Chơi trên tiền
Ở mùa giải năm nay, trong khi các ông lớn như Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng không còn giữ được hình ảnh của mình thì FLC Thanh Hóa với sự ổn định về con người, đặc biệt là sau giai đoạn đổi nhà đầu tư đã nổi lên là đối trọng đáng nể trong cuộc đua đến ngôi vô địch với B.Bình Dương.
Có thời điểm đội bóng xứ Thanh thi đấu thăng hoa và đã vượt qua B.Bình Dương trên BXH, nhưng ở thời điểm nước rút quan trọng nhất thì thầy trò HLV Hoàng Thanh Tùng lại hụt hơi, hay có những trận thua rất khó hiểu khiến họ ngơ ngác, chẳng thể giải thích nổi.
Bước ngoặt trong cú vấp ngã cuối mùa giải của FLC Thanh Hóa là thất bại bất ngờ trên sân Đồng Nai với tỷ số 2-5 ở vòng 21. Trận thua khiến nhiều người nghi ngờ đội bóng xứ Thanh “nằm” để cứu chủ nhà Đồng Nai đang trong cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Trong đó, việc tiền vệ Sỹ Cường nhận chiếc thẻ đỏ vô duyên ở phút 24 càng khiến cho người ta đặt nhiều hoài nghi.
Song, cũng có ý cho rằng thất bại của đội bóng xứ Thanh trước Đồng Nai chỉ là nước cờ mà ai đó đã lên sẵn để đánh lạc hướng dư luận, khi mà B.Bình Dương với túi tiền không đáy có thể “một tay che cả bầu trời”.
Hay như mùa giải trước, SLNA cắn răng “đá chết bỏ” mỗi khi chạm trán với Hà Nội T&T, đội bóng đất Thủ cũng được người ta nhắc đến như là tâm điểm, khi cho rằng đội bóng xứ Nghệ có nghĩa vụ trả lễ vì được “yểm trợ” tất tần tật.
Tiền nhiều, chịu chi và chịu chơi, B.Bình Dương không những không có đối thủ trên mặt trận chuyên môn mà ở phía hậu trường, họ cũng là cái tên vô cùng đáng sợ…
May có ông Hải “lơ”
Chỉ gắn bó đến nửa mùa giải nhưng GĐKT Lê Thụy Hải được tất cả các thành viên CLB Bình Dương nhắc đến với sự trân trọng cao nhất khi đội bóng đất Thủ lên ngôi vô địch. “Chúng tôi dành chức vô địch này để tặng cho “bố” Hải, vì nếu không có “bố” Hải thì sẽ không có ngày hôm nay, chắc chắn là như thế…”, HLV Nguyễn Thanh Sơn từng chia sẻ.
Thật vậy, những lần B.Bình Dương thi đấu kém cỏi, trầy trật, nguyên nhân chính là do dàn cầu thủ sao số bất phục lẫn nhau nên không cùng nhìn về một hướng. Nhưng dưới bàn tay của ông Hải, lập tức mọi thứ trật tự ngay và ai cũng thừa nhận, chỉ có ông Hải mới là người đủ tầm để “bắt” và “trị” bệnh cho B.Bình Dương.
Thực tế, nếu chiến lược gia người Hà Đông không tại vị ở B.Bình Dương hết cả giai đoạn 1 thì chưa biết họ sẽ “lăn” theo hướng nào. Dưới sự dẫn dắt của nhà cầm quân lão làng này, đội bóng đất Thủ thể hiện phong độ cực cao, ổn định ở giai đoạn lượt đi và đó là tiền đề để họ bảo vệ thành công chức vô địch.
B.Bình Dương lên ngôi, ngoài sự chịu chơi và quyết đoán của lãnh đạo, ở đó còn là may mắn khi có sự hiện diện của ông Hải “lơ”, đấy là điều không thể bàn cãi, cho dù ông thầy người Hà Đông dứt khoát không thừa nhận điều này...
Vì tiền chưa bao giờ là vấn đề nên B.Bình Dương sẵn sàng cho mượn những cầu thủ mà trước đó đã tốn rất nhiều tiền để mang về. Điển hình như trường hợp của Oseni, tiền đạo tiền tỉ người Nigeria này liên tiếp 2 mùa (2014 và 2015) bị đem cho ĐT.LA rồi XSKT.CT mượn.Tính nhanh, tổng số tiền đội bóng miền Đông phải chi ra ở mùa giải 2015 là hơn 70 tỷ đồng.
Cùng với HA.Gia Lai, ĐT.Long An, B.Bình Dương là một trong những nhà tài trợ cho V.League 2015. Không những thế, đội bóng đất Thủ còn là “bà đỡ” cho các hoạt động của VFF, trong đó có việc các đội tuyển bóng đá quốc gia đến ăn ở, tập huấn tại Bình Dương...
Nỗi khổ nhà giàu
Trong số các CLB hiện giờ ở V.League, B.Bình Dương là đội giàu thành tích và sở hữu nhiều cầu thủ ngôi sao đình đám nhất của BĐVN. Thế nhưng thật nghịch lý, họ lại là đội bóng không có nhiều fan hâm mộ.
Mỗi trận đấu, nếu không phải tiếp các đối thủ như FLC Thanh Hóa, SLNA, HA.Gia Lai thì sân Gò Đậu thường rơi vào cảnh đìu hiu, thậm chí “vắng như chùa Bà Đanh”, dù mở cửa tự do. Dàn cổ động viên Bình Dương được đầu tư bài bản, sở hữu nhiều tiền của nhưng chỉ biết ngồi thu lu một chỗ xem bóng đá, thỉnh thoảng phất cờ, gióng trống khua chiêng và hát vài bài mỗi khi có bàn thắng.
B.Bình Dương đã dùng nhiều “chiêu trò”, thực hiện không biết bao nhiêu giải pháp để kéo khán giả đến sân nhưng chẳng giải quyết được gì. Đấy thật sự là nỗi khổ của những người làm bóng đá ở nơi đây.
Cũng không khó hiểu cho nỗi khổ này của đội bóng đất Thủ, bởi trong gần 30 cầu thủ vừa lên ngôi vô địch, nhìn lại chỉ duy nhất tiền đạo Anh Đức là người gốc Bình Dương, còn lại là đến từ “bốn phương tám hướng”. Bởi thế, không thể đòi hỏi NHM Bình Dương luôn hết mình và sát cánh với một đội đội bóng thiếu tính địa phương và bản sắc như hiện tại.