Thời điểm đầu mở Học viện HAGL JMG, đội bóng phố Núi thường xuyên tổ chức tuyển sinh trên cả nước. Họ là địa chỉ hàng đầu để các phụ huynh gửi gắm. Đi đến đâu, mức độ quan tâm càng lớn. Dù chưa có con số thống kê chi tiết nhưng rất nhiều cầu thủ sinh năm 1995-1997 của bóng đá Việt Nam hiện tại đều từng ít nhất 1 lần tham gia các kỳ tuyển sinh.
HAGL vốn là hình mẫu để các trung tâm bóng đá trẻ khác tham khảo. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm qua, đội bóng phố Núi không có nhiều bước đột phá để phát triển lò đào tạo có quy mô rộng lớn. Họ không có hệ thống chân rết phủ khắp các tỉnh hay các huyện trong tỉnh Gia Lai. Họ tuyển sinh như kiểu “truyền thống” khi đi đến các tỉnh để chiêu mộ cầu thủ.
Những năm đầu khi lò đào tạo hình thành, HAGL tuyển theo từng năm một nhưng giờ đây phải 2 năm hoặc hơn mới tuyển một lần. Trong khi các lò như SLNA, PVF, Viettel hay Hà Nội đã cải biến để tạo nên chất riêng cho mình. Ngoài lò đào tạo chính, họ thuê những người có chuyên môn như đang công tác ở Phòng văn hóa thông tin hay các thầy giáo thể dục,… để “xem giò” các em ở cơ sở. Ở tất cả giải đấu cấp xã hay huyện mà các lò đào tạo này có tuyển trạch viên, họ đều đến theo dõi sát sao.
Khi nào có cầu thủ hay thì báo lại rồi đưa về trung tâm chính để học tập, tập luyện, bắt đầu giấc mơ chinh phục bóng đá chuyên nghiệp. Một người cũng được trả công không dưới 5 triệu/tháng, tức gần bằng 1 tháng lương của một HLV đào tạo trẻ tại HAGL và đây cũng chỉ là công việc bán thời gian của họ.
Những thành tích ở các giải trẻ từ U19 trở xuống của HAGL thiếu sự ổn định và không có nhiều sự đột phá. Trái ngược với đó, Hà Nội, Viettel, PVF hay SLNA đang thống trị và là ứng viên nặng ký cho chức vô địch ở các giải trẻ trong nước ở vài năm trở lại đây.
Nỗi khổ “đám nhỏ”
Ở lò đào tạo trẻ của HAGL, có 4 khóa đã và đang tập luyện với số lượng học viện khá đông đảo. Trong số đó, số lượng các cầu thủ từ 18 tuổi trở lên rất đông. Đây là độ tuổi cần sự va chạm với các giải đấu, trận đấu nhằm đánh giá đúng năng lực. Tuy nhiên, các cầu thủ rất ít cơ hội ra sân. Để tạo sự đột phá, rất nhiều em đề đạt nguyện vọng được thi đấu. Lãnh đạo đội bóng giải quyết bằng cách cho mượn ở Viettel, Phố Hiến hay SHB Đà Nẵng.
Riêng với những cầu thủ lứa U19, họ đi không chỉ có cơ hội phát triển chuyên môn mà để kiếm thêm thu nhập. Ở HAGL trước đây, hàng tháng, các cầu thủ trẻ phải trải qua đợt kiểm tra. Nếu vượt qua mới được nhận trợ cấp khá thấp, chỉ mang tính tượng trưng, thấp hơn khá nhiều so với các trung tâm đào tạo trẻ khác.
Đối với các cầu thủ đội 1, họ nhận mức lương không quá 25 triệu/tháng kể từ năm 2015 đến nay. Đó là “khung” mà bầu Đức định sẵn cho các học trò. Các cầu thủ trưởng thành từ Học viện HAGL JMG thực nhận 15 triệu đồng và 10 triệu đồng chuyển về gia đình. Khi bầu Đức thích cầu thủ nào thì cho riêng cầu thủ đó. Đây vốn là phong cách của ông bầu này nhưng nó vô hình trung tạo ra khoảng cách về mức thu nhập đáng kể giữa chính các cầu thủ trong đội.
So với các đồng đội cùng trang lứa khác, nhiều cầu thủ HAGL khá thiệt thòi về mức lương nhận được. Điển hình là thủ môn Bùi Tiến Dũng về Hà Nội FC với mức lương lên đến 40 triệu đồng/tháng. Trung vệ Quế Ngọc Hải vừa rời SLNA để đến Viettel với mức lót tay 8 tỷ đồng scùng mức lương không dưới 40 triệu đồng/tháng.
Ngay trong chính đội bóng, thủ môn Phạm Hữu Nghĩa từ Bình Phước, mới lần đầu thử sức ở V.League cũng nhận mức lương ngang bằng với Xuân Trường, Công Phượng trước đây hay Văn Toàn, Văn Thanh bây giờ là 25 triệu đồng/tháng. Các cầu thủ khó sống bằng đồng lương. Họ chủ yếu làm thêm các ngành nghề như kinh doanh, buôn bán bất động sản,… Quảng cáo cũng là nguồn thu của các cầu thủ HAGL khi mỗi slot ở facebook ít nhất 20 triệu đồng hay quảng cáo theo năm với các thương hiệu.
Khi không có mức thu nhập ổn định, câu chuyện Công Phượng, Xuân Trường hay Đông Triều ra đi theo dạng cho mượn và mang về một chi phí không hề nhỏ để “phòng thân” cũng là chuyện tất, lẽ, dĩ, ngẫu.
Kỳ 1: Những “cánh tay đắc lực” liên tiếp… “bye bye bầu Đức”
Kỳ 2: Bầu Đức "đốt" hàng trăm tỷ vào lứa Công Phượng nhưng “keo kiệt” với các thầy của Công Phượng