Nếu không tính thành tích thì Công Phượng có một mùa giải 2017 không đến nỗi nào ở cả cấp CLB lẫn đội tuyển, trái ngược hẳn với hình ảnh 1 năm trước đó.
Nhớ lại mùa giải 2016, Công Phượng cập bến CLB Mito Hollyhock ở J-League 2. Anh là một trong ba cầu thủ được đánh giá xuất sắc nhất của lứa đầu tiên lò đào tạo HAGL Arsenal JMG. Hai người còn lại, Tuấn Anh sang Yokohama FC còn Xuân Trường đến Incheon United.
Năm 2016 bắt đầu với 3 thương vụ chuyển nhượng như vậy ở Gia Lai, 3 chuyến xuất ngoại đem theo niềm tin vào một thế hệ mới làm rạng danh cho tên tuổi bóng đá Việt ở nước ngoài. Thế nhưng, sau 1 năm, tất cả đều vỡ mộng.
Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đều không thể thích ứng ngay với trình độ, môi trường của bóng đá Nhật Bản và Hàn Quốc. Công Phượng có 5 lần ra sân với tổng số phút chưa bằng 1 trận đấu chính thức, Tuấn Anh không được chơi một phút nào ở J-League 2. Xuân Trường được thi đấu nhiều nhất nhưng chỉ với 3 trận đá chính cùng 251 phút ở hạng đấu cao nhất của xứ sở kim chi. Từ vị thế của những người thường xuyên đá chính tại V.League 2015, cả ba phải đánh bóng cho băng ghế dự bị ở những đội bóng mới.
Cuối cùng, Xuân Trường là người duy nhất ở lại Hàn Quốc thêm một năm sau khi chuyển sang Gangwon FC. Tuấn Anh, Công Phượng trở về HAGL và đó được xem là một quyết định đúng đắn, chí ít là với Công Phượng.
22 bàn thắng ở cả cấp CLB lẫn đội tuyển đưa Công Phượng trở thành cầu thủ nội ghi nhiều bàn thắng nhất ở mùa giải 2017, vượt qua đàn anh Anh Đức với 1 bàn nhiều hơn. Dĩ nhiên, 13 bàn trong số ấy đến từ các trận đấu với U23 Việt Nam tại vòng loại U23 châu Á, SEA Games và M150 Cup.
Một năm trước đó, ở đội tuyển quốc gia, mỗi lần Công Phượng vào sân thay người, nhiều cổ động viên lại muốn được thay anh ra. Cái lý của họ là sự lạc lõng của Công Phượng trong sơ đồ chiến thuật, là những pha đi bóng đâm thẳng vào hàng thủ đối phương thiếu hiệu quả. Hình ảnh của một ngôi sao trong màu áo U19 Việt Nam như tan biến.
Tạm gác lại câu chuyện thành tích, hình ảnh của Công Phượng trong năm 2017 trái ngược hoàn toàn với 1 năm trước đó. Công Phượng thi đấu nhiều hơn, ghi nhiều bàn hơn, kiến tạo tốt hơn ở V.League. Ở đội tuyển quốc gia, anh có 2 bàn thắng và một màn trình diễn tốt nhất trong màu áo đội tuyển từ trước đến nay khi đối đầu với Campuchia ở vòng loại Asian Cup 2019.
HLV kỳ cựu Lê Thụy Hải cũng phải thừa nhận “Công Phượng đã bớt rườm rà hơn, biết phối hợp với đồng đội hơn”. Đó là sự thay đổi lớn nhất trong phong cách thi đấu của tiền đạo 22 tuổi trong năm 2017.
Trong khi đó, Tuấn Anh tiếp tục vật lộn với chấn thương còn Xuân Trường vẫn lặp lại y nguyên hình ảnh của năm 2016. 3 cầu thủ, 3 người đồng đội có cả 1 thập kỷ ăn tập cùng nhau, cùng ra mắt bóng đá Việt với những màn trình diễn đầy mê hoặc ở lứa U19 thì đến hiện tại lại chia nhau 3 ngã rẽ. Công Phượng cuối cùng vẫn là người may mắn nhất.
Anh may mắn vì không gặp phải chấn thương dai dẳng như Tuấn Anh, không phải ở lại Nhật Bản thêm một năm. Anh trở lại Việt Nam, vượt qua áp lực thi đấu ở V.League và được ra sân hàng tuần. Từ phong độ thảm họa trong năm 2016, Phượng dần thi đấu tốt trở lại.
Hơn thế, Công phượng là tấm gương để người đồng đội Xuân Trường soi chiếu vào. Sau những màn trình diễn tốt trong màu áo đội tuyển quốc gia, Xuân Trường cứ ngày một tụt dần phong độ kể từ AFF Cup 2016. Ngay ở U23 Việt Nam, Trường cũng không còn là chính mình.
Bản thân Trường đã thừa nhận anh đang phải làm lại từ đầu sau một năm thi đấu quá ít ở CLB và nơi làm lại có lẽ không đâu tuyệt vời hơn chính “ngôi nhà” HAGL.