VBA 2021, một mùa giải cực kỳ đặc biệt của giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam đã khép lại theo cách mà không nhiều người không mong muốn. Buồn bã và nuối tiếc là câu cảm thán của những người trong cuộc, nhưng đó không phải là thứ cảm xúc duy nhất!
Sự giận dữ đã bắt đầu bủa vây những người tâm huyết với VBA và mạng xã hội là nơi chứng kiến những cảm xúc ấy trở nên cao trào: “Bóng rổ Việt Nam chính thức thụt lùi vài bước. Có những người mở mồm ra là vì thể thao. Nhưng khi được xã hội hoá mạnh mẽ thì muốn phá vì họ có quan tâm đến cái chung đâu. Họ quan tâm đến cái quyền lợi cá nhân của họ. Có thể ăn chặn vài đồng chỗ này vài đồng chỗ kia là được rồi. Hoặc là tôi giữ được cái ghế của tui là tui né trách nhiệm hết. Người khác mất tiền, phong trào đi xuống thì kệ tụi bây. Miễn tao sướng là được,” ông chủ một đội bóng VBA uất ức chia sẻ.
Cần nhìn rõ vấn đề rằng VBA (giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam) và VBF (Liên đoàn bóng rổ Việt Nam) là những chủ thể hoàn toàn khác nhau, VBF là đơn vị có chức năng cấp phép và giám sát hoạt động tổ chức của VBA, và cũng từ đó những mâu thuẫn bắt đầu xảy ra!
Việc VBA ra đời và phát triển không hẳn nhận được sự ủng hộ của toàn bộ thành viên Ban chấp hành VBF, chính vì thế những cơn sóng ngầm cứ âm ỉ chảy trong những hoạt động của VBA và chính VBF.
Những cơn sóng âm ỉ ấy biến thành đợt sóng thần đầu tiên sau chức vô địch VBA 2018 của Cantho Catfish. Ngoài việc ăn mừng danh hiệu đầu tiên của đội bóng miền Tây, cuộc chiến giữa đội bóng này và Sở Văn hoá TDTT Cần Thơ chính thức được kích hoạt. Cantho Catfish tiết lộ họ gặp rất nhiều khó khăn trong khoảng thời gian tập luyện và thi đấu tại chính sân nhà, ngay lập tức phía Sở Văn hoá TDTT Cần Thơ cũng đáp trả với những lập luận của riêng mình.
Câu chuyện này dẫn tới hệ quả là 9 cầu thủ thuộc biên chế Cần Thơ không được phép tham dự mùa giải VBA tiếp theo. Sau đó 3 cầu thủ Tô Quang Trung, Đàm Huy Đại và Nguyễn Hoàng Tú quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng với đơn vị chủ quản để được tiếp tục tham dự VBA, phía Sở Văn hoá TDTT Cần Thơ thậm chí doạ đâm đơn kiện 3 cái tên kể trên.
Với những cầu thủ còn lại, việc không được tham dự VBA khiến họ ít nhiều gặp phải sự ức chế, nó bùng phát trở thành hành vi tấn công trọng tài Lê Huệ Thông của 2 cầu thủ Cần Thơ tại Đại hội TDTT 2018, kết cục là một đội tuyển bóng rổ giàu truyền thống của Việt Nam cũng chính thức bị xoá sổ!
Khi mọi thứ chưa kịp bình lặng cũng là lúc cơn sóng tiếp theo ập đến, cũng chính từ Đại hội TDTT 2018 câu chuyện Phong cấp VĐV trở thành điểm nóng. Theo phản ánh của một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Thuận thì nhiều VĐV của các địa phương này sau khi đạt thành tích cao tại giải bóng rổ nằm trong khuôn khổ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 8 (năm 2018) lại không được VBF công nhận và không được xét phong đẳng cấp. Chỉ một vấn đề tưởng chừng rất đơn giản nhưng kéo theo những cuộc kiện tụng, va chạm trong nội bộ VBF suốt nhiều tháng trời và chẳng ai chịu nhường ai.
Tạm không bàn về câu chuyện đúng sai, nhưng 2 vấn đề kể trên đủ chứng minh rằng trong chính nội bộ những người có vị trí của bóng rổ Việt Nam vốn đang bằng mặt mà chẳng bằng lòng! Bóng rổ Việt Nam mới chỉ phát triển trong 5 năm trở lại đây, nhưng quá nhiều vấn đề xảy ra khiến những người tâm huyết cũng đang dần nản lòng.
VBA 2021 bị huỷ phần lớn vì tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam đang quá căng thẳng. Nhưng trên thực tế giải bóng rổ Việt Nam được hậu thuẫn rất lớn nhờ các ban ngành Khánh Hoà, nếu nhìn theo hướng tích cực thì các trận đấu thực nghiệm vẫn diễn ra đều đặn và an toàn, nhưng tiếc rằng có những yếu tố chủ quan và khách quan đã khiến con tàu VBA không thể cập bến.
Nếu VBA 2021 dang dở, người yêu bóng rổ Việt Nam vẫn còn hy vọng vào những mùa giải VBA 2022, 2023,… Nhưng nếu những xích mích nội bộ vẫn âm ỉ, bóng rổ Việt Nam sẽ rất khó gượng dậy sau “vài bước thụt lùi”!