V.League 2018 đã tăng thêm nửa suất xuống hạng. Cuộc đua tranh để thoát khỏi lưỡi hái “tử thần” sẽ thêm phần khốc liệt.
>>>Vì sao lịch thi đấu V.League 2018 chưa được VPF công bố?
>>>Chuyện về những người...gõ đầu "thần giữ đền"
Ở V.League 2017, chỉ có 1 suất xuống hạng và Long An chính là cái tên bị “tử thần” gọi tên. Đội bóng miền Tây Nam bộ này được nhận diện là ứng viên hàng đầu cho suất xuống hạng ngay khi giai đoạn lượt đi kết thúc bởi sau sự cố trên sân Thống Nhất ở vòng 6, Long An không thể gượng dậy nổi. Cho dù BLĐ đội chủ sân Tân An đã cầu viện đến HLV Nguyễn Minh Phương song những nỗ lực của họ đều bất thành. Long An xuống hạng trước 5 vòng đấu đã khiến V.League 2017 thiếu đi tính hấp dẫn.
Tuy nhiên, ở mùa giải năm nay, tính cạnh tranh đã được đẩy lên cao hơn với 1.5 suất xuống hạng, đồng thời cũng có 1.5 suất thăng hạng cho các đội bóng ở giải hạng Nhất. Vậy, “tử thần” sẽ lại gọi tên ai?
Tân binh Nam Định là một trong những ứng viên nặng ký. Sau khi thành lập Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Nam Định, đội bóng thành Nam được cấp 45 tỷ đồng (35 tỷ từ UBND tỉnh và 10 tỷ từ các nhà tài trợ). Tuy nhiên, dù khá rủng rỉnh về kinh phí nhưng Nam Định lại không có nhiều tân binh chất lượng.
Lực lượng của đội chủ sân Thiên Trường chủ yếu là những cầu thủ đã giúp họ thăng hạng. Bản hợp đồng đáng chú ý của Nam Định là tiền vệ trẻ từ PVF, Nguyễn Trọng Phú và thủ thành nhập tịch Nguyễn Quốc Thiện Esele cùng bộ đôi ngoại binh Benjamin Jr. và Henry Sharkiel.
Nằm trong nhóm thấp thỏm trụ hạng là XSKT Cần Thơ và B.Bình Dương. “Mẫu số chung” của hai đội bóng này là lực lượng quá trẻ. Ngay khi tiếp nhận chức HLV trưởng, cả 2 nhà cầm quân Đinh Hồng Vinh lẫn Trần Minh Chiến, những người cầm lái của hai đội đều không có nhiều sự lựa chọn về mặt lực lượng.
Bên cạnh đó, SHB Đà Nẵng đang trong quá trình chuyển giao sẽ khó để vươn mình. Đội chủ sân Hòa Xuân vẫn dựa vào lực lượng đã chinh chiến ở 2 mùa giải vừa qua. Không có sự bổ sung chất lượng và mục tiêu của đội bóng bên bờ sông Hàn cũng chỉ lấp lửng là không đặt nặng mục tiêu để tân thuyền trưởng Minh Phương xây dựng lại đội bóng.
Ở chiều hướng ngược lại, cuộc đua giành 1.5 suất thăng hạng sẽ chỉ gói gọn trong 3 cái tên: Viettel, Long An và CLB bóng đá Huế. Đội bóng cố đô luôn được đánh giá ứng viên nặng ký cho cuộc đua thăng hạng. Tuy nhiên, vấn đề nan giải với Huế là nguồn kinh phí. Thầy trò HLV Nguyễn Đức Dũng luôn cạnh tranh sòng phẳng với mọi đối thủ nhưng lại tỏ ra hụt hơi ở chặng đường cuối.
Sau sự cố ở V.League 2017, Long An đang cố đập đi xây lại. Đội chủ sân Tân An có nền tảng là những cầu thủ đã từng gắn kết với nhau trong nhiều năm và có kinh nghiệm thi đấu ở đấu trường V.League. Lãnh đạo của Long An cũng đã “bật đèn xanh” để họ trở lại với “mái nhà xưa”.
Trong khi đó, theo lộ trình phát triển của đội bóng, Viettel sẽ thăng hạng V.League vào năm 2019. Mục tiêu đó dần được cụ thể hóa khi đội bóng áo lính luôn thể hiện là ứng viên tiềm năng trong 2 mùa giải vừa qua.
Với dàn hảo thủ chất lượng như bộ đôi tuyển thủ U23 Việt Nam là Nguyễn Trọng Đại và Bùi Tiến Dũng, Viettel đang rất gần hơn bao giờ hết với lộ trình phát triển của họ. Những cái tên như Bình Phước hay Đồng Tháp cũng sẽ là kẻ ngáng đường khó chịu cho những đội bóng có tham vọng thăng hạng.