Ông Trần Anh tú, Chủ tịch VPF khẳng định VPF và Next Media sẽ thỏa thuận một hợp đồng mới thay thế cho hai hợp đồng cũ trên tinh thần hai bên cùng có lợi.
>>> V.League 2018 sắp khởi tranh, tại sao VPF vẫn chưa công bố điều lệ?
>>> Chủ tịch VPF tủi thân vì BQTH V.League bị ghẻ lạnh
Việc VPF đề nghị thanh lý hai hợp đồng Next Media đã ký trước đây ở nhiệm kỳ II làm dấy lên thông tin hai bên đang tranh chấp bản quyền truyền hình (BQTH). Tuy nhiên, vấn đề đã được giải quyết ở bước đầu.
"Thông tin VPF và Next Media sẽ thỏa thuận hợp đồng mới thay thế cho hai hợp đồng cũ là chính xác. Tinh thần làm việc là đôi bên cùng có lợi và có lợi cho cả bóng đá Việt Nam", Chủ tịch VPF Trần Anh Tú chia sẻ. Đây mới chỉ là bước đầu, sau khi đồng thuận có một hợp đồng mới, VPF và Next Media sẽ tiếp tục làm việc để xây dựng các điều khoản.
Vấn đề này khiến Đài truyền hình Việt Nam còn lưỡng lự trong việc phát sóng V.League 2018. Tuy nhiên, chiều qua (7/3), lịch tường thuật trực tiếp vòng 1 V.League 2018 đã được đăng tải. "Lịch truyền hình trực tiếp đã được đưa lên, khúc mắc coi như đã được giải quyết", Chủ tịch Tú nói.
Chủ tịch Trần Anh Tú luôn nhấn mạnh "vấn đề bản quyền truyền hình phải được giải quyết căn bản" và khúc mắc giữa VPF với Next Media cũng nằm ở đây. "Căn bản là gì? Là VPF phải quản lý được bản quyền truyền hình và quản lý được quyền sở hữu. Hợp đồng cũ (với Next Media – PV) thì VPF không quản lý được, giờ đàm phán hợp đồng mới làm sao để các hợp đồng còn lại trong tương lai dù VPF có ủy quyền thì cũng phải quản lý được", ông Tú cho biết.
Bản quyền truyền hình theo vị tân Chủ tịch HĐQT VPF chia sẻ là rất phức tạp và còn rất nhiều việc phải giải quyết, trong đó, việc bán được bản quyền truyền hình ở thời điểm hiện tại gần như là không tưởng.
"Chuyện bản quyền truyền hình khai thác như thế nào, bán như thế nào vẫn còn ở thì tương lai. Bây giờ nói để bán được BQTH thì Next Media làm sao mà bán được. Nếu Next Media trả tiền cho VPF sau đó bán thì sẽ lỗ. Cách quan trọng là xử lý thế nào để nâng tầm giải lên và bán được. Đấy là cả một quá trình", bầu Tú nói.
"Chuyện đấy (BQTH) rất phức tạp. Phương thức đúng là một đơn vị sản xuất còn các đài phát sóng mua lại. Tôi nói ví dụ như Next Media, nếu họ là đơn vị sản xuất, đơn vị sản xuất ấy sẽ cung cấp sóng cho các đài nhưng tôi hỏi bạn liệu VTV có chịu dùng sóng đấy không? Làm gì có chuyện ấy. VTV là đài lớn họ lấy sóng của các Next Media làm gì. Họ sẽ tự sản xuất, tự làm. Câu chuyện đó còn rất nan giải. Liệu Next Media có đủ sức mạnh để ép VTV mua không?".
BQTH các giải vô địch quốc gia mà VPF đang nắm giữ hiện tại được Liên đoàn bóng đá Việt Nam giao lại bằng hợp đồng giao quyền. Chính vì vậy, VPF có toàn quyền xử lý các vấn đề liên quan đến BQTH.
"VPF sở hữu thương quyền các giải vô địch bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Quyền sở hữu ấy thuộc về Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), VFF giao lại cho VPF thông qua hợp đồng giao quyền. BQTH là một phần trong thương quyền đó", bầu Tú chia sẻ
"VPF là đơn vị được phép quyết định về BQTH. Còn việc tranh chấp, đúng hay sai như thế nào giữa VPF và các bên trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì sẽ ra tòa".