Vì sao võ sĩ đô vật biểu diễn khó thành công ở đấu trường MMA

Hồ Võ
thứ năm 2-5-2019 11:00:11 +07:00 0 bình luận
Dù Brock Lesnar đã từng khá thành công trên đấu trường MMA nhưng thực tế anh lại là một ngoại lệ của làng đô vật

Trên thực tế, các võ sĩ đô vật biểu diễn có rất nhiều bất lợi nếu muốn chuyển sang thi đấu MMA. Brock Lesnar chỉ là một ngoại lệ hiếm hoi. Còn lại, tất cả các đô vật đều phải tính đến những vấn đề sau đây nếu như muốn "kiếm cơm" trong làng võ tổng hợp:

Chất cấm

Các đấu trường đô vật biểu diễn như WWE không có tính "cạnh tranh thể thao", nên cũng không có khái niệm "công bằng" nào cả. Tất cả là những kế hoạch, kịch bản mà các võ sĩ phải thực hiện được theo cách hay nhất, đẹp nhất có thể.

Vì thế, các võ sĩ đô vật biểu diễn khá thoải mái trong việc sử dụng các chất giúp phục hồi cơ thể, tăng cơ bắp, tuần hoàn hay thậm chí một số loại chất tác động đến thần kinh như thuốc giảm đau. Dĩ nhiên vẫn có một số hạn chế, chẳng hạn như việc cấm sử dụng ma túy, tuy nhiên về cơ bản WWE vẫn khá dễ dãi trong khoản này. 

Thực tế các võ sĩ đô vật biểu diễn chỉ quan tâm đến tính hiệu quả và an toàn về mặt sức khỏe của các loại chất sử dụng. Trong khi đó, MMA lại có sự quy định và kiểm soát gắt gao với các loại chất cấm. Vậy nên khi võ sĩ đô vật biểu diễn chuyển sang thi đấu võ tổng hợp, có khi họ thậm chí còn không biết mình đã vô tình "nốc" phải những loại chất cấm nào. 

Các võ sĩ MMA phải thuộc nằm lòng danh sách chất cấm cũng như các loại thực phẩm bổ sung vừa hiệu quả, vừa không có chất cấm. Trong khi đó các đô vật lại... "xả láng"

Việc loại bỏ chất cấm không chỉ đơn giản là ngưng dùng thuốc bởi lẽ dư lượng chất cấm có thể tồn đọng trong cơ thể rất lâu, đặc biệt là với các võ sĩ đô vật biểu diễn - những người có tỉ lệ mỡ trong cơ thể khá cao dẫn đến dễ tồn đọng dư lượng thuốc.

Thể trạng

Các võ sĩ đô vật biểu diễn phải xây dựng một hệ cơ bắp đồ sộ vì hai mục đích: "tạo nét" cho hình tượng cá nhân, đồng thời giúp giảm chấn thương do va đập hay vặn bẻ khớp. Nếu so với MMA, hầu hết các đô vật đều rơi vào hạng cân Heavyweight (và một số ở Light Heavyweight). Đây lại chính là hai hạng cân nhiều "cá mập" nhất mọi đấu trường MMA, nơi mà các võ sĩ sẽ trả giá rất nhanh cho những sai lầm nhỏ nhặt nhất. Rõ ràng, nó không phải đấu trường phù hợp cho dân "tay ngang" nhảy vào.

Các đô vật nếu chuyển sang MMA hầu hết sẽ thi đấu ở Heavyweight - "bể cá mập" không bao giờ có chỗ cho "dân tay mơ"

Nhìn vào thực tế, có thể thấy rất nhiều võ sĩ ở các hạng cân nhỏ hơn (từ Lightweight trở xuống) thành công dù xuất thân từ chế độ tập luyện khá hạn chế khi phải làm nghề tay trái. Trong khi đó, Light Heavyweight trở lên lại không có nhiều ngoại lệ.

Tính chất cơ bắp

Cùng là "cơ bắp" nhưng quá trình tập luyện cho những mục đích khác nhau sẽ khiến cho tính chất cơ bắp của võ sĩ MMA và dân đô vật khác nhau hoàn toàn. Cơ bắp của các đô vật khá đẹp về mặt thẩm mỹ, có lực cơ tốt nhưng lại thiếu đi hai yếu tố quan trọng nhất trong MMA: sức bền và độ linh hoạt.

Để thành công trong MMA, các đô vật phải trải qua một quá trình tập luyện gần như "đập đi xây lại" toàn bộ hệ cơ, một quá trình tốn khá nhiều thời gian và công sức.

Vì sao võ sĩ đô vật biểu diễn khó thành công ở đấu trường MMA

Cơ bắp của đô vật WWE được xây dựng cho mục đích chịu đòn và... quật nhau như quăng tạ, không có độ bền và linh hoạt cần thiết cho võ tổng hợp

Chấn thương

Thực tế các võ sĩ MMA và đô vật biểu diễn có tỉ lệ chấn thương không quá khác biệt. Tuy nhiên, nếu như các võ sĩ MMA thường hứng chịu chấn thương khớp xương ngón, đầu gối hay các tổn thương vùng mặt thì chấn thương của dân đô vật hầu hết lại ở cột sống. Chấn thương dạng này khiến cho các đô vật rất khó chuyển sang thi đấu các bộ môn đòi hỏi độ linh hoạt cao như võ tổng hợp.

Mức độ phát triển trình độ MMA

Khoảng 10 năm trước, MMA vẫn là mảnh đất vàng cho những người "di cư" từ thế giới wrestling hoặc chế độ tập luyện hạn chế. Quy luật này cũng giống như việc Royce Gracie chỉ dùng Brazilian Jiujitsu thống trị MMA vào thập niên 90 thế kỷ trước nhưng điều đó không bao giờ xuất hiện lại một lần nữa.

Sự phát triển trình độ chung của làng MMA khiến "dân tay ngang" không còn nhiều đất sống và định hình đấu trường võ tổng hợp thành sân chơi thực sự thuộc về những người có thâm niên tập luyện nhiều năm ở chế độ nghiêm túc, bài bản.

Vì sao võ sĩ đô vật biểu diễn khó thành công ở đấu trường MMA

Công bằng mà nói, kể cả Brock Lesnar (đô vật hiếm hoi thành công ở MMA) cũng gia nhập UFC vào một thời điểm vẫn khá "dễ thở" về mặt chuyên môn (năm 2008)

Dĩ nhiên, các đô vật có khá nhiều lợi thế như thể chất tốt, tâm lý chịu đòn khá "trâu" nhưng về cơ bản, họ đã dành gần như toàn bộ thời gian để "tập - diễn" chứ không phải "tập - đấu". Họ gần như không có cơ hội tìm kiếm sự công bằng khi đối đầu với võ sĩ MMA - một thế hệ võ sĩ mà thậm chí kể cả những người ở trình độ nghiệp dư cũng đã bỏ túi gần 10 năm tập luyện.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm