Gần 1 năm thay tên ĐT.LA thành Long An, đội chủ sân Tân An vẫn chưa thể đổi vận và phải đá suất play-off nhằm tranh vé dự V.League 2017.
Cuộc đổi tên lịch sử
Ngày 12/12/2015, lịch sử bóng đá Long An đã chính thức sang một trang mới khi ĐT.LA chính thức bị khai tử để thay thành Long An. Một cuộc cách mạng và thay đổi là điều bắt buộc khi Đồng Tâm Long An không thể bao bọc mãi cho đội bóng, còn thành tích đội chủ sân Long An ngày càng đi xuống so với thời hoàng kim.
Bóng đá Long An không chỉ đánh mất vị thế trên bản đồ V.League mà còn bị các đội bóng khác kéo hết nhân tài. Bằng chứng là bộ ba trụ cột Diabate, Chí Công và Thanh Hải đã tìm bến đổ mới, khi Long An không thể níu chân họ và không có đủ tiềm lực để so sánh với các đội bóng khác.
Với việc đổi tên thành Long An, đội chủ sân Tân An chính thức chuyển sang mô hình góp vốn doanh nghiệp khi cho ra đời Công ty CP phát triển bóng đá Long An, với vốn điều lệ của 10 thành viên là 30 tỷ đồng. Một cuộc cách mạng đã chính thức xảy ra khi mọi thứ được ấp ủ từ năm 2013.
Cuộc chuyển mình lịch sử đã giúp cho Long An thay lớn về tài chính. Khi ngày ra mắt tên mới đã công bố vốn điều lệ 30 tỷ đồng và gần 30 tỷ đồng từ các nhà tài trợ khác. Nhờ vậy, kinh phí dự kiến của Long An cho mùa bóng 2016 là 40 – 45 tỷ đồng.
Và “bình mới rượu cũ”
Nhiều người đã chờ một cuộc đổi thay từ Long An để tìm lại đúng vị thế của thời hoàng kim tại V.League 2016. Thế nhưng, Long An vẫn phải sống trong cảnh “bình mới rượu cũ”, đổi tên nhưng chưa thể đổi vận và họ phải đá play-off để tranh vé ở lại V.League.
Trao đổi với Webthethao.vn, Chủ tịch CLB Long An ông Võ Thành Nhiệm cho biết: “Những năm trước, chúng tôi chỉ dựa vào Đồng Tâm để nuôi đội bóng. Sau khi chuyển đổi thành mô hình Công ty cổ phần có sự chuyển đổi nhưng chưa vận động được nhiều doanh nghiệp.
Do đó, nguồn kinh phí vẫn còn khó khăn. Tôi hy vọng có nhiều doanh nghiệp chung tay lo cho đội bóng tỉnh nhà. Bởi kinh phí hiện tại cộng với chi phí quảng cáo thì ngang bằng lúc trước.
Ngày xưa, Long An ghép tên Đồng Tâm thì họ lo kinh phí cho nhiều hơn. Bây giờ, Đồng Tâm chỉ tài trợ các khoản theo hợp đồng ký kết. Thế nên, kinh phí vẫn không có sự thay đổi.
Bảng quảng cáo mùa này, chúng tôi thu về khoảng 4 - 5 tỷ đồng. Đội lớn cùng các tuyến trẻ thì chúng tôi dự trù khoản 35 – 40 tỷ. Tuy nhiên, thành tích không được tốt nên dự kiến tốn tổng cộng 35 tỷ đồng”.
Với sự chia sẻ từ Chủ tịch Võ Thành Nhiệm, có thể hiểu Long An vẫn chưa có một sự đột phá về kinh phí so với thời còn tên ĐT.LA. Đó cũng là sự lý giải vì sao đội chủ sân Tân An thi đấu không tốt và giành vị trí thứ 13 V.League 2016, bởi họ chưa có kinh phí để vực dậy đội bóng và chủ yếu sử dụng “cây nhà lá vườn”.
Thực tế, Long An chỉ tốn tiền cho ngoại binh khi mất 2 lần đổi ở đầu mùa giải và giai đoạn 2. Trong khi đó, các cầu thủ nội vẫn là lực lượng cũ của mùa trước. Điều ấy cũng cho chứng minh đội chủ sân Tân An chưa thể có cuộc thay đổi lớn với mô hình cổ phần, ngoại trừ cái tên đã được thay.
Thế nên, Long An phải cán đích ở vị trí thứ 13 trước 3 vòng đấu và đá play-off để cạnh tranh vé chơi V.League 2017. Đối thủ của Long An sẽ được biết sau trận đấu giữa Nam Định và Viettel diễn ra tại sân Hàng Đẫy vào chiều nay 31/8.
Theo đó, Chủ tịch Võ Thành Nhiệm nói: “Toàn đội sẽ tập luyện và duy trì mọi thứ để bước vào trận đấu quyết định. Tôi biết các đội bóng như Nam Định và Viettel cũng máu lên hạng lắm. Thế nên chúng tôi cần phải tập trung tối đa cho trận đáu này cố gắng hết sức…”.