Nhà báo Phan Đăng: Bản sắc là cái quái gì?

thứ bảy 26-9-2015 14:33:00 +07:00 0 bình luận
Cuộc đấu Bình Dương – Hà Nội.T&T chiều nay buộc chúng ta phải suy nghĩ về một thứ giá trị cốt yếu trong bóng đá: Giá trị bản sắc.

Quan niệm truyền thống trước đây cho rằng một đội bóng có bản sắc phải là đội bóng có nhiều cầu thủ lớn lên, trưởng thành hoặc ít nhất là được đào tạo ở địa phương “đẻ” ra đội bóng ấy. Nhìn nhận như vậy sẽ thấy SLNA với gần như 100% cầu thủ sinh ra và được đào tạo tại Nghệ An qua nhiều mùa giải nay chính là đội bóng có giá trị bản sắc số 1 Việt Nam lúc này. Ngược lại, ĐKVĐ V.League Bình Dương với một và chỉ một cầu thủ người địa phương (tiền đạo Anh Đức) là đội kém bản sắc nhất. HN.T&T có khá hơn chút vì HN.T&T có một chùm những cầu thủ Hà Nội gốc như Ngọc Duy, Quốc Long và những cầu thủ “Hà Nội mở rộng”, nghĩa là những người thuộc Hà Tây cũ như Thành Lương, Văn Quyết… Thật ra, việc nhìn vào gốc gác các cầu thủ chỉ giúp chúng ta khái quát được tính địa phương chứ không hẳn là giá trị bản sắc của một đội bóng.

Nhà báo Phan Đăng: Bản sắc là cái quái gì?Với những nền bóng đá nghiệp dư thì quả đúng là tính địa phương có ý nghĩa quan trọng hình thành nên giá trị bản sắc, vì những cầu thủ thuộc cùng một vùng khí hậu, vùng văn hoá, vùng tính cách rất dễ tìm được tiếng nói chung. Và từ ấy, một đội bóng dễ xác lập cho mình một cấu trúc, một phương pháp chơi bóng riêng biệt. Nhưng khi bóng đá nghiệp dư chuyển mình sang bóng đá chuyên nghiệp – nơi mà các cầu thủ có thể di chuyển tới 2-3 đội bóng khác nhau sau 2-3 mùa giải thì việc yêu cầu một đội bóng phải quy tụ được một lực lượng cầu thủ địa phương đủ lớn trong một khoảng thời gian đủ dài là một đòi hỏi khó khăn. Lúc này, giá trị bản sắc cần được hiểu theo nghĩa: Một đội bóng xác lập cho mình một tính cách ổn định, từ đó lựa chọn các cầu thủ phù hợp với tính cách ấy, bất chấp việc họ đến từ những địa phương, vùng miền khác nhau.

Nhìn nhận theo cách này thì HN.T&T chính là một đội bóng có bản sắc, và cái bản sắc ấy thậm chí không thua kém gì, nếu không muốn nói là còn trội hơn so với bản sắc Sông Lam (dựa trên thành tích và thể hiện trong khoảng 5 năm trở lại đây). HN.T&T trung thành với HLV Phan Thanh Hùng, trung thành với triết lý 4-2-3-1 mang tính cống hiến, áp đặt trong suốt 5 năm qua và cách HN.T&T nhặt người, chọn ngoại binh cũng cho thấy rất rõ tư tưởng phục vụ cho một lối chơi, một tính cách ổn định.

Với B.Bình Dương, sự ổn định là khả năng… vung tiền, thậm chí là rất nhiều tiền sau từng mùa giải. Và những đồng tiền của họ cũng hướng đến một tư tưởng nhất quán: Lấy tiền mua ngôi sao. Nhờ vậy, B.Bình Dương tạo được một khoảng cách nhất định so với phần còn lại, lớn đến mức mỗi khi thua trận thì cả làng bóng đều tin là họ “tự thua” nhiều hơn là việc đối thủ đủ sức giành chiến thắng.

Một vấn đề gây tranh cãi đặt ra là: Sự ổn định trong việc vung tiền gom sao, liệu có phải là cách tạo ra bản sắc hay không? Có lẽ câu trả lời còn tuỳ thuộc vào việc sự ổn định kiểu này sẽ kéo dài bao lâu? 5 năm, 10 năm hay 20 năm? Và khi sự ổn định kiểu này mất đi, địa phương này có trở thành một vùng chết trên bản đồ bóng đá nước nhà hay không? Chỉ có thời gian mới đem lại câu trả lời chính xác.

Nhưng từ những vấn đề trên đây, có thể kết luận một cách tương đối rằng: Không nên đồng nhất giá trị địa phương với giá trị bản sắc. Và cũng không nên vội khẳng định những đội bóng có thói quen vung tiền vô tội vạ, nói cách khác là giữ được sự ổn định về chiến lược vung tiền, qua từng mùa giải là những đội không có bản sắc.

Vấn đề là bản sắc nào thì tạo nên những hy vọng bền vững, còn bản sắc nào thì không?

PHAN ĐĂNG

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm