Đến bao giờ các CĐV mới thôi nghĩ đến áo “fake” để chuyển sang áo xịn?

Trần Khánh
thứ tư 10-4-2019 8:33:00 +07:00 0 bình luận
Chiếc áo xịn mà các CĐV khoác lên thể hiện đẳng cấp của giải đấu đó. Ấy vậy, ở Việt Nam, NHM đang “sống chung với áo fake”.

Nét tích cực

Bóng đá Việt Nam đã lên chuyên nghiệp trong gần 20 năm. Tuy nhiên, để chuyên nghiệp đến từng chi tiết là câu chuyện nan giải. Song, những tín hiệu tích cực đang đến mà ở đó, chiếc áo “xịn” đang dần thể hiện đẳng cấp của giải đấu nói chung và đội bóng đó nói riêng.

Một trong số đội đang dần chuyển mình là Hà Nội FC. Sau những thành công trong việc sản sinh những tài năng cho bóng đá Việt Nam như Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Đình Trọng, Duy Mạnh,… cùng chiến lược phát triển hiệu quả, đội bóng Thủ đô đang dần tìm được nguồn thu từ công tác bán áo đấu.

Đến bao giờ các CĐV mới thôi nghĩ đến áo “fake” để chuyển sang áo xịn?
Hà Nội là một trong những đội bóng hiếm hoi ở V.League có nguồn thu đáng kể từ bán áo đấu. 

Hà Nội FC đã ký một bản hợp đồng dài hạn với nhà tài trợ áo đấu Kappa. Số tiền này không hề nhỏ và Kappa đã phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ khác để trở thành đối tác chính của đội bóng Thủ đô. Chiến lược tận dụng nguồn thu này được Hà Nội tổ chức khi họ đặt nhiều quầy xung quanh sân vận động cũng như phân phối đến các đại lý trong cả nước. Kể từ đầu mùa đến giờ, số lượng áo đấu bán ra được tính theo số ngàn chiếc. 

Giá thành cho một bộ quần áo so với các đội bóng khác khá cao khi giá của một bộ áo quần không dưới 699.000 đến hơn 800.000 đồng/bộ. CLB Hà Nội cũng đang lên phương án giảm giá cho các CĐV.

Trong khi đó, Bình Dương cũng ký kết hợp đồng có thời hạn 3 năm với thương hiệu thể thao Kamito. Nó cho thấy sự chuyển mình của bóng đá Việt Nam. Và 13/14 đội tham dự V.League 2019 có nhà tài trợ áo đấu, chỉ trừ Khánh Hòa.

Tín hiệu lạc qua nữa là nhiều thương hiệu lớn nhỏ khác nhau như Kappa, Joma, Mizuno, Kamito, Vina Sport, Fraiser, Zaicro, Joma, Mitre hay Jogaborla đã xuất hiện để giúp các đội bóng tại Việt Nam chấm dứt tình trạng phải mặc áo đấu nhái như những năm gần đây.

Nguồn cầu chưa cao

SHB Đà Nẵng là một trong đội bóng giàu truyền thống ở sân chơi V.League. Họ cũng từng vô địch giải đấu 2 lần nhưng xét về khía cạnh thương mại, đội bóng bên bờ sông Hàn vẫn chưa tương xứng với vị thế của mình. Một trong những khía cạnh đó đến từ chiếc áo đấu.

Đầu mùa giải năm nay, họ mới có nhà tài trợ áo đấu cho riêng mình. Theo đó, SHB Đà Nẵng ký hợp đồng 2 năm với Kamito, tài trợ toàn bộ trang thiết bị cho đội 1. Các bên cũng lên kế hoạch bán áo đấu xịn cho CĐV với giá gốc khoảng 300.000 đồng/bộ nhưng giảm giá còn 150.000 đồng/bộ.

Đến bao giờ các CĐV mới thôi nghĩ đến áo “fake” để chuyển sang áo xịn?
Đến V.League 2019, cựu vương SHB Đà Nẵng mới "khoác áo mới".

Tuy vậy, sức mua chưa cao, thậm chí là con số 0. Ở Đà Nẵng vẫn chưa có gian hàng nào phân phối sản phẩm áo đấu của đội bóng mà bán ở Hà Nội hay TP HCM. Nếu muốn sở hữu chiếc áo, CĐV đặt hàng thông qua đơn vị trung gian là CLB SHB Đà Nẵng rồi chuyển về “địa chỉ mẹ” sản xuất rồi gửi vào lại để chuyển đến tay khách hàng.

“Chúng tôi vẫn chưa thấy các CĐV đặt hàng dù đã đẩy mạnh trên trang fanpage đội bóng hay làm việc với Hội CĐV”, một thành viên của Cty Cổ phẩn SHB Đà Nẵng cho biết. 

Trước đó, áo đấu của đội bóng bên bờ sông Hàn được đặt ở cửa hàng của người nhà HLV Lê Huỳnh Đức. Cửa hàng này tự thiết kế, may và chuyển tận tay đội bóng. 

Đội bóng láng giềng của SHB Đà Nẵng là Quảng Nam cũng mới chỉ có nhà tài trợ áo đấu sau khi vô địch V.League 2017. Trước đó, đội bóng xứ Quảng phải mặc áo “fake”. Mặc dù kết duyên với nhà tài trợ Jogaborla nhưng đến nay, chiến lược phát triển bán áo đấu vẫn chưa đi vào thực hiện. Theo dự tính trong thời gian ngắn tới, Quảng Nam sẽ triển khai bán thông qua gian hàng trước sân Tam Kỳ hay bán online. 

Với SLNA, họ ký hợp đồng với Tập đoàn Động Lực theo hình thức từng năm. Hiện tại, vẫn chưa triển khai công tác bán áo đấu quanh sân vận động hay các gian hàng ở Nghệ An mà chỉ thông qua hình thức bán online. Mỗi bộ áo quần với giá 300.000 đồng/bộ. “Tôi đặt hàng cả mấy tháng nay mà vẫn chưa thấy gì nên đành chấp nhận mặc áo fake”, một CĐV theo sát SLNA bày tỏ. Mặc áo “fake” cũng là tình cảnh chung của hầu hết các CĐV xứ Nghệ. 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm