Nhu đạo có tên gọi tiếng Nhật là 柔道, ngoài ra nó còn được biết đến tên gọi khác là Judo. Đây là môn võ truyền thống của đất nước Nhật Bản, được sáng lập bởi Tổ sư Kano Jigoro vào năm 1882.
Theo đó, chữ Ju trong Judo có nghĩa là "nhu", là sự uyển chuyển, khéo léo; chữ Do là "đạo" với nghĩa lấy nhu thắng cương. Ghép lại có thể hiểu được phần nào nhu đạo (Judo) tức là môn võ mang tinh thần thể thao cao, kết hợp sự uyển chuyển để khống chế đối thủ, lấy nhu thắng cương.
"Nói Judo phức tạp cũng không phải phức tạp, đơn giản lại cũng không đơn giản, nó nằm ở mức vừa vừa tầm trung," HLV Nguyễn Thanh Tài của đội tuyển Judo Quân Khu 7 chia sẻ. "Khi vận động viên chuyên tâm tập luyện, người ta sẽ học từng bước, để hóa giải những cái phức tạp ấy thành đơn giản."
Đặc trưng của Judo là các tư thế ném ngã
Mức độ phổ biến của Judo là vô cùng lớn, ngay từ thời điểm môn võ này ra đời vào thế kỷ 19. Đất nước Nhật Bản đã xem Judo là môn quốc võ, trước khi Judo chính thức được đưa vào thi đấu ở Olympic Tokyo năm 1964.
Judo chủ yếu vận dụng đòn quật ngã, sau đó là đè, xiết cổ, khóa tay, khóa chân. Ngoài ra, những đòn như đâm, chém dùng bàn tay, bàn chân cũng nằm trong đó nhưng chỉ được sử dụng khi đã được sắp xếp để biểu diễn, tuyệt đối không dùng trong thi đấu và luyện tập.
"Đặc trưng của Judo là các tư thế ném ngã. Một đòn ném ngã sẽ có 3 giai đoạn," HLV Nguyễn Thanh Tài giải thích. "Đầu tiên là kéo cho đối phương mất thăng bằng, giai đoạn thứ hai là thực hiện kỹ thuật, giai đoạn thứ ba là ném ngã. Nói thì nói dài, nhưng mình thực hiện đòn chỉ trong một vài tích tắc, chỉ một hai giây."
Học viên của môn võ này được gọi là Judoka. Những người này sẽ hiểu rõ nhu đạo có tinh thần giống với thái cực quyền, áp dụng nguyên lý tá lực đả lực - mượn sức đánh sức. Bất cứ môn võ nào cũng sẽ có những lời răn dạy riêng dành cho người theo học, Nhu đạo cũng vậy - với các Judoka, chữ "Đạo" luôn được coi trọng nhất. Những điều tâm niệm này sẽ theo người học Judo cả quãng đời về sau để luôn biết cách tu thân, làm những việc có ích cho xã hội.