Hướng đến một ngày hội…
Trận đấu trên sân Gò Đậu được xem là cuộc so tài giữa 2 thế lực của BĐVN ở thời điểm hiện tại. Bất chấp B.Bình Dương đã Vô địch V.League, song kẻ thắng trong trận đấu này mới được xem là Vua.
Thế nên, trước khi trận đấu diễn ra, các bên đều tất tả để hướng đến một ngày hội đúng nghĩa. B.Bình Dương lẫn Hà Nội T&T đều “ém quân” ở những vòng đấu cuối của V.League. Những quân bài tốt nhất đều được chuẩn bị cho cuộc chiến khẳng định ngôi vị này.
Trong khi đó, BTC sân Gò Đậu cũng chạy đôn chạy đáo, nghĩ ra mọi phương cách để kéo khán giả đến sân. Không bán vé đã đành, họ còn mời các ca sỹ thị trường nổi tiếng đến phục vụ “Thượng đế” cùng việc tổ chức bốc thăm trúng thưởng khá xôm.
Một cuộc chiến đúng nghĩa không chỉ gói gọn trong vấn đề chuyên môn thuần túy. Nói rộng ra, Chung kết Cúp QG được chuẩn bị chu đáo, rình rang với mong muốn NHM đọng lại một chút gì để nhớ về hình ảnh đẹp đẽ thay vì bức tranh u tối mà V.League để lại trước đó.
Kịch bản vạch sẵn dường như đúng với mong đợi của các nhà tổ chức. Chất lượng chuyên môn trên sân cỏ được cả B.Bình Dương và Hà Nội T&T thể hiện làm hài lòng khán giả ngồi gần chật kín sân Gò Đậu. Thế nhưng…
… Hạ màn trong tấn bi kịch
Tất cả đang “xuôi chèo mát mái” thì bỗng nhiên, hàng loạt tấn bi kịch liên tiếp ập đến. HN.T&T đang tạo dựng thế trận ngang ngửa, thi đấu sòng phẳng, thì bất ngờ sai lầm nối tiếp sai lầm của Văn Biển và Thanh Hào khiến trận đấu gần như được định đoạt trong hiệp 1 với 2 bàn thắng của Abass và Công Vinh.
Sai lầm về chuyên môn ở hàng thủ đội bóng Thủ đô chỉ là khởi điểm cho chuỗi hệ lụy khôn lường và đáng xấu hổ diễn ra sau đó. Để rồi, đọng lại trong lòng NHM là hình ảnh ghê rợn, đáng chê trách thay vì chất lượng chuyên môn của trận đấu hay những điểm nhấn mà BTC nhắm đến.
Phút 65, Thanh Hào đã có cú chuồi bóng khiến Abass ngã gục trên sân. Tiền đạo người Senegal với ánh mắt thất thần lúc đổ gục xuống cũng như sau đó trên băng cáng y tế như “găm” vào lòng NHM một nỗi xót xa, rùng rợn.
Lặng người với hình ảnh cái chân gãy quặp của Abass bao nhiêu, thì hình ảnh nước mắt giàn giụa, đôi chân bước đi không nổi của Thanh Hào sau khi gây ra sự việc trên càng đọng trong tâm trí của khán giả bấy nhiêu. Đó không hẳn là giọt nước mắt của sự bào chữa mà là sự lo sợ và hối hận.
Một điều có thể cảm thông được nếu xét trên hệ quy chiếu như những gì đã xảy ra trong V.League của cả mùa qua. Hệt như chuyện, mọi sự đã rồi mới bắt đầu thấy ăn năn, hối lỗi và sửa chữa sai lầm.
Điều đáng buồn hơn, cám cảnh đó lại xuất hiện ngay chính ở pha bóng tâm điểm đó. Nó lại xảy đến với một người vừa được vinh danh là một trong 3 trọng tài xuất sắc nhất V.League 2015. “Vua áo đen” Nguyễn Đức Vũ chỉ phạt thẻ vàng ngay sau khi Thanh Hào phạm lỗi với Abass. Quan sát một hồi rất lâu, nhận thấy chấn thương của tiền đạo B.Bình Dương cực kỳ nghiêm trọng, ông Vũ mới “chữa cháy” bằng chiếc thẻ đỏ. Nó chẳng khác nào cái cách mà Ban Kỷ luật VFF ra án phạt cho Ngọc Hải, rằng Hải chỉ bị “tuyên án” khi biết rõ mức độ chấn thương của Anh Khoa.
Và câu chuyện buồn vẫn chưa hết. Sau tình huống của Thanh Hào – Abass, cách hành xử trên sân của các cầu thủ không khỏi khiến người xem giật mình. Abass chỉ vừa mới lên xe cấp cứu trong tích tắc, Thanh Hào vẫn đang tự vấn với giọt nước mắt giàn giụa nhưng những đồng nghiệp của họ không lấy đó làm gương. Họ vào bóng quyết liệt, như muốn “ăn thua đủ” với đối phương. Khán giả lại được dịp “bội thực” với những pha bóng kinh hoàng kiểu trên… sàn võ. Và nếu chính Trọng Hoàng (B.Bình Dương) không rút chân kịp sau pha vào bóng bằng gầm giày ở phút 89 thì rất có thể, kết cục mà Văn Thành nhận lấy không kém tệ hại so với Abass. Trước đó, do “nóng mắt” nên cầu thủ 2 bên có nhiều lần đá trên mức quyết liệt trước khi lao vào cự cãi. Khi trận đấu chỉ còn 7 phút, một Trợ lý HLV của HN.T&T xô đến phản ứng với tổ trọng tài và bị “đuổi” khỏi khu vực kỹ thuật dành cho BHL.
Một trận đấu đã vẽ nên bức tranh tổng thể của V.League. Chỉ đáng tiếc, lát cắt thay vì được trau chuốt tỉ mỉ để trở thành bức tranh đẹp lại gãy, thậm chí là vỡ vụn hoàn toàn.
Trần Khánh
Với việc HN.T&T không thể giành Cúp QG, số lượng đội bóng lên ngôi Vô địch ở giải đấu này (ra đời năm 1992) vẫn dừng lại ở con số 15. B.Bình Dương gia nhập hàng ngũ những đội bóng đăng quang nhiều nhất (2 lần), bằng với Cảng Sài Gòn, Bình Định, SLNA, SHB.Đà Nẵng, Công an TP.HCM, Hải Phòng, Hải Quan. Tuy nhiên, lần đầu họ vô địch năm 1994 khi còn mang tên Sông Bé.