Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử có thể dễ dàng nhìn thấy nhiều loại vũ khí khác nhau. Chỉ đơn thuần mỗi đao và kiếm đã có rất nhiều loại khác nhau. Khác biệt thiết kế là thứ dễ dàng nhìn thấy nhất nhưng độ dày của lưỡi kiếm thường không được chú ý đến. Nhiều thanh kiếm có phần lưỡi rất mỏng nhưng số lượng lượng kiếm dày cũng không hề ít. Vậy tại sao lại có sự khác biệt như vậy?
Sự khác biệt theo thời gian
Lấy châu Âu làm ví dụ, trong thời gian đầu những thanh longsword hay messer luôn có lưỡi dày và nặng. Vài trăm năm sau dần dần thay đổi thành những thanh rapier có lưỡi kiếm mỏng nhẹ.
Châu Âu một thời gian dài luôn xảy ra chiến tranh giữa các nước. Với việc có giàu tài nguyên khoáng sản, những bộ giáp trụ và vũ khí luôn được tung ra chiến trường với số lượng lớn. Điều này khiến cho việc cần sử dụng những món vũ khí có độ bền cao và có sức đập trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Đến khi những khẩu súng đầu tiên phát triển, những thanh kiếm dần mất đi chỗ đứng trên chiến trường và những bộ giáp cũng có số phận tương tự. Những thanh kiếm lưỡi to dày nhường chỗ cho những thanh kiếm có lưỡi mỏng nhỏ. Và do việc giáp trụ đã không còn tồn tại nên chỉ cần một nhát đâm chính xác là có thể kết liễu đối phương.
Vậy lưỡi kiếm dày và mỏng, cái nào lợi hại hơn?
Những thanh longsword có lưỡi kiếm to dày
Sẽ cần phải tùy thuộc vào mục đích sử dụng của vũ khí. Như đã nói ở phía trên, trước khi súng được phát minh thì những bộ giáp trụ gần như là thứ sẽ bảo vệ người lính một cách hoàn hảo. Và trong thời gian này những tấm khiên thường được làm bằng gỗ bọc da thuộc, để có thể phá hủy tấm khiên sẽ cần phải có một thanh kiếm có lưỡi dày.
Lưỡi kiếm càng dày càng dễ tách các thớ gỗ, đây cũng là một trong những lý do tại sao rìu bổ củi thường có đầu to dày. Đi cùng với đó là sức chịu va đập, mặc dù nhiều hiệp sĩ chọn mang theo các vũ khí có sức va đập lớn như búa hay chùy nhưng kiếm vẫn là một vật bất ly thân. Nếu sử dụng khéo léo hoàn toàn có thể dùng để đâm vào các kẽ hở của áo giáp, ngoài ra longsword luôn là một thanh kiếm đa năng. Nếu cầm lưỡi kiếm hoàn toàn có thể biến thanh kiếm thành một cây chùy. Chính những điều đó khiến cho những thanh kiếm cần phải có lưỡi dày, không chỉ tạo tác động lên giáp và khiên mà còn cả về độ bền của vũ khí.
Longsword còn có kỹ thuật cầm tại lưỡi kiếm để sử dụng như một chiếc chùy chiến đấu
Còn những thanh kiếm có lưỡi kiếm mỏng như rapier là một vấn đề khác. Đây là những vũ khí xuất hiện vào thời kỳ những khẩu súng ra đời và những bộ giáp đồ sộ mất đi chỗ đứng. Những thanh kiếm trở nên phổ biến vì độ tinh tế cùng với sự gọn nhẹ, đây là điều các quý tộc rất thích. Cả quân đội và thường dân cũng sử dụng, độ phổ biến lan rộng hơn bao giờ hết. Không còn chịu sự ngăn cản của giáp sắt, người sử dụng hướng đến cách nhanh nhất để kết liễu đối phương đó là một nhát đâm chính xác. Vũ khí được làm gọn nhẹ, dồn trọng lượng vào tay cầm và chuôi, lưỡi kiếm mỏng và thon nhọn dễ dàng cắt đôi một tờ giấy chỉ bằng một cái vung kiếm.
Rapier có thiết kế mỏng, nhỏ, rất quý tộc
Lưỡi kiếm dày sẽ tạo ra lực vung và khối lượng đáng kể lên mục tiêu. Dễ dàng phá hủy mọi thứ trên đường đi, nhưng nó sẽ thiếu đi tốc độ do khối lượng. Với lưỡi kiếm mỏng nhẹ sẽ đáp ứng được vấn đề tốc độ cùng với độ mỏng nên sẽ đi rất sâu vào mục tiêu. Tuy nhiên với một mục tiêu có độ cứng như một tấm khiên gỗ thì lưỡi kiếm mỏng nhẹ sẽ bị ngăn cản ngay lập tức. Còn lưỡi kiếm dày sẽ dễ dàng đi tiếp trước khi bị kẹt lại.
Hãy thử tượng điều này với việc làm bếp. Một con dao thái thịt có thể cắt thái rất dễ dàng và có thể cắt ra những lát thịt rất mỏng. Nếu đem con dao này đi chặt xương thì chắc chắn không thành công. Ngược lại con dao chặt có thể hoàn thành công việc một cách hoàn hảo, nhưng để thái thịt thì lại hơi khó khăn.
Kiếm cũng vậy, tùy theo công dụng cùng với nhu cầu thay đổi về mặt quân sự và chiến tranh theo thời gian. Những lưỡi kiếm dần thay đổi để phù hợp với yêu cầu trên chiến trường. Điều này không chỉ diễn ra ở châu Âu mà ở nhiều nước châu Á cũng có sự thay đổi này. Dù vậy nó lại diễn ra khá chậm chạp.
Nhật không có sự thay đổi quá nhiều về lưỡi kiếm trong lịch sử
Nhật có lẽ là nước duy nhất không thay đổi cấu trúc và độ dày của lưỡi kiếm, thứ duy nhất thay đổi là độ cong của lưỡi kiếm qua từng thời kỳ. Dù vậy Nhật lại là một trong những nước đầu tiên ở châu Á bắt đầu sử dụng và trang bị súng cho quân đội sớm nhất.
Mặc dù ở thời hiện đại đã không còn sử dụng những thanh kiếm trên chiến trường nhưng độ dày của những lưỡi kiếm được áp dụng vào những con dao quân dụng và đa năng. Những loại dao khác nhau có công dụng khác nhau và độ dày lưỡi cũng vậy, tất cả đều từ những kiến thức của các thợ rèn từ hàng trăm hàng nghìn năm trước. Và chúng vẫn hữu dụng cho đến tận bây giờ.