>>> Cơ duyên từ quán game đến khoảnh khắc úp rổ làm “bùng nổ” của Đức Kiên
Trong trận đấu giữa Hanoi Buffaloes và Danang Dragons diễn ra vào cuối tuần qua, tài năng trẻ cao 1m98 của Hanoi Buffaloes là Phạm Đức Kiên đã có một pha úp rổ làm bùng nổ NTĐ Bách Khoa.
Cầu thủ sinh năm 1998 sau khi nhận một đường chuyền phản công nhanh từ sân nhà đã có rất nhiều khoảng trống để dứt điểm ngay dưới rổ. Nguyễn Tuấn Vinh của Danang Dragons là cầu thủ phòng ngự đứng gần Phạm Đức Kiên nhất và Vinh đã làm tất cả để ngăn cản Đức Kiên ghi điểm. Tiếc rằng nỗ lực phòng ngự của Tuấn Vinh chỉ điểm thêm nét đẹp cho pha úp rổ đậm chất “posterize” của Phạm Đức Kiên.
Đây cũng chính là pha úp rổ đầu tiên của một cầu thủ nội tại VBA và pha úp rổ này đến từ một trong hai cầu thủ nội có chiều cao tốt nhất giải. Với chiều cao xấp xỉ 2 mét, Phạm Đức Kiên đương nhiên có thể úp rổ vô cùng dễ dàng. Cú úp rổ của Đức Kiên khiến cả NTĐ Bách Khoa nổ tung, và trở thành chủ đề được nhắc đến nhiều trên các diễn đàn bóng rổ sau đó.
Nhưng câu hỏi đặt ra là: Tại sao việc một cầu thủ nội úp rổ lại gây chú ý đến vậy, và đến bây giờ mới có cầu thủ nội tạo ra khoảnh khắc bùng nổ như thế?
Video: Pha úp rổ của Phạm Đức Kiên trong trận đấu với Danang Dragons
Úp rổ luôn là một mục tiêu lớn của rất nhiều vận động viên bóng rổ. Từ cấp độ chuyên nghiệp đến bán chuyên và phong trào, các VĐV luôn tìm cách cải thiện sức bật để hướng đến việc có thể úp rổ thành công và ít nhất là có thể úp rổ được trong lúc thi đấu.
Tuy nhiên để úp rổ cần một sức bật cực kỳ tốt đến từ VĐV, nhất là với thể trạng chung của người Việt Nam (chiều cao của phần lớn các cầu thủ bóng rổ vào khoảng từ 1m75 đến 1m85) việc úp rổ vẫn là một kỹ thuật khá khó khăn.
Vì sao các cầu thủ ngoại có chiều cao tương đương với cầu thủ Việt Nam nhưng vẫn có thể úp rổ được, thậm chí ngay cả trong khi thi đấu? Có rất nhiều lý giải, nhưng có 3 lý do được coi là chính:
Việc tiếp xúc với bóng rổ khá muộn của phần lớn VĐV Việt Nam
Các VĐV ở những quốc gia phát triển, đặc biệt là những VĐV chuyên nghiệp thường được tập luyện từ độ tuổi còn khá trẻ. Đa số các cầu thủ có tên tuổi ngày nay thường tiếp xúc với môn thể thao mình yêu thích ở độ tuổi khá nhỏ (dưới 10 tuổi). Kể từ thời điểm đó, các cầu thủ thể hiện đủ tố chất và đủ tiềm năng sẽ được các bậc cha mẹ đưa đến những cơ sở riêng biệt để phát triển tối đa tố chất của mình.
Việc các VĐV được chú trọng phát triển theo đúng khả năng từ khi còn rất nhỏ chính là một trong những điểm khác biệt rất lớn giữa môi trường thể thao ở các nước phát triển so với tại nước ta. Ngày nay, nhiều cầu thủ chuyên nghiệp đang thi đấu tại VBA như bộ đôi Lê Ngọc Tú - Nguyễn Huỳnh Hải chỉ thực sự tập trung vào bóng rổ ở đầu những năm học cấp 3, như vậy là khá muộn so với mặt bằng chung ở các nước phát triển.
Tuy nhiên, Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam (VBF) hay VBA đang rất nỗ lực để cải thiện điều này. Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất chính là chương trình Jr.NBA Vietnam, nơi tìm ra những tài năng bóng rổ ở những độ tuổi nhỏ (từ 10 đến 14 tuổi).
Bên cạnh đó, những sự kiện School Visit được thực hiện bởi VBA, đưa các đội bóng đang thi đấu tại VBA đến với các trường học cũng sẽ kích thích phong trào bóng rổ ngày một phát triển hơn. Đặc biệt là khi được tiếp xúc với những ngôi sao của mình, các em học sinh còn nhỏ sẽ có một nguồn động lực lớn hơn để giữ lửa đam mê.
Thể trạng và chế độ tập luyện của các cầu thủ
Nếu so sánh giữa một VĐV bóng rổ Việt Nam và một VĐV bóng rổ nước ngoài có chiều cao tương đương, sự khác biệt lớn nhất thường nằm ở Athleticism. Đây là một khái niệm bao gồm nhiều tố chất của một VĐV như thể lực, sức bền, sức bật, khả năng bứt tốc, tốc độ hay khả năng chịu va chạm…
Chính vì các VĐV nước ngoài được tiếp xúc môn thể thao yêu thích của mình từ khá sớm, nên họ có cơ hội thực hiện những chương trình tập luyện phù hợp hơn.
Theo một số chuyên gia về thể chất ở nước ngoài, Athleticism với riêng môn bóng rổ thường được hình thành tốt nhất là trong độ tuổi từ 13-18 tuổi, và cần phải được luyện tập liên tục từ năm 18 tuổi đến hết quãng thời gian thi đấu chuyên nghiệp để giữ cơ thể ở thể trạng tốt nhất.
Còn với các VĐV Việt Nam, môi trường tập luyện, thi đấu và một số vấn đề bên lề khác thường không cho phép các cầu thủ tập luyện quanh năm hay hoàn toàn tập trung vào việc phát triển và duy trì thể trạng. Để phát triển và duy trì thể trạng tốt nhất, một VĐV cần có những chương trình tập luyện riêng và phải tập luyện quanh năm.
Trong khi đó, phần lớn các VĐV tại Việt Nam vẫn chỉ được chú trọng tập luyện về mặt kỹ thuật và chiến thuật chứ chưa được chú trọng về mặt thể chất. Bên cạnh đó, việc tập luyện thường chỉ được chú trọng ở gần giai đoạn diễn ra các giải đấu lớn, đây chính là một trong những khác biệt rất lớn giữa các VĐV chuyên nghiệp ở Việt Nam so với các nước phát triển.
Tuy nhiên, việc tập luyện quanh năm vẫn là một yêu cầu khó đối với nhiều cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp Việt. Có rất nhiều lý do, nhưng phần lớn trong số đó là nhiều cầu thủ sau khi kết thúc những giải đấu lớn như một số giải thuộc hệ thống giải của Liên Đoàn hay Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA), họ sẽ trở về cuộc sống đời thường với những nghề nghiệp khác nhau. Vì vậy việc duy trì tập luyện như những cầu thủ nước ngoài là một nghiệm vụ không hề đơn giản.
Nguy cơ dẫn đến chấn thương nguy hiểm
Bên cạnh những lý do về thể chất, một trong những lý do hạn chế việc úp rổ của các cầu thủ chuyên nghiệp chính là nguy cơ dẫn đến chấn thương. Khác với vẻ hào nhoáng bên ngoài của những tình huống úp rổ, các VĐV luôn bị đặt vào trạng thái nguy hiểm trong những pha tiếp đất sau đó.
Trong mỗi pha úp rổ, các VĐV luôn phải đối mặt với một pha tiếp đất nguy hiểm vì độ cao mà họ chuẩn bị đáp đất thường cao hơn so với bình thường. Đó là lý do nguy cơ gặp chấn thương trong các pha úp rổ sẽ cao hơn những tình huống hai bước lên rổ như bình thường. Bên cạnh đó, trong môi trường thi đấu với những va chạm bất ngờ, nguy cơ chấn thương thậm chí còn cao hơn.
Mặc dù chưa có nhiều trường hợp gặp chấn thương nghiêm trọng ở cấp độ chuyên nghiệp, nhưng ở các giải đấu phong trào hay tại các sân tập, đã có rất nhiều trường hợp vì úp rổ đã dẫn đến những chấn thương đáng tiếc. Trong đó bao gồm cả việc tiếp đất sai dẫn đến chấn thương về chân (dây chằng, khớp gối, mắt cá) hay những tình huống bị trượt té dẫn đến gãy tay và những chấn thương khác.
Đây cũng là một trong những lý do chính mà các cầu thủ thường truyền tai nhau để hạn chế việc các đồng đội của mình úp rổ ngay cả khi không có ai kèm, hạn chế hoặc nên bỏ tuyệt đối việc úp rổ trong lúc thi đấu, mặc dù họ vẫn úp rổ rất thường xuyên và dễ dàng trong các buổi tập.
Úp rổ luôn là một pha bóng đậm chất biểu diễn và thường được thấy ở những cầu thủ có chiều cao rất tốt (từ 1m95-2m trở lên, đa phần là các VĐV ngoại). Không phải vì các cầu thủ nội không thể úp rổ mà đơn giản là do họ không có lý do nào để làm điều đó. Một pha hai bước lên rổ để ghi điểm sẽ dễ dàng và chắc hơn rất nhiều, nhất là với thể trạng của các VĐV nội.
>>> Cơ duyên từ quán game đến khoảnh khắc úp rổ làm “bùng nổ” của Đức Kiên
Một pha úp rổ hụt như của “độc cô cầu bại” Nguyễn Văn Hùng trong trận đấu gần đây giữa Thang Long Warriors và Hochiminh City Wings đáng ra đã là một pha ghi 2 điểm dễ dàng, nhưng giờ đây nó đã.trở thành một tình huống hài hước tại VBA năm nay.
Video: Pha úp rổ hụt của Nguyễn Văn Hùng trong trận đấu với Hochiminh City Wings