Chương mới đang mở ra không chỉ với SHB Đà Nẵng mà còn cả HAGL cũng như bản thân Công Phượng.
“Thánh địa” Chi Lăng chỉ là quá khứ
Thời gian gần đây, thời tiết ở Đà Nẵng tương đối bất lợi. Mưa lớn, kéo dài cùng trời lạnh phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch tập luyện của SHB Đà Nẵng. Ảnh hưởng nhất phải kể đến chuyện tập luyện ở sân mới Hòa Xuân. Rất nhiều lần có dự định tập ở “nhà mới” song vì trời mưa, lạnh, tối trong khi dàn đèn chưa thể đưa vào hoạt động, SHB Đà Nẵng đành phải tập luyện tại Trung tâm Hòa Minh.
Thời tiết chỉ là một phần khiến SHB Đà Nẵng gặp trở ngại khi chuẩn bị cho mùa giải mới. Khi chia tay sân Chi Lăng, vốn được xem là “thánh địa” và là niềm tự hào của người dân thành phố sông Hàn, người dự cảm chẳng lành đã được linh tính.
Họ liên tục gặp phải vấn đề về lực lượng. Từ việc nhập tịch Merlo gặp trúc trắc đến câu chuyện chấn thương của Merlo, Huy Toàn hay Hoàng Quảng rồi lại những bệnh vặt vãnh của Lâm Anh Quang. Tất cả đó khiến SHB Đà Nẵng phải trải qua thời gian đầy thử thách “hậu” Chi Lăng.
Những tín hiệu không lành liên tiếp xảy đến, nhất là thông tin một cơ số cổ động viên ruột xin rút khỏi Hội CĐV SHB Đà Nẵng càng khiến họ gặp phải tình thế nan giải. Câu chuyện xin rút của một cơ số cổ động viên không nhỏ đó không phải ai cũng biết mà không phải ai cũng không biết. Chuyển lên sân vận động mới, SHB Đà Nẵng cũng chấp nhận thách thức là phải làm sao đá đẹp thì mới lôi kéo được cổ động viên. Đó là chia sẻ thẳng thắn của Chủ tịch Bùi Xuân Hòa.
Thế nhưng, câu chuyện khó khăn thời “hậu” Chi Lăng đang lùi lại phía sau. Gần 1 tuần trở lại đây, bất chấp thời tiết nắng mưa thất thường luôn có một lượng không nhỏ cổ động viên tìm đến sân Hòa Xuân để “xem giò xem cẳng” sân mới cũng như theo dõi thầy trò HLV Huỳnh Đức tập luyện. Thậm chí, có những ngày thời tiết mưa, lạnh buộc SHB Đà Nẵng phải chuyển địa điểm thi đấu, họ bị “việt vị” song cũng nán lại để theo dõi các công nhân hoàn thiện những hạng mục cơ bản trước khi trận đấu với HAGL diễn ra.
Năm nay, SHB Đà Nẵng cũng được sở Văn hóa, Thể thao thành phố giao toàn quyền về công tác tổ chức. Đó là tín hiệu vui và mở ra nhiều cơ hội nhằm khai thác triệt để công năng của sân Hòa Xuân này. Theo đó, động thái ban đầu của đội bóng bên sông Hàn là không tăng giá vé ở sân Hòa Xuân. Khán đài A vẫn giá là 35000 đồng, khán đài B: 25000 đồng và khán đài C, D là 15000 đồng.
Chi Lăng, với người dân Đà Nẵng, giờ đã là quá khứ. Một chương mới mở ra mang tên Hòa Xuân đang vẫy gọi.
Ngày về của Công Phượng
Với SHB Đà Nẵng, trận đấu trước HAGL là trận đầu tiên họ thi đấu trên sân mới, còn với bản thân Công Phượng, đây là lần trở về sau một năm “du học” không mấy thành công ở xứ người. Dĩ nhiên, đã có những chệch choạc nhất định song Công Phượng vẫn là cái tên có sức hút đặc biệt.
Trong mỗi buổi tập, không khó để nhận ra đâu là cầu thủ được HLV Nguyễn Quốc Tuấn “chăm sóc” kĩ nhất. Cứ mỗi đường bóng, mỗi pha xử lý dù hay hay dở thì Công Phượng cũng được thầy cùng đồng đội dành những lời nhận xét.
Tiếng cười đùa, khuôn mặt rạo rực trở lại ở tiền đạo này. Thế nhưng, Phượng vẫn có sự chệch choạc và sức ì nhất định. Tuy nhiên, với một cầu thủ xa mái nhà xưa một năm cùng việc đánh mất cảm giác bóng thì những tình huống chệch choạc đó cũng không phải là điều quá bất ngờ.
Hai năm trước, khi Phượng và đồng đội đi đến đâu, các sân vận động mà họ đi đến đều có sự chào đón nồng nhiệt của khán giả. Không chỉ là những trận đấu mà ngay cả các buổi tập. Thậm chí, ở Chi Lăng cách đây 2 năm, BTC sân còn “đuổi” các cổ động viên ở khán đài A để qua các khán đài khác theo dõi cũng như bố trí lực lượng an ninh ở các buổi tập.
Hai năm sau, cảnh tượng đó không còn song vẫn còn một bộ phận không nhỏ các cổ động viên dành sự quan tâm đến tiền đạo này. Phượng vẫn vậy. Vẫn là trung tâm của sự chú ý. Song, ở lần trở lại này, Phượng ra sân với một tâm thế khác. Tâm thế của kẻ tìm dấu tích xưa. Ở đó, V.League có thể là một chương mới song có thể là cái kết không trọn vẹn cho cầu thủ được xem là tài năng của bóng đá Việt Nam.