Phút 67 ở trận đấu giữa Bình Dương gặp Viettel, tiền đạo Wander Luiz khống chế bóng bằng tay rồi sút tung lưới đối phương giúp chủ nhà giành trọn ba điểm. Bị mất điểm oan ức bởi bàn thắng không hợp lệ, HLV Lee Heung-sil của Viettel ao ước: “Tôi cảm thấy tiếc nhưng nếu có VAR xác nhận pha bóng này thì mọi người sẽ nhìn nhận tốt hơn rồi”.
Trước khi V.League 2019 khởi tranh, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú cho hay, công nghệ VAR sẽ được áp dụng ở mùa giải này. Sau đó, theo chia sẻ từ chính BTC giải, thời điểm áp dụng VAR là giai đoạn lượt về và ở hai địa phương là Hà Nội và TP HCM.
Tuy nhiên, như giãi bày của Trưởng ban Trọng tài VFF, Dương Văn Hiền: “Muốn áp dụng VAR cực khó bởi mình chưa đáp ứng được cơ sở hạ tầng, kỹ thuật tại vì muốn VAR thì phải đặt thêm một số camera ở trên sân; đặc biệt, cần nhiều yếu tố khác như: phòng VAR, đường truyền, một trận đấu thêm 4 trọng tài nữa… Nó sẽ tăng lên kinh phí rất lớn”.
Theo kế hoạch từ VPF, đơn vị nắm giữ bản quyền giải đấu sẽ chịu trách nhiệm về cơ sở hạ tầng, máy quay, kỹ thuật truyền hình để bảo đảm cho công nghệ VAR. Tuy nhiên, câu chuyện kinh phí là trở ngại lớn nhất khi áp dụng công nghệ này.
Ở VCK World Cup 2018, mỗi trận đấu sử dụng VAR có chi phí khoảng 700.000 USD. Nếu áp dụng ở 13 trận lượt về (ít nhất 26 trận) trên hai sân Thống Nhất và Hàng Đẫy sẽ tiêu tốn hơn 18 triệu USD, tương đương 427 tỷ đồng.
Trong khi đó, số tiền mà nhà tài trợ chính chi ra cho V.League 2019 chưa tới 1/10 trong số đó. Vấn đề lớn thứ hai là nguồn nhân lực. Khi áp dụng VAR, ngoài 4 trọng tài ngoài sân thì phải có thêm 4 trọng tài công nghệ, trong đó quan trọng nhất là trọng tài dido, người ở trong khu vực quan sát. Với số lượng trọng tài Việt Nam bây giờ, thật khó để đáp ứng chứ chưa kể đào tạo chuyên sâu về công nghệ này.
Ngoài ra, việc vận hành VAR bắt buộc phải có sự giám sát đặc biệt từ người của FIFA, với hàng loạt yêu cầu khắt khe về quy chuẩn... Mới nhất, ở giải hạng Nhất Trung Quốc, khi cầu thủ của Heilongjiang ghi bàn vào lưới Shanghai Shenxin, trọng tài chính phải nhờ đến công nghệ VAR. Trọng tài dido đã dùng giấy A4 để xác định vị trí cầu thủ việt vị gây nhiều tranh luận khác nhau.
Nếu áp dụng VAR chỉ trên hai sân vận động sẽ không có sự công bằng. Như trường hợp vừa rồi ở sân Gò Đậu. Nếu các tình huống gây tranh cãi diễn ra ở 10 sân khác thì các đội vẫn phải chấp nhận còn VAR không hỗ trợ được. Áp dụng VAR cần có tính đồng bộ ở 12 sân vận động và cả 7 trận mỗi vòng đấu để tạo ra tính công bằng.
Nếu chỉ áp dụng VAR ở 2 hoặc 3 và nhiều nhất là 4 trận đấu trong 1 vòng đấu sẽ không có nhiều tác dụng nếu các tình huống gây tranh cãi xảy ra ở các sân khác. Bởi vậy, VAR chỉ có ở tương lai chứ V.League 2019 áp dụng VAR như giấc mộng ban ngày.