Từ bỏ trời Âu để về Việt Nam với mong muốn góp một sức nhỏ cho sự phát triển môn bóng rổ, Stefan Nguyễn cho rằng sự ra đời của Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) sẽ đem lại luồng gió mới cho môn chơi này tại Việt Nam
“Chọn Việt Nam vì chỉ nơi đây thuộc về mình”
-Webthethao.vn: Sinh ra và lớn lên ở Thụy Điển, Stefan Nguyễn cũng từng chơi bóng rổ nhà nghề tại đây. Anh có thể nói gì về những ngày tháng ở đất nước Bắc Âu này?
Ở Thụy Điển có rất nhiều người bản xứ. Họ có thể hình hơn hẳn. 4000 người cùng tuổi thi tuyển để chọn 12 người vào một đội tuyển. Để vào được đó rất là khó. Tôi đã phải cố gắng, nỗ lực hơn nhiều để hay hơn. Tôi trụ vững ở đội U.15, U.16, U.18 và U.20 Thụy Điển. Sau khi góp mặt U.20 Thụy Điển, tôi chính thức bước vào sân chơi chuyên nghiệp ở giải bóng rổ cao nhất của Thụy Điển.
-Đang thi đấu thành công ở Thụy Điển, lý do nào để Stefan chọn Việt Nam?
Tôi đã thi đấu ở đó 4 năm và 2 năm cuối nhận ra nếu tiếp tục chơi ở đây thì cũng khó phát triển. Thời điểm này, tôi có quen với anh Connor Nguyễn của Saigon Heat. Anh đi tìm người gốc Việt khắp thế giới. Chúng tôi có nói chuyện với nhau thông qua Facebook và e-mail. Tuy nhiên, lúc đấy tôi chưa có ý nghĩ sẽ chơi bóng ở Việt Nam. Tôi nghĩ mình có thể chơi ở Tây Ban Nha, Italy, Pháp,…
Tôi cũng từng hứa với bố mẹ khi lớn lên sẽ về quê thăm bà ngoại và bố mẹ cũng mong muốn tôi về lập gia đình ở Việt Nam để lo bổn phận của con cái với tổ tiên. Sau khi suy nghĩ kỹ và nhận lời mời từ anh Connor Nguyễn, tôi đã chọn cho mình thử thách mới.
-Stefan có thể so sánh gì giữa bóng rổ nói riêng, môi trường sống nói chung giữa Việt Nam và Thụy Điển?
Ở Thụy Điển, môi trường sống rất khác. Mọi người chủ yếu tự chơi với nhau. Khi về Việt Nam, tôi mới cảm nhận đây là ngôi nhà thật sự của mình. Không có sự phân biệt. Người dân mình rất thân thiện. Tôi cảm nhận không đi đâu bằng về Việt Nam với cảm giác “I belong to here” (Tôi thuộc về nơi đây). Từ nhỏ đến lớn ở Thụy Điển, tôi chưa bao giờ cảm giác như quãng thời gian ở Việt Nam.
Ngay sau khi hết giải với Saigon Heat, tôi cũng không muốn về Thụy Điển chơi chuyên nghiệp nữa. Thời điểm đó, có một số đội bóng của Thái Lan, Italy đặt vấn đề với tôi song tình yêu cho Việt Nam quá lớn khiến tôi không thể rời xa nơi này. Tôi luôn tâm niệm, nếu có thi đấu thì chỉ chơi cho những CLB trong nước. Thứ cảm giác có được chính là mình được ở trên quê hương mình.
“Chọn Đà Nẵng để giúp lan tỏa môn bóng rổ”
-Lý do nào anh chọn Danang Dragons?
Tôi được làm việc với HLV Donte Hill. Đó là người đàn ông rất sòng phẳng, làm việc rõ ràng. Trước khi tới đây, tôi được nhiều người giới thiệu Đà Nẵng là thành phố rất đẹp, môi trường thân thiện. Hai yếu tố đó phần nào khiến tôi ngay lập tức lựa chọn nơi này.
Hơn hết, tôi muốn góp một sức nhỏ bé của mình để phát triển bóng rổ trên cả nước. Ở TPHCM, bóng rổ có sự phát triển chênh so với các địa phương khác nên việc chọn Đà Nẵng sẽ phần nào lôi kéo một lượng người nhất định tham gia môn thể thao này.
-Gần một mùa giải thi đấu ở đây, theo anh đâu là điểm mạnh, hạn chế của Danang Dragons?
Phong trào chơi bóng rổ ở Đà Nẵng đang dần phát triển. Đó không chỉ là bóng rổ chuyên nghiệp mà còn ở các sân chơi nghiệp dư. Tôi cũng đã thử chơi cùng các bạn và nhận thấy rất nhiều người có khả năng bước vào sân chơi chuyên nghiệp. Hạn chế lớn nhất ở đây là quy mô vẫn còn nhỏ.
“VBA là tiền đề để bóng rổ trở thành bóng đá 2.0 ở Việt Nam”
-Stefan nghĩ gì về giải chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam?
Năm đầu tiên khi tôi về Việt Nam chơi bóng, bóng rổ chưa được phổ biến nhiều. Nhưng sau một năm, tôi thấy rất nhiều người biết đến và chơi môn này. Giải VBA ra đời là chất xúc tác cho môn thể thao còn mới mẻ với người Việt mình. Nó không chỉ quan trọng với các cầu thủ mà còn với cả những người muốn theo dõi bóng rổ.
-Điều anh tâm đắc nhất từ khi về Việt Nam là gì?
So với các nước phương Tây, phong trào bóng rổ ở mình chưa thể sánh bằng nhưng ở Việt Nam, có một điều quý là nhiều người muốn học hỏi. Đi đâu, tôi cũng nhận được câu hỏi “bây giờ em muốn học chơi bóng rổ như anh thì làm như thế nào?”. Từ năm trước đến nay, bóng rổ đã lan rộng ra rất nhiều.
-Muốn phát triển bóng rổ, cần hội tụ những yếu tố nào?
Giờ đã có giải chuyên nghiệp đầu tiên, các phương tiện truyền thông, chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm lớn từ các em nhỏ. Ở đây, tôi nhận ra một điều rằng, có một việc làm rất hay là chúng ta đã mở ra hoạt động “School Visit” (đưa bóng rổ vào học đường).
Tôi cũng như những người bạn Việt kiều được nhìn thấy các em đi học, nhiều người chơi bóng rổ. Học sinh được thử chơi và xem tận mắt các trận đấu. Họ luôn có tư tưởng tôi sẽ như anh ấy.
Trước đây, khi chơi bóng rổ tôi chưa có dịp được gặp những cầu thủ chuyên nghiệp nhưng giờ các em đã có thể tiếp cận, chơi bóng cùng cầu thủ chuyên nghiệp. Đó là điều quan trọng ở giải VBA.
Trong một vài năm nữa, tôi hy vọng sẽ có thêm giải trẻ giành cho các CLB. Và với tốc độ như hiện tại, trong tương lai gần, tôi nghĩ sẽ có giải trẻ riêng của các tuyến U. Hệ thống đào tạo trẻ như các CLB bóng đá vậy.
Sau một vài năm, nhiều học sinh, bạn trẻ sẽ tìm đến bóng rổ còn bây giờ thì làm sao để cho nhiều người biết đến bóng rổ mới là điều quan trọng.
-Anh nghĩ như thế nào về khán giả ở Việt Nam?
Tôi rất thích khán giả Việt Nam, dù đội bóng chơi yếu, thua hay không có cơ hội nhiều trước đối thủ thì họ vẫn cổ vũ nhiệt tình. Khoảng cách giữa cầu thủ với người hâm mộ không quá xa, chúng tôi cứ như bạn bè chứ không phải là “idol” (thần tượng) trong mắt họ. Khi thi đấu ở sân khách về, ngay khi đặt chân ở sân bay, có rất nhiều người ra chào đón.
-Nếu có một sự so sánh nào đó giữa VBA và ABL, anh có thể nói gì?
Tôi nghĩ VBA sẽ không mạnh bằng ABL hay các giải đấu trước mà tôi từng thi đấu. Tuy nhiên, sau gần 1 mùa giải tôi đã có cái nhìn khác. Ở VBA, cả nội binh lẫn ngoại binh chơi rất hay. Trình độ VBA có thể tiệm cận với ABL.
-Cảm ơn anh về cuộc trao đổi!
Stefan Nguyễn thích đi giày Kobe II Fundarental và KD9. Theo lý giải của anh thì những loại giày này không có cao. Nó như giày bóng đá vậy, giúp anh có thể chạy nhanh hơn cũng như dễ dàng đổi hướng khi di chuyển. |
Màn trình diễn của Stefan Nguyễn trước HN Buffaloes: