Trước thềm sự kiện VBA Draft 2021 diễn ra chiều 28/4, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam - PGS.TS Đặng Hà Việt đã có những phát biểu về kế hoạch phát triển dài hơi của bóng rổ Việt Nam. Theo đó, VBA chính là bước khởi đầu công cuộc xây dựng bóng rổ phong trào, mà cụ thể hơn là Bóng rổ học đường.
"Chúng ta đã đạt được những thành công nhất định ở mùa giải VBA 2016, nhưng song song với đó, chúng ta nhận được những thông tin phản hồi không được hay lắm. Những người đặt các vấn đề đó ra chưa hiểu được chiến lược lâu dài của Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam. Họ nói VBA là giải đấu của những người nhiều tiền, chỉ cần nhặt VĐV từ khắp nơi trên thế giới, đâu đó ở Việt Nam về gom thành một vài đội và có một giải thi đấu".
"Qua sự kiện này, chúng tôi xin trình bày về chiến lược phát triển bóng rổ Việt Nam. Thứ nhất là mang về một giải đấu chất lượng và hấp dẫn, sử dụng truyền thông để truyền tải đến nhiều người xem, nhiều người chơi hơn. Khi đã có nhiều người xem, nhiều người biết, nhiều người chơi bóng rổ, chúng ta sẽ tiếp tục với bước thứ hai là các chương trình bóng rổ học đường và quay ngược lại xây dựng nền móng".
"Chúng ta bây giờ không thể xây dựng nền rồi mới xây dựng ngọn, vì việc đó chúng ta cần đến vài chục năm để có một giải đấu chất lượng như bây giờ. Chúng ta cần làm một đầu kéo trước để mọi người biết tới bóng rổ, sau đó tạo ra các chương trình phát triển".
"Liên đoàn bóng rổ Việt Nam vừa kí hợp tác với Bộ Giáo dục để triển khai chương trình bóng rổ học đường, cam kết hàng năm tạo ra trên 1.200 - 2.000 câu lạc bộ bóng rổ học đường ở các bậc Tiểu học, Trung học Cơ sở".
Bên cạnh việc thực hiện các chương trình bóng rổ học đường, VBF khẳng định họ đã cùng Giải Bóng rổ Chuyên nghiệp Việt Nam xây dựng một lộ trình vững chắc, không đi theo lối mòn của các môn thể thao khác mà tự tạo ra một hệ thống ưu việt:
"Về công tác đào tạo trẻ, nói thì dễ nhưng làm thì rất khó. Một VĐV từ khi bắt đầu cầm quả bóng tới lúc có thể thi đấu được sẽ mất ít nhất 10.000 giờ trong vòng 10 năm. Bóng rổ Việt Nam và VBA đang làm những bước hết sức chặt chẽ trong công tác đào tạo trẻ".
"Nhiều môn thể thao có yêu cầu về đào tạo trẻ, nhưng không gắn kết tầm quan trọng với lực lượng kế thừa của một câu lạc bộ. Các giải đấu chỉ tạo ra một giải đấu trẻ và yêu cầu các đội chuyên nghiệp có đội tham gia thi đấu. Có những đội vẫn có đội trẻ, nhưng lấy luôn đội Hội Khỏe Phù Đổng đi thi đấu, còn VĐV cấp chuyên nghiệp thì lấy từ những nơi khác về. Ở VBA, chúng ta làm chặt chẽ với lộ trình rõ ràng".
"Trước đây, mỗi đội được bảo vệ 4 cầu thủ, sau này số lượng bảo vệ được giảm xuống còn 3. Điều đó có nghĩa là muốn có đội hình mạnh, đội đó phải có lực lượng VĐV tự phát triển mạnh ở đơn vị. Số lượng cầu thủ bảo vệ sẽ còn giảm xuống còn 2, 1 trong các năm tới, bắt buộc các câu lạc bộ phải đào tạo trẻ, vì đó là lực lượng nòng cốt tham gia trực tiếp vào đội trong tương lai".