thời gian gần đây cứ có ca chấn thương nào liên quan đến phẫu thuật là đưa cầu thủ sang Singapore gõ cửa Bệnh viện Gleneagles và bác sĩ “người nhà” Tan Jee Lim. Danh sách những bệnh nhân là cầu thủ Việt Nam được bác sĩ Lim phẫu thuật bây giờ đã lên đến hàng chục; trong đó có Tài Em, Kim Hồng, Đình Luật…
Nói như lãnh đạo các đội bóng là đi Singapore đắt đỏ nhưng an toàn vì đa phần là cầu thủ quay lại đá bóng được chứ không 5 ăn 5 thua như một số cầu thủ mổ “tại gia” dù Việt Nam cũng có Bệnh viện Thể thao và nhiều bệnh viện có tiếng quy tụ các bác sĩ giỏi.
Vừa qua, trong cuộc họp báo nói về mức độ trầm trọng nơi cái gối của Anh Khoa, có ý kiến cho rằng đấy là một kiểu PR ít tốn kém nhưng hiệu quả sau một vụ việc đang được dư luận cả nước quan tâm.
Bên cạnh đó, những người quan tâm cũng được biết đến một công nghệ thay dây chằng (trước đây thường là tái tạo) mà Anh Khoa là một trường hợp điển hình.
Nói là y học thể thao Việt Nam thua trên sân nhà là vì đã có lần chúng ta “thắng” rất lớn qua việc hợp tác giữa công ty Sài Gòn Gia Định của ông Vũ Tiến Thành với ê-kíp mổ được mời từ Mỹ sang mà đứng đầu là bác sĩ Tuấn Nguyễn (người từng tham gia ca mổ giúp VĐV bóng rổ chuyên nghiệp Yao Minh trở lại sàn đấu). Thế nhưng, cơ hội lớn đấy đã bị bỏ qua bởi những nhà có trách nhiệm thờ ơ với việc “cứu người” đấy.
Bóng đá Việt Nam còn nhớ tiền vệ Công Minh của SLNA từng bị chấn thương rất nặng và đã tính đến chuyện giải nghệ. Sau đó thì Công Minh được giới thiệu đến ông Vũ Tiến Thành và ông Thành đã đại diện công ty Sài Gòn Gia Định mời ê-kíp mổ của bác sĩ Tuấn Nguyễn từ Mỹ sang và tiến hành thực hiện thay 2 dây chằng cho Công Minh. Ca mổ đấy miễn phí và được thực hiện tại bệnh viện Vũ Anh, được trực tiếp truyền hình cho giới bóng đá và người hâm mộ cùng xem.
Kết quả là cái đầu gối tưởng bỏ đi của Công Minh đã hồi phục. Sau ca mổ trên, Minh mất hơn 6 tháng tập luyện và đã trở lại sân cỏ sau đó được CLB HN.ACB ký hợp đồng chuyển nhượng từ SLNA.
Từ ca mổ đấy, VĐV điền kinh Nguyễn Thị Nụ đã tìm đến ê-kíp trên và cũng được mổ miễn phí rồi trở lại đường chạy một cách mạnh mẽ.
Từ chương trình đấy, công ty Sài Gòn Gia Định đã kết hợp với thể thao TP.HCM nhận mổ miễn phí cho các VĐV tài năng có hoàn cảnh khó khăn. Sau đó thì công ty này ra đến Tổng cục TDTT ký kết hợp tác nhưng sau đó gặp trở ngại và kết quả là việc hợp tác phát triển với y học thể thao Việt Nam không thành.
Vừa qua, khi các bác sĩ phẫu thuật cho Anh Khoa nói về công nghệ thay dây chằng nghe có vẻ mới nhưng thực tế là ca mổ cho Công Minh vào năm 2009 đã được tiến hành công nghệ này khi dây chằng được chuyển từ Mỹ sang để thay cho Công Minh.
Trao đổi với người viết, HLV Vũ Tiến Thành - người từng kết hợp mổ miễn phí cho VĐV TP.HCM gặp chấn thương và có ý tưởng liên kết hợp tác mổ từ thiện cho các tuyển thủ Việt Nam qua việc hợp tác với Tổng cục TDTT chia sẻ: “Hồi đấy, bằng những mối quan hệ của mình, chúng tôi dự định sẽ kết hợp với ngành thể thao để giải quyết những trường hợp chấn thương cho những VĐV Việt Nam nhưng tiếc là thiện ý trên không được hưởng ứng nhiều. Việc lãnh đạo các đội bóng giờ tin tưởng vào bệnh viện Singapore không có gì sai bởi đó là niềm tin và quan trọng là khả năng trở lại với thể thao chuyên nghiệp của VĐV nhà. Tiếc là có những thứ trong tầm tay của chúng ta và đã thành công nhưng lại không thành bởi nhiều vấn đề nhiêu khê…”.
BĐVN lại thua trên sân nhà...