HLV Lê Huỳnh Đức là người có triết lý sử dụng cầu thủ khá “dị”. Ông thường thích các cầu thủ (trừ vị trí thủ môn) có gốc gác từ Huế trở vào và ít khi đưa về SHB Đà Nẵng những cầu thủ từ vĩ tuyến 17 (Quảng Trị) trở ra.
Tuy nhiên, quan điểm dùng người của HLV gốc Huế này đã có sự đổi khác. Năm 2016, ông chiêu mộ Lâm Anh Quang, cầu thủ xuất thân từ Nam Định rồi một năm sau đó, Nguyễn Hữu Phúc (Vĩnh Phúc) cũng cập bến đội chủ sân Hòa Xuân.
Trong “từ điển” của mình, rất hiếm khi HLV Lê Huỳnh Đức chiêu mộ những cầu thủ xuất thân từ Nghệ An. Mỗi HLV có quan điểm dùng người riêng và trong thời kỳ đầu dẫn dắt SHB Đà Nẵng, ông đã tạo nên thành công với hai chức vô địch vào năm 2009 và 2012. Đó mới là thước đo cho giá trị của vị thuyền trưởng đó với đội bóng.
Sau mùa giải 2017, ông chia tay SHB Đà Nẵng nhưng rồi một năm sau, ông quay lại dẫn dắt đội bóng. Lần trở lại này, HLV Huỳnh Đức thay đổi hẳn triết lý dùng người của mình. Ông săn đón ráo riết bộ đôi hậu vệ xứ Nghệ là Âu Văn Hoàn và Phạm Mạnh Hùng.
Đây được xem là hai trụ cột ở SHB Đà Nẵng. HLV Huỳnh Đức đánh mạnh vào vị trí hậu vệ vì mùa giải trước, đội bóng bên bờ sông Hàn để thủng lưới nhiều thứ 2 với 49 bàn thua.
Sự khác biệt của các cầu thủ xứ Nghệ so với các hậu vệ trước đây ở SHB Đà Nẵng là họ dám hò hét, chỉ huy đội hình trên sân. Hơn một lần khi dẫn dắt đội chủ sân Hòa Xuân, điều khiến ông Đức đau đầu là các cầu thủ ít truyền đạt thông tin trên sân cho nhau khiến lối chơi có phần bị chệch choạc, ít sự tập trung.
Ông cần mẫu cầu thủ có tố chất thủ lĩnh để làm điểm tựa tinh thần cho đồng đội. Âu Văn Hoàn hay Phạm Mạnh Hùng đều là những cầu thủ dám nói, có tiếng nói khi trái bóng lăn.
Ở 5 vòng đấu đầu tiên, khả năng phòng ngự của SHB Đà Nẵng đã được cải thiện đáng kể khi họ chỉ bị thủng lưới 7 bàn. Trong cuộc đối đầu với SLNA, Âu Văn Hoàn và Phạm Mạnh Hùng sẽ là điểm tựa để HLV Lê Huỳnh Đức giải mã đối thủ mà ông thất bại ở 4 cuộc đối đầu gần đây.