Ngô Tuấn Trung: Giữa lằn ranh nhiệt tình và chơi xấu!

thứ năm 2-3-2017 10:01:41 +07:00 0 bình luận
Tuấn Trung chính là đội trưởng tinh thần vực dậy sức chiến đấu của đội nhà, tuy nhiên giữa nhiệt tình và chơi xấu luôn là một ranh giới rất mong manh.

Cú ném bước ngoặt đưa Wings vào chung kết VBA 2016

Ngô Tuấn Trung sinh ngày 10 tháng 2 năm 1985 trong gia đình có truyền thống bóng rổ. Cha của anh là HLV Ngô Thành hiện đang dẫn dắt đội tuyển Quận Tân Bình. Ông là cựu VĐV của đội tuyển Quận 8 ngày xưa.

Ryan Arnold bị Tuấn Trung chăm sóc từ đầu trận chỉ có thể thành công 2/7 pha ném rổ, Đinh Tiến Công khá hơn với 2/5 lần nhưng lại có 3 lần mất bóng, Thành Đạt cũng chịu chung số phận với 3 lần thành công trên tổng số 8 lần ném rổ và cuối cùng khá nhất là Tiến Dương với hiệu suất 57%.

Ryan Arnold bị Tuấn Trung ''chăm sóc'' khá kỹ.
Ryan Arnold bị Tuấn Trung "chăm sóc" khá kỹ. Ảnh Văn Nhân.

Những con số thống kê không biết nói dối, nó cho thấy các cầu thủ vòng ngoài của Hanoi Buffaloes đã vất vả như thế nào trước sự truy cản quyết liệt của chàng cầu thủ có mái tóc bạch kim. Những cống hiến của Tuấn Trung không chỉ dừng lại ở phòng thủ mà anh còn biết tạo điểm nhấn riêng của mình với quả 3 điểm ở đầu hiệp 4.

Theo lẽ thường, một cầu thủ chuyên phòng thủ và phối bài cho đồng đội luôn luôn là lựa chọn cuối cùng để dứt điểm trong bài chạy của đội nhà, nhưng anh đã tự tin ném rổ để mang về 3 điểm cho Wings, đồng thời khởi đầu cho một chuỗi lên 14 điểm.

Xét cho kỹ, Hanoi Buffaloes đã rất hay với chiến thuật phòng thủ khu vực của mình khi làm nản lòng những tay ném của đội chủ nhà. Tuy nhiên, một khi tinh thần và tâm lý của các cầu thủ HCMC Wings hưng phấn thì không có gì là cản phá nổi. 

Lối chơi lăn xả của Tuấn Trung ảnh hưởng tới hiệu quả thi đấu của Hanoi Buffaloes.
Lối chơi lăn xả của Tuấn Trung ảnh hưởng tới hiệu quả thi đấu của Hanoi Buffaloes. Ảnh Văn Nhân.

Cống hiến nhiều, bị chỉ trích cũng nhiều

Trên thực tế, các cầu thủ áo Tím đã trung thành với lối phòng thủ bắt 1 kèm 1 suốt mùa giải VBA 2016, bởi trong tay họ sở hữu rất nhiều các cầu thủ có khả năng di chuyển linh hoạt và bọc lót cho nhau rất tốt, điển hình là Tuấn Trung.

Anh có đầy đủ tốc độ, kĩ thuật và trên hết là quyết tâm lấy lại bóng cho các đồng đội của mình. Anh không hề e ngại những pha va chạm và luôn có mặt ở những điểm nóng trên sân để bắt chết các cầu thủ đối phương đang hưng phấn.

Anh chọn thi đấu ở vị trí hậu vệ cầm bóng với lối chơi phòng thủ là chủ yếu vì có thể hình thấp bé hơn so với các đối thủ khác. Thần tượng của anh là Dennis Rodman, một cầu thủ nổi tiếng với tinh thần thi đấu lăn xả và đôi chút ngông cuồng. Đội bóng Tuấn Trung ưa thích tại NBA là Los Angeles Lakers.

“Tôi có thể hình không được tốt lắm nên chọn cho mình lối đánh phòng thủ là chủ yếu, dùng sức mình để chịu va chạm và hy sinh cho các anh em khác ở mặt trận tấn công”, Tuấn Trung giải thích vì sao mình thủ nhiều hơn công. 

Trong vai trò phòng ngự như Tuấn Trung, ranh giới giữa thủ rắn và chơi xấu khá mong manh.
Trong vai trò phòng ngự như Tuấn Trung, ranh giới giữa thủ rắn và chơi xấu khá mong manh. Ảnh Văn Nhân.

Ấy vậy mà sự nhiệt tình trong phòng thủ đã giúp Tuấn Trung có được trung bình 1,56 steal/trận đã vấp phải không ít tiếng phản đối từ những người hâm mộ vì cho rằng đó là những pha xấu chơi, triệt hạ chứ không phải là thủ rắn.

Trả lời lại những định kiến ấy của một bộ phận khán giả không ủng hộ lối chơi đó của anh, Tuấn Trung cho rằng: “Đối với tôi, bóng rổ là một môn thể thao va chạm. Đôi lúc sẽ có những tình huống va chạm quá mức nên không tránh khỏi việc khán giả nghĩ tôi như thế. Nhưng tôi chơi bóng rổ vì bản thân mình, đạt được mục đích của đội bóng và hoàn thành nhiệm vụ mà HLV giao cho. Còn người khác nghĩ gì thì tôi thấy không quan trọng”

Về những nhận định không tốt của khán giả đối với Tuấn Trung, người đồng đội của anh tại Wings là Triệu Hán Minh cũng bộc lộ những suy nghĩ của mình: “Tôi và anh Trung đã thi đấu cùng nhau gần 10 năm rồi và tôi thấy anh không phải là một cầu thủ hay chơi xấu. Có thể khán giả nghĩ anh chơi xấu vì họ ngồi ở khá xa và không thể có một góc nhìn tốt hơn về tình huống.”

Xem ra, ranh giới giữa phòng thủ tích cực và chơi xấu thật sự quá mong manh! Các cầu thủ chuyên về phòng thủ như Tuấn Trung sẽ luôn phải gánh chịu những chỉ trích từ người hâm mộ nếu lỡ có một tình huống vào bóng tuy không cố ý nhưng gây chấn thương cho một ai đó.

Những cầu thủ chọn cho mình lối chơi phòng thủ như Tuấn Trung luôn cống hiến hết mình cho đội bóng.
Tuấn Trung lựa chọn số áo 11 vì thần tượng Vương Thế Công, cựu VĐV nổi tiếng của Tp.Hồ Chí Minh

Những con số biết nói

Tuy nhiên, nếu nhìn theo một góc nhìn tích cực thì Tuấn Trung nói riêng cũng như các cầu thủ chọn cho mình lối chơi phòng thủ nói chung, họ đang cống hiến hết mình cho đội bóng và cho chính người hâm mộ. Họ chỉ đang nghĩ đến chiến thắng mà hành động.

Tại VBA 2016, Ngô Tuấn Trung đang đứng thứ nhì bảng xếp hạng số đường chuyền kiến tạo trung bình trận với 5,72 và nằm trong Top 10 của bảng xếp hạng số lần cướp bóng trung bình trận với 1,56. Đó chỉ là những con số thành tích cá nhân của Tuấn Trung, còn ảnh hưởng của anh lên đối thủ rõ rệt hơn rất nhiều.

Tiêu biểu là ở trận đấu game 3 trong chuỗi trận Play-off VBA 2016, lúc Wings giật được tấm vé vào chung kết từ tay các cầu thủ Hanoi Buffaloes, những tay ném vòng ngoài của đội khách như Ryan Arnold, Đinh Tiến Công hay Nguyễn Thành Đạt đều giảm hiệu suất ném của mình khi chỉ đạt lần lượt 28,6%, 40% và 37%.

Ngô Tuấn Trung kết thúc một đợt phản công của Wings. Ảnh Văn Nhân.
Ngô Tuấn Trung kết thúc một đợt phản công của Wings. Ảnh Văn Nhân.

Lấy phòng thủ làm điểm mạnh trong lối chơi cùng với tốc độ và kĩ thuật được trui rèn qua hơn một thập niên thi đấu chuyên nghiệp đã tạo nên một Tuấn Trung cực kỳ đặc biệt như bây giờ.

Nhiều người nghĩ rằng anh chỉ biết lao đầu theo bóng để phòng thủ mà không hề biết tấn công là gì, nhưng thực sự phải nhìn nhận lại vì không thể bỏ qua con số trung bình gần 6 đường chuyền kiến tạo mỗi trận. 

"Số 1" cổ điển cần thiết cho Wings

Thi đấu tích cực trong phòng thủ, lấy được bóng và báo chiến thuật cho cả đội chạy để phá được lối phòng thủ của đối phương, Tuấn Trung thuộc kiểu hậu vệ cầm bóng (số 1) cổ điển không hướng mục tiêu của mình vào rổ để đột phá hay thực hiện một pha ném, mà ưu tiên cho những người đồng đội của mình đang ở vị trí thuận lợi hơn.

Tuấn Trung sắm vai trò điều phối bóng trong tập thể gồm nhiều cầu thủ giòi ghi điểm. Ảnh QT.
Tuấn Trung sắm vai trò điều phối bóng trong tập thể gồm nhiều cầu thủ giòi ghi điểm. Ảnh QT.

Trong bóng rổ hiện đại, có rất nhiều kiểu hậu vệ cầm bóng, ví dụ như Tuấn Trung với tầm quan sát tốt và điều phối bóng cho đồng đội được gọi là “pass-first”, Nguyễn Phú Hoàng của Buffaloes là một “scorer” chính hiệu với những pha solo phá nát hàng thủ đối phương, còn Horace Nguyễn của Dragons là một “playmaker” toàn diện với khả năng phán đoán, xử lý tình huống nhanh và trở nên khó đoán do chẳng biết anh sẽ ném rổ, đột phá hay nhả chuyền.

Với một đội bóng HCMC Wings có nhiều cầu thủ ghi điểm như Hán Minh, Huỳnh Hải, Ngọc Tú hay Văn Thanh thì việc có Tuấn Trung góp mặt trong đội hình thực sự rất phù hợp. Số 11 thi đấu không rườm rà, luân chuyển được bóng cho các tay ném và khi mà các đồng đội của mình đang mải mê tấn công thì Tuấn Trung đã lui về trước để đảm bảo an toàn cho phần sân nhà.

Từ câu chuyện NBA với Kawhi Leonard của Spurs hay Igoudala của Warriors ẵm được giải thưởng MVP của chuỗi trận chung kết trong những năm gần đây có thể thấy một đội bóng vô địch luôn sở hữu trong đội hình một cầu thủ phòng thủ tốt và hỗ trợ đồng đội tốt.

Bàn đến câu chuyện VBA với 3 game chung kết sắp tới giữa Wings và Dragons, cả hai đội đều có trong tay những hậu vệ điều phối bóng tốt nhất của giải hiện tại, hứa hẹn một cuộc so tài nhỏ cực kỳ hấp dẫn trong trận đánh lớn khi Tuấn Trung với phong cách cổ điển sẽ đối đầu với Horace Nguyễn được đánh giá là toàn diện! 

Tuấn Trung truy cản Berkeley khá rát. Ảnh QT.
Tuấn Trung truy cản Berkeley khá rát. Ảnh QT.

Thủ lĩnh tinh thần đầy cá tính

Và với lối chơi nhiệt huyết như Tuấn Trung, không khó khăn để bắt gặp tình huống anh tranh cãi với các trọng tài. Hầu như trận nào anh cũng có vấn đề để phàn nàn với những người cầm cân nảy mực, ngay cả khi đó không phải là tình huống thổi phạt của bản thân.

“Tôi làm điều đó vì muốn đấu tranh cho bản thân cũng như các đồng đội của mình. Có nhiều tình huống theo góc độ của tôi thì trọng tài thổi không được chính xác nên tôi muốn nhắc nhở họ ở những tình huống tiếp theo. Tôi muốn bảo vệ các đồng đội để họ yên tâm thi đấu hơn”, Tuấn Trung chia sẻ.

Như webthethao.vn từng phản ánh ở VBA 2016, không ít lần công tác trọng tài gây tranh cãi trong những tình huống quan trọng. Mặc dù những tình huống phàn nàn của Tuấn Trung sẽ đôi lúc làm chúng ta không mấy thích thú do làm gián đoạn trận đấu, nhưng suy cho cùng tất cả là vì đội bóng và vì chiến thắng.

Tuấn Trung tranh cãi với trọng tài là hình ảnh quen thuộc ở các game của HCMC Wings. Ảnh Văn Nhân.
Tuấn Trung tranh cãi với trọng tài là hình ảnh quen thuộc ở các game của HCMC Wings. Ảnh Văn Nhân.

Một cầu thủ dám đấu tranh vì đồng đội như Tuấn Trung, đôi khi bùng phát để vực dậy tinh thần của đội bóng tiêu biểu như pha 3 điểm khởi đầu chuỗi 14 điểm liên tục ở trận vừa rồi, mẫu cầu thủ như vậy xứng đáng là một thủ lĩnh tinh thần của đội bóng áo Tím!

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm