Mùa giải 2015, vì thế, chứng kiến bức tranh sáng tối của thầy trò HLV Ngô Quang Trường, khi lượt đi họ giống “điển hình tiên tiến”, tấm gương về vượt khó. Còn lượt về là câu chuyện của cơ chế, của cuộc đua đường dài và SLNA không còn là chính mình, trước tác động hậu trường.
Tấm gương vượt khó
HLV Nguyễn Hữu Thắng cùng trụ cột quan trọng nhất là Lê Công Vinh ra đi. Rất lâu rồi, SLNA mới phải đối mặt với hoàn cảnh này, bởi trong quá khứ, trải qua nhiều thăng trầm khác nhau nhưng mùa nào, đội bóng xứ Nghệ cũng có một thủ lĩnh thực sự. Thầy trẻ, mới và dàn học trẻ trẻ măng nhưng SLNA vẫn bắt nhịp được rất tốt với cuộc chơi.
Giai đoạn lượt đi, họ có những trận thắng thuyết phục trước HN.T&T, HA.GL, SHB.Đà Nẵng và có lúc leo lên vị trí thứ 2 trên BXH. Biết kết hợp giữa kinh nghiệm và sức trẻ bên cạnh mục tiêu thay đổi lối chơi từ “rắn, rát” sang mềm mại, uyển chuyển; SLNA đã trình diễn thứ bóng đá đẹp, thuyết phục rất nhiều người xem. Ghi nhận những nỗ lực của đội bóng xứ Nghệ nên khán giả kéo đến xem các trận đấu của thầy trò HLV Ngô Quang Trường rất đông. Đặc biệt, nhiều trận đấu SLNA đá xa nhà, Hội CĐV đã huy động được cả vạn người tập trung diễu hành và cổ vũ trên sân rất ấn tượng.
Trong vai “người đóng thế”, HLV Ngô Quang Trường đã có những thành công bước đầu và ít nhiều làm cho người ta quên đi hình ảnh của người tiền nhiệm Hữu Thắng. Còn với nhiều cầu thủ trẻ, mới lần đầu “nếm mùi” V.League, họ cũng đã có những trải nghiệm cần thiết và trưởng thành vượt bậc.
Những Xuân Thắng, Ngọc Toàn, Tuấn Tài, Phúc Tịnh… mới ngày nào còn là những cậu bé đá giải trẻ giờ đã rất chững chạc tại sân chơi chuyên nghiệp. Đó là những giá trị, là động lực rất lớn để SLNA đương đầu với bài toán khó khăn về kinh tế, vốn năm nào cũng là trăn trở lớn.
Sai một ly… đi cả mùa giải
Sau những chiến thắng “như chẻ tre” và áp sát ngôi đầu của B.Bình Dương, SLNA đôi khi cũng thất thường, như việc bị XSKT.Cần Thơ cầm chân hoặc thậm chí thua Đồng Nai ngay trên “chảo lửa” Vinh. Thế nhưng, những trận thua ấy được nhìn nhận về chuyên môn, của những cầu thủ trẻ, yếu bản lĩnh, lúc dễ nhất lại là lúc hay bị ngã ngựa và đó là câu chuyện bao nhiêu năm qua, quân xứ Nghệ vẫn hay vấp phải.
Nhưng câu chuyện ở Pleiku hoàn toàn khác. Đó là cuộc chiến của những người trẻ mà người ta thích sòng phẳng. Đó là lúc HA.GL “sắp chết” và người ta muốn đội bóng xứ Nghệ tôn trọng sự công bằng của cuộc chơi, với việc thi đấu hết mình. Dư luận gây áp lực từ khi bóng chưa lăn, bởi ít nhiều lo sợ tư tưởng “làm kinh tế” vốn nổi tiếng của SLNA từ bao đời nay. Nhưng tất cả đều trở nên vô nghĩa, khi SLNA chơi một trận đấu bạc nhược và “đầu hàng” theo cách khó chấp nhận.
Một trận thua lột tả nhiều thứ: Từ thái độ, tinh thần thi đấu trên sân của các cầu thủ đến những vấn đề vĩ mô, đó là cơ chế đã có phần lạc hậu từ bao đời nay, khiến SLNA không thể phát triển. Dư luận “dậy sóng” với rất nhiều chỉ trích và tất cả đều nhận ra rằng, 90 phút ở sân Pleiku là một sai lầm lớn và rất khó để có thể cứu vãn.
Sống trong áp lực và sai lầm nối tiếp sai lầm, khi trận đấu ở Cần Thơ không khác gì “thảm họa Pleiku”, chưa kể trận đấu đầy bạo lực với SHB.Đà Nẵng khiến công gây dựng lối đá đẹp một số năm qua trở thành công cốc.
Lâm Vũ
Tài sản vô giá
Than Quảng Ninh giành danh hiệu “Hội CĐV xuất sắc nhất” nhưng thực tế mà nói, cộng đồng người Nghệ yêu bóng đá đáng để ngưỡng mộ hơn nhiều.
CĐV SLNA
Dường như là duy nhất ở Việt Nam, một Hội CĐV xây dựng được mạng lưới ở khắp các tỉnh/thành với những hoạt động đầy thiết thực liên quan đến bóng đá. Mùa này, cứ SLNA đi đến đâu là nơi ấy như ngày hội. Lượng khán giả của SLNA nhiều trận, còn áp đảo cả đội chủ nhà. Một tình yêu đáng nể và tất cả đều xem đó là tài sản vô giá. Đó cũng là động lực để lý giải vì sao, bóng đá xứ Nghệ không thể chết. CĐV chính là điểm sáng lớn nhất của SLNA ở mùa giải năm nay.
Cú ra chân giá… 600 triệu đồng
Huy Hoàng gắn bó với SLNA hơn 1 thập kỷ và thời điểm nào, trung vệ này cũng là thủ lĩnh cả trên sân lẫn trong phòng thay đồ. Sau Huy Hoàng, mùa giải 2013 nếu không là Trọng Hoàng thì Công Vinh ít nhiều cũng có tiếng nói về chuyên môn. Riêng mùa giải 2015, đội bóng xứ Nghệ đã không có một người dẫn dắt thực sự và trong bối cảnh đó, Quế Ngọc Hải với pha vào bóng bị xử “án điểm” lại là nhân vật cần phải nói đến nhiều nhất.
Khi còn dẫn dắt SLNA, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã xem Ngọc Hải là “của để dành”. Không phụ niềm tin của người thầy – người anh, cầu thủ đa năng này ngày càng tiến bộ và rất ra dáng thủ lĩnh. Lên đội 1 từ năm 2013 và chỉ sau đúng 3 năm, anh đã trở trành trụ cột không chỉ của SLNA mà còn cả U.23 và ĐTVN.
Mùa giải vừa rồi, Quang Tình và Minh Đức thay nhau mang băng đội trưởng nhưng Ngọc Hải mới thực sự là “chìa khoá” của đội bóng xứ Nghệ. Bằng chứng là bế tắc ở tuyến nào, HLV Ngô Quang Trường đều xếp Ngọc Hải trám vào vị trí đó. Khi thì trung vệ, khi thì tiền vệ, có lúc lại đá hậu vệ biên hoặc tiền vệ cánh. BHL SLNA đã sử dụng tối đa sự đa năng của Ngọc Hải và cầu thủ mới 22 tuổi này luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Cú ra chân với Anh Khoa ở vòng đấu áp chót thực sự là một “tai nạn” nhưng ở đó, người ta lại thấy được Ngọc Hải với một hình ảnh khác: Biết cách cư xử. Để trưởng thành và vươn tầm thủ lĩnh, đôi khi những vấp váp như vậy lại cần thiết với Ngọc Hải. Rất ít người trách Ngọc Hải và chuyện người ta nỗ lực hết mình để hỗ trợ Ngọc Hải xoay 500-600 triệu đồng tiền chữa trị cho Anh Khoa là ví dụ.