Binh khí chuyên sâu: Kỹ thuật song kiếm, ngắn và dài hay cả hai đều dài

Y Tông
thứ ba 7-1-2020 2:40:00 +07:00 0 bình luận
Có phải song kiếm chỉ là việc dùng hai tay hai kiếm? Hay mọi thứ còn cần nhiều hơn thế?

Không khó để nhìn thấy một cao thủ võ lâm dùng hai tay hai kiếm trong các bộ phim kiếm hiệp, nhưng có cao thủ thì dùng cả hai thanh kiếm dài, có vị đại hiệp lại dùng một thanh ngắn, một thanh dài. Vậy đâu mới là phiên bản hoàn chỉnh nhất của kỹ thuật song kiếm?

Khi nhắc đến song kiếm, ta không thể không nhắc đến người sử dụng thành công và thành danh nhất lịch sử, Miyamoto Musashi. Ông không chỉ nhìn ra được các lỗ hổng trong các môn phái kiếm thuật mà còn chỉ ra được cách để khắc phục và cải thiện nó. Ngũ Luân Thư là bộ sách mà ông đã viết ra để nói về kỹ thuật của mình, và tới tận bây giờ nó vẫn là bộ sách nhất định phải đọc qua nếu bạn là người đam mê kiếm thuật.

Musashi sử dụng một thanh kiếm ngắn và một thanh kiếm dài để chiến đấu, và ông đã chiến thắng tất cả đối thủ trong cuộc đời mình. Trùng hợp thay, cách đó nửa vòng trái đất tại châu Âu, các kiếm sĩ đã sử dụng vũ khí giống như Musashi, chỉ khác là họ thay thanh kiếm ngắn bằng một con dao. Những kỹ thuật dùng hai vũ khí này đã tồn tại trước khi Musashi sinh ra hơn 100 năm, trong khi đó thế giới lại cực kỳ ít ghi chép về kỹ thuật dùng hai kiếm dài cùng một lúc.

Các kỹ thuật song kiếm của Miyamoto Musashi

Vậy một kiếm ngắn và một kiếm dài lợi hại hơn hai kiếm dài ở điểm nào?

Đầu tiên là về sự linh hoạt. Khi dùng cả hai kiếm dài để chiến đấu, rất dễ bị va chạm cả hai vũ khí vào nhau, những va chạm này dễ dàng tạo bất lợi khi phải chiến đấu với một đối thủ giàu kinh nghiệm và kỹ thuật. Việc thiếu đi sự linh hoạt trong chiến đấu dễ dàng tạo thành điểm yếu chết người.

Khác với trường hợp trên, một thanh kiếm ngắn và một thanh kiếm dài sẽ không gặp quá nhiều vướng víu, khó bị va vào nhau hơn. Chưa kể đến khi đối phương tấn công, ta có thể gạt đòn bằng thanh kiếm dài và dùng thanh kiếm ngắn để đâm vào. Kỹ thuật đơn giản này lại trở thành bất khả thi nếu người dùng kiếm sử dụng cả hai thanh kiếm dài như nhau.

Binh khí chuyên sâu: Kỹ thuật song kiếm, ngắn và dài hay cả hai đều dài

Kỹ thuật dùng kiếm và dao của fencing

Một ví dụ khác là tư thế đỡ kiếm chữ thập, mặc dù trên thực tế không ai khuyến khích làm động tác này cho dù nhìn chúng rất "ngầu". Nếu bạn dùng cả hai kiếm dài thì sẽ phải chịu một lực kha khá lớn do vị trí chịu lực nằm xa tay bạn, sẽ rất khó để bạn có thể thu một tay về và đâm hoặc chém vào đối phương vì bạn đang bị thiếu lực.

Với một kiếm ngắn và kiếm dài, điều này sẽ khá dễ xử lý hơn. Bạn có thể dùng kiếm ngắn để đỡ và chịu lực vì vị trí chịu lực nằm gần tay bạn, nên bạn sẽ dễ dùng lực chống lại hơn. Sau đó bạn có thể dùng tay cầm kiếm dài để đâm chém đối phương.

Binh khí chuyên sâu: Kỹ thuật song kiếm, ngắn và dài hay cả hai đều dài

Dùng dao hoặc kiếm ngắn để chịu phần lớn lực sẽ giúp tay còn lại làm việc dễ dàng hơn

Dù vậy kỹ thuật dùng cả hai kiếm có chiều dài bằng nhau không phải là không tồn tại. Tại Thái Lan có một môn võ tên là Krabi-krabong, môn võ này sử dụng cả hai thanh kiếm có chiều dài bằng nhau. Tuy nhiên thanh kiếm mà họ sử dụng là daad song mue có chiều dài lưỡi kiếm chỉ khoảng 45cm tới 50cm. Với chiều dài không quá lớn nên sẽ dễ dàng thao tác các kỹ thuật và khó bị va chạm vũ khí hơn.

Krabi-krabong tại Tiger Muay

Ngoài ra fencing cũng có các kỹ thuật dùng song kiếm dài. Tuy nhiên những kỹ thuật này đa phần đều có khá nhiều khuyết điểm, bị sơ hở nhiều nhất là phần thân và mặt.

Nhìn chung các kỹ thuật dùng cả hai vũ khí hầu hết đều cần ít nhất một món không có chiều dài quá lớn để dễ dàng điều khiển và thao tác. Còn những trường hợp dùng cả hai thanh kiếm dài để chiến đấu thì chắc chỉ có trong các bộ phim kiếm hiệp mà thôi.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm