Nguyễn Thị Tuyết Mai có lẽ là võ sĩ đặc biệt nhất của đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32. Có lẽ, ít ai để ý rằng nữ võ sĩ 34 tuổi này từng giành huy chương vàng môn Muay tại kì SEA Games 25 trên đất Lào, cũng là tấm huy chương vàng đầu tiên của Muay Việt Nam ở các kì Đại hội thể thao khu vực.
Trước khi SEA Games 32 diễn ra, Tổng cục Thể dục thể thao đã giao nhiệm vụ cho Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam thành lập đội tuyển Võ cổ truyền Quốc gia, tham dự môn Kun Bokator (Võ cổ truyền Campuchia) ở nước bạn. Một lần nữa, Tuyết Mai tiếp tục được trao hi vọng khi khoác lên vai màu áo Võ cổ truyền mà cô đã theo đuổi suốt 20 năm qua.
"Tôi tập luyện võ cổ truyền từ 2003 và vẫn thi đấu tới tận ngày hôm nay. Khi được gọi lên thi đấu quốc tế ở môn võ khác, tôi rất tự hào khi có cơ hội đem võ cổ truyền Việt Nam lên sàn đấu, thi đấu với các bạn bè nước khác."
Ở tuổi 34, Tuyết Mai phải đối mặt nhiều vấn đề của môn vận động viên võ thuật đỉnh cao. Trong thời gian tập trung đội tuyển, người đồng đội Nguyễn Kế Nhơn đã gặp chấn thương và phải rút lui. Đây cũng là thách thức lớn nhất trong quá trình chuẩn bị của Mai giữa một dàn vận động viên trẻ, đặc biệt khi cô được xem là "đầu tàu" thôi thúc tinh thần cho các đồng đội.
"Sau khi nghe tin đồng đội gặp chấn thương, tôi cũng rất lo vì anh Kế Nhơn cũng ngang tuổi mình, liệu người tiếp theo gặp chấn thương có phải là mình không? Trong thời gian tập luyện, tôi chỉ sợ mình không thể hoàn thành nhiệm vụ mà các lãnh đạo đưa ra. Trong đội, tôi cũng là vận động viên lớn tuổi nhất, do đó, ngoài nhiệm vụ cá nhân, tôi cũng muốn bản thân mình có thể truyền được động lực cho các vận động viên trẻ duy trì tinh thần thi đấu."
Kun Bokator là môn võ có truyền thống hơn 2000 năm lịch sử của dân tộc Khmer, được Campuchia "hồi sinh" sau thời gian dài đối mặt nguy cơ thất truyền trong cuộc diệt chủng do chế độ Khmer Đỏ gây ra. Việc đưa Kun Bokator vào chương trình thi đấu SEA Games 32 là cách để Campuchia quảng bá hình ảnh đất nước ra quốc tế. Với Tuyết Mai, khi nhận nhiệm vụ lên đường thi đấu, cô cũng tin rằng đây là cơ hội hiếm có để giới thiệu Võ cổ truyền Việt Nam tới với cộng đồng võ thuật Đông Nam Á.
"Kun Bokator là một bộ môn mới, có những khác biệt về luật, cách tính điểm và hình thức ghi điểm. Khó khăn lớn nhất là chúng tôi phải cập nhật liên tục các thông tin về môn võ này. Ngoài ra, toàn đội phải hiểu được phong cách đánh của Campuchia, còn sở trường của chúng tôi từ võ cổ truyền qua nên có thể thi đấu linh hoạt hơn các đối thủ ở những nước khác."
"Kun Bokator đưa vào SEA Games 32 là cách để Campuchia quảng bá môn võ của đất nước họ, chúng tôi cũng có nhiệm vụ tương tự để quảng bá võ cổ truyền Việt Nam trong quá trình thi đấu. Do đó, toàn đội rất quyết tâm trong việc tập luyện cũng như tìm hiểu về kĩ thuật - truyền thống của nước bạn."
"Đây là lần đầu tiên đội tuyển Võ cổ truyền Việt Nam được tham gia một kì đại hội quốc tế. Chúng tôi coi đây là hi vọng để Võ cổ truyền có cơ hội phát triển bởi sự đa dạng trong môn võ của chúng ta. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi thể hiện quyết tâm khi được các lãnh đạo giao nhiệm vụ."
"Trước kia, Tuyết Mai chỉ được thi đấu võ cổ truyền ở các giải quốc nội, khi thi đấu quốc tế lại phải sang môn khác. Tôi vẫn thắc mắc tại sao mình đánh tốt, lại không có cơ hội thi quốc tế, liệu có nên chuyển hẳn qua môn khác không? Qua kì SEA Games này, tôi muốn gửi lời nhắn tới các vận động viên trẻ, hãy giữ niềm tin với Võ cổ truyền, một ngày nào đó chúng ta sẽ được đền đáp với sự kiên trì của mình."
Tại giải Vô địch Kun Bokator Đông Nam Á đầu tháng 4, Tuyết Mai đã giành huy chương Vàng nội dung đối kháng hạng cân 55kg. Cô cùng các đồng đội được kì vọng sẽ tạo thêm nhiều bất ngờ tại kì SEA Games 32 ở môn võ của nước chủ nhà Campuchia. Các nội dung thi đấu Kun Bokator bắt đầu từ ngày 4/5 tới ngày 8/5 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Quốc tế Chroy Changvar.