383 tỷ đồng ở đâu?
Trong ngày nhận chức Chủ tịch VFF khóa VII, ông Lê Hùng Dũng đã phát biểu rất “cứng” như thế này: “3 giải đấu quốc nội quan trọng nhất của BĐVN trong năm là V.League, Cúp QG và hạng Nhất sẽ có 40 tỷ đồng trong khi số tiền dự kiến kiếm được cho BĐVN trên 300 tỷ đồng và con số này sẽ tăng thêm 15% mỗi năm. Tháng 4 này, các bạn sẽ thấy hợp đồng rất lớn của một tổ chức tài chính tài trợ cho ĐT nữ. Hoặc như con số 383 tỷ đồng tôi dự kiến cho hoạt động của VFF trong một năm cũng được tính toán kỹ, có cơ sở”.
Câu chuyện này, có lẽ những người làm và theo dõi BĐVN vẫn chưa thể quên được. Nhưng cho đến thời điểm này đó chỉ là “tiền trên giấy” khi ông Chủ tịch VFF dường như chỉ nói cho sướng. Và lời nói cũng “bay theo gió” mất rồi.
383 tỷ đồng ở đâu? Hôm rồi, bên lề buổi tổng kết mùa giải 2015, lời hứa của ông Chủ tịch lại được lãnh đội các CLB đưa ra bàn tán và phân tích rất “xôm” với chủ đề “tiền ơi, tiền ở đâu?”. Họ kể lại như thế này: Trước Đại hội VFF khóa VII, ông Dũng trong tư cách ứng viên có vận động tranh cử và hứa với các CLB chuyên nghiệp khi trúng cử sẽ cho mỗi đội 1 tỷ đồng để “nâng cấp cơ sở vật chất” còn các LĐBĐ địa phương sẽ được hỗ trợ 500 triệu. Tổng số tiền ông Dũng hứa là 17 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến giờ thì các đội bóng chưa được 1 đồng nào. Còn các LĐBĐ địa phương, từ lời hứa 500 triệu đồng bị teo tóp còn một chiếc máy tính để bàn trị giá 10 triệu đồng. Số tiền này được biết lấy từ tài khoản VFF và hiện tại số các LĐBĐ địa phương được nhận chiếc máy tính cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong khi đó, khoản tiền 40 tỷ đồng cho V.League trong 1 năm cũng đã không còn như lời hứa ban đầu. Eximbank cố gắng thực hiện hết hợp đồng cam kết năm 2014 và VPF phải “vắt chân lên cổ” để chạy tìm nhà tài trợ ở mùa giải 2015. Rất may đã có đối tác Toyota “cứu giá”, với mức giá giảm đi đáng kể với chỉ 35 tỷ đồng.
Hứa thật nhiều và thất hứa cũng thật nhiều. Thế nên lâu nay, dân bóng đá kết luận nhiệm kỳ VII là “nhiệm kỳ kim tiền”. Và ông Chủ tịch VFF, từ ngày lên nắm quyền không thay đổi được gì, không làm được như lời hứa và những tuyên bố hùng hồn mà chỉ thấy mọi thứ tệ đi. Tệ nhất là việc VFF cứ nghèo đi, khi thu nhập của nhân viên giảm thê thảm đến mức lòng người tản mát. Và tệ hơn, tiêu cực xuất hiện với tư duy và cách làm việc “tiền và tiền”.
Từ VFF đến VPF
Từ VFF đến VPF, câu chuyện tài chính cũng chẳng khác mấy. Bế tắc sau khi Eximbank rút lui, VPF bắt mối được nhà tài trợ mới là Toyota nhưng thương vụ này cũng suýt đổ bể, vì chính sự thiếu đồng nhất và tranh giành, đấu đá trong chính trong công ty này.
Ở lần đàm phán đầu tiên, khi người được giao nhiệm vụ đã đưa ra mức giá khá tốt vào thời điểm đó, đối tác sau khi nâng lên đặt xuống cũng gần gật đầu. Tuy nhiên phút cuối, do muốn lập công, một nhân vật khác ở VPF đã “chào hàng” một gói khác hoàn toàn với giá trị tài trợ thấp hơn rất nhiều. Là đơn vị tài trợ, Toyota đã hủy gói 1 và đồng ý với gói 2. Đằng sau câu chuyện sặc mùi tiền đó, VPF đã bị mất điểm nghiêm trọng trong mắt nhà tài trợ. Họ chỉ ký 1 năm và có thể không hẹn ngày trở lại.
Cũng vì thế mà câu chuyện ông Phó TGĐ phụ trách tài chính mà “3 năm không kiếm được đồng nào” bị đưa ra “pháp trường” trong buổi lễ tổng kết mùa giải 2015, với những lời lẽ buộc tội đanh thép của Chủ tịch CLB Hải Phòng, Trần Mạnh Hùng.
Quay trở lại với VFF, vai trò người phụ trách tài chính cũng chẳng khá hơn là mấy so với VPF, khi Phó Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cũng như người ngoại đạo ở tổ chức xã hội nghề nghiệp này. Nghĩa là từ khi ngồi vào chiếc ghế này, ông Đức chưa đưa được một đồng nào về cho VFF. Và cái mà bầu Đức làm được, có lẽ là duy nhất, đó là việc dùng lứa cầu thủ trẻ của mình khoác áo U.19 VN gặt hái được những thành công rồi nhấc lên V.League đá. Tuy nhiên, câu chuyện của HA.GL lại là vấn đề khác mà ở một góc nhìn nhất định, nó cũng liên quan đến tiền bạc cùng cái sự loạn của BĐVN ở một mùa giải thất bại.
Thanh Ba
Mỗi năm VPF mặc định phải chuyển cho VFF khoản tiền 10 tỷ đồng để làm công tác đào tạo trẻ, tổ chức tập huấn, thi đấu các ĐTQG. Nhưng với con số đó, VFF cho rằng chưa thỏa đáng. Họ tiếp tục đòi quyền lợi và yêu cầu VFF phải được ăn chia như các CLB vì VFF cho rằng mình cũng là một cổ đông trong công ty.
“3 giải đấu quốc nội quan trọng nhất của BĐVN trong năm là V.League, Cúp QG và giải hạng Nhất sẽ có 40 tỷ đồng trong khi số tiền dự kiến kiếm được cho BĐVN trên 300 tỷ đồng, con số này sẽ tăng thêm 15% mỗi năm. Một hợp đồng rất lớn của một tổ chức tài chính tài trợ cho ĐT nữ…”
Chủ tịch Lê Hùng Dũng khẳng định chắc nịch khi nhận chức
VFF định thâu tóm VPF?
Mỗi mùa giải có ít nhất từ 1 đến 2 CLB xuống hạng hoặc bỏ bóng đá, VFF đã nhanh chóng đề nghị HĐQT VPF mua lại cổ phiếu của các đội bóng này. Tuy nhiên, nếu xét về luật doanh nghiệp, VFF và VPF không được phép thực hiện giao dịch đó. Hơn nữa, nếu VPF quyết định bán cho VFF thì nhiều khả năng chỉ thời gian nữa VPF sẽ bị chính VFF thâu tóm toàn bộ. Cuối cùng ý tưởng này đã bị “chết lâm sàng”.
Chủ tịch CLB Hải Phòng – Trần Mạnh Hùng: “Ai cũng biết ông hứa gì…”
Trước Đại hội VFF khóa VII, ông Lê Hùng Dũng có hứa với các CLB chuyên nghiệp sẽ cho mỗi đội 1 tỷ đồng, còn các Liên đoàn bóng đá địa phương sẽ được hỗ trợ 500 triệu. Thế nhưng, Chủ tịch CLB Hải Phòng ông Trần Mạnh Hùng cho rằng đến thời điểm này vẫn chẳng nghe đả động gì tới chuyện tiền bạc. Theo kiểu như VFF đã “xù tiền” các đội bóng.
“Chúng tôi chưa nhận được gì và cũng không thấy thông tin phản hồi gì. Theo thông báo lúc đầu đúng là Chủ tịch Lê Hùng Dũng có hứa như thế. Bây giờ, chúng tôi nói thật là bên dưới chả biết nghĩ thế nào. Các ông ấy ngồi bên trên nói như thế nhưng đến giờ này chẳng thấy gì”, ông Trần Mạnh Hùng chia sẻ.
Theo đó, ông Hùng cho rằng không chỉ Hải Phòng mà các đội khác, các Liên đoàn địa phương khác đều không nhận được tiền, dù chuyện ấy thì cả làng đều rõ. “Đó là chuyện cả nước biết chứ không riêng ai vì có thông báo rộng trên các thông tin đại chúng. Thực tế thì vẫn không có và không hề có phản hồi là tại sao không có”, ông Hùng kết luận.
Văn Nhân (ghi)
Đại diện các CLB nói gì về việc chi tiêu tài chính của VPF?
GĐĐH CLB S.Khánh Hòa BVN – Trần Quang Thường: “Quá cứng nhắc”
“Về các con số thu chi thì VPF thực hiện hết sức chuyên nghiệp, rõ ràng và minh bạch. Tuy nhiên, về cách thức thực hiện thì chúng tôi chưa hài lòng lắm, khi họ làm quá cứng nhắc.
GĐĐH CLB S.Khánh Hòa BVN Trần Quang Thường.
Tôi lấy ví dụ như trường hợp BTC cho rằng mặt sân không đủ chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn, qua đó làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công tác tổ chức, rồi trừ điểm, sau đó trừ tiền hỗ trợ. Trong khi đó như sân Nha Trang của S.KH BVN chẳng hạn, đâu phải muốn sửa sang hay cải tạo gì cũng làm một cách nhanh chóng và dễ dàng. Bởi đây là SVĐ của tỉnh nên khi muốn làm gì thủ tục hết sức nhiêu khê.
Hay như sân Lạch Tray của Hải Phòng, chắc chắn họ không muốn đá trên cái mặt cỏ tồi tệ như thế. Theo như tâm sự của anh Hùng, không biết BTC tính điểm, rồi dựa vào tiêu chí kiểu gì mà số tiền thưởng cả tỷ đồng cho danh hiệu vô địch Cúp QG của họ bị trừ chỉ còn 13 triệu đồng. Chúng tôi rất tôn trọng và luôn ý thức để giải đấu ngày một tốt hơn. Song, cái gì cũng có hai mặt của nó, vì vậy, nếu BTC cứ cứng nhắc như thời gian qua thì rất khó…”.
GĐĐH QNK Quảng Nam – Nguyễn Húp: “Làm sai, cổ đông phanh phui ra ngay”
“Tôi tin vấn đề tài chính của VFF, VPF rõ ràng minh bạch. Họ chi tiêu đúng chứ không dám kê khai sai đâu. Có dại mới làm những chuyện đó và cũng không có ai dám làm đâu. Tuy nhiên, thực tế như thế nào thì cần phải xem xét, mới biết và mới nói được. Đến kỳ họp thường niên của Công ty VPF thì chúng tôi sẽ biết rõ vấn đề tài chính. Họ thu bao nhiêu, chi như thế nào, chi vào những khoản nào… Đó là trách nhiệm của họ bởi chúng tôi là những cổ đông của công ty.
GĐĐH QNK Quảng Nam Nguyễn Húp.
Mức độ quan tâm đến vấn đề chi tiêu tài chính với bản thân tôi không nhiều lắm. Bởi mình phải đặt niềm tin vào họ chứ. Tôi xin khẳng định lại là mấy ông làm đúng chứ không dám làm sai đâu, sai cái là chết liền, cổ đông phanh phui ra liền”.
P.H-T.K (ghi)