V.League 2019: B.Bình Dương có là tác nhân khiến FLC rời khỏi bóng đá Thanh Hóa?

Trần Văn Khánh
thứ tư 20-2-2019 9:11:00 +07:00 0 bình luận
Chiến thắng của B.Bình Dương trước FLC Thanh Hóa ở chung kết Cúp QG 2018 có là nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi của đội bóng xứ Thanh?

“Chúng tôi đã làm hết sức, nhưng đội bóng không thể vô địch. Có làm nữa cũng không vô địch, thì nên dừng”, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC lý giải nguyên nhân không gắn bó với bóng đá Thanh Hóa nữa sau khi mùa giải 2018 khép lại. Rất rõ ràng, nguyên nhân được nhà tài trợ đưa ra là vì “đội bóng không thể vô địch”. Trong ba năm đầu tư vào bóng đá xứ Thanh, FLC đã đổ rất nhiều tiền để chiêu mộ những cầu thủ giỏi như Omar, Vũ Minh Tuấn, Ngô Hoàng Thịnh, Hoàng Văn Bình, Trọng Hoàng,…

Tất cả đều phục vụ cho mục tiêu vô địch V.League cũng như đấu trường Cúp QG. Thế nhưng, trong hai mùa giải vừa qua, đội bóng xứ Thanh đều chỉ cán đích ở vị trí thứ 2 tại V.League 2017 (sau Quảng Nam) và V.League 2018 (sau Hà Nội).

Đỉnh điểm cho sự thất vọng là trận chung kết Cúp QG 2018 với B.Bình Dương. Dù được đánh giá cao hơn nhưng sai lầm “kép” của thủ môn Bùi Tiến Dũng khiến FLC Thanh Hóa không thể gượng dậy và nhìn đối thủ nâng cao chức vô địch.

V.League 2019: B.Bình Dương có là tác nhân khiến FLC rời khỏi bóng đá Thanh Hóa?
Thanh Hóa gặp khó khăn trước thềm V.League 2019

Nhiều quan điểm cho rằng, Cúp QG là cứu cánh của FLC Thanh Hóa và việc thất bại ở trận chung kết trước đội bóng đất Thủ như “giọt nước làm tràn ly” khiến nhà tài trợ hết kiên nhẫn. Có vẻ như, đó là nguyên nhân rất hợp lý để FLC đưa ra lý do “đội bóng không thể vô địch. Có làm nữa cũng không vô địch thì nên dừng”. Một lý do rất phù hợp với những gì đã và đang xảy ra với bóng đá Việt Nam.

Trận chung kết Cúp QG 2018 là chất xúc tác để FLC rút khỏi bóng đá Thanh Hóa. Tuy vậy, với giới chuyên môn, thất bại trước B.Bình Dương chưa thể là nguyên nhân chính khiến FLC đưa ra quyết định kể trên. Trong suốt chiều dài lịch sử giải đấu, rất nhiều ông bầu đã rút trong “êm đẹp” với những lý do hết sức phù hợp. Trong số đó là Navibank Sài Gòn, Xuân Thành Sài Gòn hay Vissai Ninh Bình sau sự cố bán độ năm 2014. 

Tất nhiên, với các nhà tài trợ, mong mỏi lớn nhất khi đầu tư vào địa hạt bóng đá là nâng tầm đội bóng và khát khao giành chức vô địch. FLC đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào Thanh Hóa trong ba năm qua. Thế nhưng, những gì họ nhận lại là hat-trick Á quân. Đó có thể là đòn đau giáng vào tham vọng của họ nhưng khó là nguyên nhân chính khiến mối lương duyên giữa hai bên không thể tiếp tục. 

Ở cuộc chia tay này, người hâm mộ bóng đá xứ Thanh hẳn là bên ngậm ngùi và cay đắng. Những hy vọng mới chớm nở nay gần như vụt tắt. Hàng loạt trụ cột như Pape Omar, Bùi Tiến Dũng, Trọng Hoàng,… ra đi. Tưởng chừng, đội bóng sẽ “đổi đời” thì nay lại “mèo lại hoàn mèo”. Thanh Hóa khó là ứng viên đủ sức cạnh tranh chức vô địch mùa này.

Trận tiếp B.Bình Dương phần nào gợi lại sự ngậm ngùi của họ nhưng đó là câu chuyện không thể tránh khỏi!

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm