Hồi chuông cảnh tỉnh
Trong quá khứ, bóng đá xứ Thanh đã gắn tên và thậm chí “bán cái” cho 2 doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh là Halida và Xi măng Công Thanh. Cả 2 đối tác này đều rất mạnh về tài chính, xây dựng rất nhiều chiến lược phát triển dài hơi, bài bản. Và đến bây giờ nhiều người vẫn chưa thể quên những phát ngôn của Chủ tịch Tập đoàn Xi măng Công Thanh, khi trong ngày đầu nhập chức bầu Lý tuyên bố hùng hồn trước toàn đội: Mỗi trận thắng sẽ thưởng 200 triệu đồng và tiền về ngay sau trận đấu kết thúc. Và ở thời điểm năm 2008, đó là những khoản tiền rất lớn với bóng đá xứ Thanh.
Ngay trong trận đầu tiếp quản đội bóng, Thanh Hóa thua nhưng bầu Lý vẫn mở tiệc ăn mừng tại một nhà hàng sang trọng. “Dù đội thua nhưng hôm nay tôi vẫn muốn khẳng định những tuyên bố của mình không phải là nổ”, bầu Lý nói xong ra mở cốp xe, vác một bao tải tiền mặt đúng 200 triệu đồng và thưởng cho đội.
Tất cả các thành viên có mặt trong phòng buổi đó “sáng như đèn pha”, sốc và... hồ hởi ra mặt. Thế nhưng, niềm vui và hy vọng “ngắn chẳng tày gang”, khi nhiều vấn đề nhanh chóng lộ ra. Tiền bạc nợ nần, cách làm tính toán và thậm chí còn bị xem là lợi dụng bóng đá, Thanh Hoá lâm vào khủng hoảng. Xi măng Công Thanh “bỏ của chạy lấy người”, để lại đống đổ nát cho tỉnh khắc phục, khiến bóng đá xứ Thanh khốn khổ suốt một thời gian dài.
Với FLC, dù thời điểm hiện tại họ đang cho thấy tiềm lực tài chính mạnh và cả những kế hoạch làm bóng đá bài bản có tương lai hứa hẹn nhưng ít nhiều những “vết sạn” trong quá khứ đã khiến UBND tỉnh Thanh Hóa phải đề phòng rủi ro, với những bài học đắng cay.
Và cảnh giác trước tài trợ khủng
Trước khi tập đoàn FLC tìm đến, bóng đá xứ Thanh đang có những bước chuyển mình nhất định. Với sự hậu thuẫn của lãnh đạo tỉnh và hàng loạt các doanh nghiệp rồi đội bóng được giao cho bầu Đệ, Thanh Hóa luôn là đội bóng rủng rỉnh tài chính, có thành tích tốt. Nghĩa là họ không bắt buộc phải đập đi xây lại khi đang vận hành tốt. Thế nhưng, với những câu chuyện zích-zắc phía sau, giữa mùa giải 2015, UBND tỉnh đã mở đường cho bầu Đệ rút lui để bắt đầu chuyển giao cho Tập đoàn FLC. Thời điểm đó, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chỉ mới chấp thuận về mặt chủ chương, cho FLC thử sức đứng ra lo nửa mùa giải. Họ tiếp quản nguyên trạng và gần như chưa có đột phá mang tính khác biệt.
Thay vào đó vẫn là những kế hoạch trên giấy tờ như xây SVĐ mới, ký kết hợp tác đào tạo trẻ với đối tác nước ngoài để nâng cao nội lực, rồi cải tổ nhân sự, thay thế lực lượng với ngân quỹ bỏ ra khoảng 100 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay mọi chuyện vẫn chỉ là lời nói. Buổi lễ tổng kết mùa giải 2015 vẫn chưa thể diễn ra, và mới đây mới có thể ấn định ngày hội quân vào 22/11.
Theo tìm hiểu, nguyên do của những vấn đề “chỉ thấy nói chưa thấy làm”, bắt nguồn từ việc UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa yên tâm khi giao toàn quyền cho FLC quản lý và điều hành đội bóng. Nghĩa là mô hình tới đây của bóng đá Thanh Hóa vẫn là nhà nước và doanh nghiệp cùng làm. Vì thế, những kế hoạch khủng được vạch ra vẫn “án binh bất động”, thậm chí số cầu thủ chia tay đội bóng còn nhiều gấp đôi so với người mới đến.